Với mục đích tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh vì nền độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, ông Vũ Đình Lưu, ở phố Đặng Việt Châu (thành phố Nam Định) đã dành thời gian, công sức, tiền bạc để đi khắp đất nước sưu tầm những kỷ vật của đồng đội mình. Từ sự tận tâm, tận lực của ông, những kỷ vật thời chiến đã được trưng bày và trở thành một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Ông Vũ Đình Lưu cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm những ngày tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. |
Tháng 5 năm 1969, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, được cấp trên phân công, điều động về công tác tại Cục Quân y nhưng Vũ Đình Lưu lại một mực xin ra trận. Sau 5 năm chiến đấu ở Quảng Trị, Tây Nguyên và Lào, năm 1974 ông được xuất ngũ do bị thương. Sau khi điều trị vết thương, ông được cử đi học và làm luận án tiến sĩ ngành Sinh học ở Liên Xô. Trở về quê hương, trải qua nhiều vị trí công tác nhưng ông Lưu luôn canh cánh trong lòng về những đồng đội đã ngã xuống cùng những kỷ vật chứa đựng biết bao dấu ấn hào hùng của dân tộc. Năm 1987, trong một chuyến công tác ở tỉnh Quảng Trị, ông đã đến thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh. Khi đó, Thành cổ Quảng Trị đang được tu sửa, xây dựng thành nơi tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ Thành cổ trong 81 ngày đêm. Trong khi quan sát nhóm công nhân đào đất, ông thấy lộ ra một số hiện vật gồm ba lô, chăn, màn, bi đông, mảnh dù còn thấm vết máu loang. Những hiện vật này như đưa ông ngược dòng thời gian trở về ký ức của cuộc chiến đấu. Nhìn những kỷ vật ấy, lòng ông luôn day dứt và từ đó ông nảy sinh ý định đi tìm kỷ vật chiến tranh.
Mỗi kỷ vật đưa về, ông Lưu đều nhớ và ghi lại rõ ràng. |
Tất cả các kỷ vật đều được ông Lưu trang trọng gìn giữ. |
Đến năm 2002, sau khi về hưu, ông có điều kiện thực hiện cuộc hành trình đi tìm lại những kỷ vật từ thời chiến. Từ Bắc vào Nam rồi lên Tây Nguyên, nơi đâu có những người gìn giữ các kỷ vật từ thời chiến ông đều đi đến tận nơi, tận tay mình mang về. Khi thì vài chiếc huy hiệu, cái mũ tai bèo, chiếc áo, lúc vài con dao nhíp hay cuốn nhật ký còn viết dở…, mỗi kỷ vật đều mang dấu ấn một hành trình, một câu chuyện liên quan đến đồng chí, đồng đội. Ban đầu, những kỷ vật được ông xếp vào tủ rồi dần dần xếp vào tận bếp, để kín căn phòng trên tầng 3. Mỗi kỷ vật được đưa về, ông đều nhớ và lại ghi rõ ràng, từ mảnh áo đến chiếc mũ đều được làm tới 3 bộ hồ sơ, một do bảo tàng giữ, một nộp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một gửi Cục Di sản. Hàng xóm chuyển nhà đi, ông mua lại mảnh đất bên cạnh nhà và xây lên một căn nhà rộng khoảng 40m2 với ý nguyện mở bảo tàng “Kỷ vật chiến tranh”.
Bộ bàn ghế được ông Lưu thiết kế từ xác máy bay tiêm kích F105 của Mỹ. |
Đến tháng 12 năm 2007, được sự giúp đỡ của các đồng đội, bạn bè và cán bộ Bảo tàng Nam Định, ý nguyện của ông Lưu đã trở thành hiện thực. Ngày đầu thành lập, bảo tàng chỉ có hơn 300 kỷ vật. Với chiếc xe máy gắn bó từ ngày còn công tác, ông rong ruổi khắp các tỉnh, thành phố từ miền Tây Bắc xa xôi đến dải đất miền Trung máu lửa, ngày đi, đêm nghỉ nhờ nhà dân hay tá túc ở những ngôi chùa ven đường, nếu đường xa quá thì ông lại đi tàu hoặc ô tô. Cứ như vậy, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, không nơi nào chưa in dấu chân ông. Về sau, khi biết được tấm lòng của ông, những đồng đội cũ, bạn bè gần xa khắp mọi miền Tổ quốc đã tìm đến tặng kỷ vật của họ. Ông Lưu kể: Năm 2008, khi được tin Đại tá Vũ Ngọc Cừu, xã Thọ Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa có kỷ vật là ca uống nước được Bác Hồ tặng trong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã tìm đến song do không thuộc đường nên bị lạc gần 100km mới tới nơi.
Mỗi kỷ vật đều mang dấu ấn một hành trình, một câu chuyện vui buồn. |
Ông Vũ Đình Lưu xúc động ngắm lại những kỷ vật do chính tay ông đem về. |
Một lần khác vào năm 2009, khi được ông Nguyễn Văn Diễn, số nhà 8, phường Nam Thanh, Thành phố Điện Biên Phủ cho biết, khi thi công công trình trên đồi A1 phát hiện chiếc mũ sắt của sĩ quan Pháp nhưng đã lấp lại. Được tin, ông đã lên Điện Biên cùng ông Diễn đến hiện trường tìm hiện vật. Phải mất nhiều ngày dùng cuốc, xẻng đào bới ông mới tìm được chiếc mũ ấy, và rất may được cả vỏ đạn ĐKZ mang về trưng bày. Còn chiếc ví da đã ngả màu theo thời gian lại gắn với câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của người nữ địch vận hoạt động trong thời kỳ chống Pháp. Năm 1950, ông Nguyễn Văn Trạc bị thực dân Pháp bắt đi lính. Năm 1952, từ trong lòng địch, một nữ địch vận đã bí mật đưa ông ra khỏi quân đội Pháp, quay về với cách mạng. Cô gái đã tặng ông Trạc một chiếc ví da với mong muốn món quà của cô sẽ là người bạn luôn đồng hành cùng ông. Sau này cô bị thực dân Pháp bắn chết trong khi đang làm nhiệm vụ. Cảm kích trước tấm lòng của nữ chiến sĩ địch vận, chiếc ví da được ông Trạc giữ bên mình như một báu vật, đến năm 1987, khi sắp qua đời, thì ông bàn giao lại cho em trai là ông Nguyễn Văn Quát thôn Thuận Vi, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư (Thái Bình). Sau 25 năm gìn giữ chiếc ví của anh trai, ông Quát đã tặng lại cho Bảo tàng “Kỷ vật chiến tranh”… Hay chiếc hũ sành đựng hạt đỗ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Uôn ở thành phố Nam Định, ông kể: Mẹ có 3 người con trai, sau khi 2 người anh hy sinh, người con út đã xung phong lên đường để trả nợ nước, thù nhà. Từ ngày anh lên đường, mỗi ngày mẹ bỏ vào hũ sành một hạt đậu xanh để vơi đi niềm thương nhớ con và cầu mong con chiến thắng trở về. Nhưng khi chiến tranh kết thúc cũng là lúc mẹ nhận được tờ giấy báo tử thứ 3. Từ đó mẹ luôn nâng niu chiếc hũ sành cho đến khi nó được đưa vào bảo tàng của ông thì mẹ yên tâm nhắm mắt.
|
|
Ông Vũ Đình Lưu cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm những ngày tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. |
Đi lại sưu tầm các kỷ vật chiến tranh đã vất vả, song việc thống kê tìm lai lịch của hiện vật và đăng ký cất giữ cũng rất khó khăn, ông phải nhờ đến các cơ quan chức năng có chuyên môn giúp đỡ. Để việc bảo quản những kỷ vật này được tốt, ông Lưu đã dành dụm đồng lương hưu trang bị hệ thống chiếu sáng, máy hút bụi, hút ẩm, máy sấy, máy điều hòa phục vụ cho công tác bảo tồn. Bảo tàng “Kỷ vật chiến tranh” của ông đã có hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Mỗi khi khách đến, ông Lưu kiêm luôn hướng dẫn viên giới thiệu, kể về từng đồ vật. Ông Lưu tâm sự: “Trước đây thì nghĩ với diện tích này đủ để trưng bày các đồ vật, nhưng đồng đội ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc biết đến đều tặng lại cho tôi nhằm lưu giữ lại cho các thế hệ sau. Số lượng các kỷ vật ngày một tăng nhiều nên diện tích ngày càng chật đi”.
Ông Vũ Đình Lưu được Sở VH, TT và Du lịch tặng giấy khen vì đã hiến tặng kỷ vật cho Bảo Tàng tỉnh. |
Năm 2017, do tuổi ông đã cao, sức đã yếu; số hiện vật nhiều, không gian trưng bày lại hẹp, không đảm bảo điều kiện bảo quản, duy trì việc trưng bày. Do vậy, ông Lưu có tâm nguyện hiến tặng toàn bộ số hiện vật trên cho Bảo tàng tỉnh Nam Định để bảo quản, trưng bày, góp phần thực hiện công tác giáo dục lịch sử, truyền thống, nhất là giáo dục lịch sử, truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng và phục vụ công tác nghiên cứu... Gần 1.600 hiện vật chiến tranh ông Vũ Đình Lưu hiến tặng gồm các nhóm hiện vật quân trang, quân dụng của quân đội ta; nhóm hiện vật vũ khí, khí tài; nhóm hiện vật chiến lợi phẩm; nhóm kỷ vật của quân nhân, gia đình người lính; nhóm hiện vật thời bao cấp... Mỗi kỷ vật đều gắn với những câu chuyện vô cùng cảm động, tái hiện ký ức sinh động về thời kỳ lịch sử hào hùng và gian khổ của dân tộc ta./.
Bài và ảnh: Hồng Minh - Thanh Hoa