Những năm qua, nhiều công trình trọng điểm ở huyện Trường Sa được quan tâm xây dựng. Đến nay, huyện Trường Sa đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, hiện đại như: Nhà khách Thủ đô, hệ thống điện mặt trời, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt công suất lớn... Nhiều công trình văn hóa, tâm linh của huyện Trường Sa được xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động như: Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Nhà truyền thống Trường Sa, Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 10 ngôi chùa… Lĩnh vực giáo dục được các cấp chính quyền huyện Trường Sa quan tâm. Đến nay, huyện có 3 trường Tiểu học tại thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn đảm bảo việc giảng dạy cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Nhờ cơ sở vật chất đồng bộ cùng giáo viên có trình độ, chất lượng giáo dục toàn diện toàn huyện được duy trì; tỷ lệ học sinh đạt khá và giỏi hàng năm đạt 100%; 100% học sinh vào đất liền học tiếp lên các cấp cao hơn đều theo kịp chương trình và đạt lực học khá, giỏi. Có mặt ở Trường tiểu học thị trấn Trường Sa, chúng tôi bắt gặp hình ảnh thầy giáo Bành Hữu Tình (40 tuổi) đang hăng say giảng bài cho các em học sinh. Tiếng bi bô của các em học sinh tập đọc trong lớp cùng sự chỉ bảo tận tình của thầy giáo khiến ai nấy đều xúc động. Thầy giáo Bành Hữu Tình tâm sự: “Trong một lần tham quan Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, tôi biết được có nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh vì biển đảo. Với mong muốn đóng góp sức nhỏ cho Trường Sa, tôi làm đơn tình nguyện chuyển công tác ra đảo. Sau 5 năm dạy học trên đảo, tôi có chút tiếc nuối… vì không quyết định ra đảo sớm hơn để được cống hiến nhiều hơn cho mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.
Trên lĩnh vực y tế, huyện đảo hiện có 8 bệnh xá và 1 Trung tâm y tế. Các cơ sở đều được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, kịp thời cứu chữa cho quân, dân của huyện và ngư dân trong trường hợp gặp nạn trên biển. Đặc biệt, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được trang bị hệ thống trực tuyến Telemedicine (y học từ xa) với Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh) giúp truyền hình ảnh bệnh nhân, các kết quả xét nghiệm, hội chẩn để thống nhất phương pháp điều trị. Những ý kiến tư vấn, chỉ đạo của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 được các y, bác sĩ ở Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa thực hiện ngay trong quá trình phẫu thuật giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trên đảo.
Với vai trò là tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc, công tác quốc phòng - an ninh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển và xây dựng khu vực phòng thủ các xã, thị trấn ở Trường Sa luôn được quan tâm, củng cố. Các đơn vị, địa phương duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ cứu nạn và phòng, chống cháy nổ; cùng với Lữ đoàn 146, các lực lượng phối hợp đã tổ chức thành công các cuộc diễn tập phòng thủ bảo vệ đảo. Bên cạnh đó, quân và dân huyện đảo thường xuyên học tập, quán triệt các Nghị quyết, chỉ thị, nhiệm vụ, đối sách trên không, trên biển; giáo dục tinh thần cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của đối tượng tác chiến; phát huy tốt vai trò của các tổ chức trong giáo dục nhiệm vụ, trách nhiệm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Lớp học ở Trường Sa
Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng cảnh quan môi trường chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, từ nhiều năm nay Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã quan tâm, chỉ đạo ngành hậu cần vận chuyển hàng vạn khối đất và cây giống, hàng ngàn tấn phân bón ra ươm trồng, tạo nên không gian xanh để bộ đội và nhân dân Trường Sa yên tâm công tác, sinh sống lâu dài nơi đầu sóng. Thượng tá Trần Văn Quyển, Phó Lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 cho biết: "Để tạo cảnh quan môi trường xanh cho Trường Sa, Lữ đoàn 146 đã phối hợp với huyện đảo Trường Sa xây dựng kế hoạch dài hạn với mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của từng đảo. Các đảo đã xây dựng những vườn ươm cây giống để trồng tại đảo và chuyển giao để trồng tại các đảo khác. Mỗi cán bộ, chiến sĩ khi nghỉ phép hay hết nhiệm vụ trở về đất liền đều chiết, trồng tặng đảo từ 1 đến 2 cây xanh. Việc trồng và chăm sóc cây xanh được các cán bộ, chiến sĩ thực hiện sáng tạo, linh hoạt. Các đảo tổ chức quy hoạch khu vực đất trồng cây phù hợp khuôn viên đơn vị. Số lượng cây xanh được các đơn vị quản lý chặt chẽ, đánh số thứ tự theo từng loại để tiện trong công tác quản lý, chăm sóc và bàn giao. Chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ cho chi đoàn, phân đoàn và đến mỗi đoàn viên quản lý từng khu vực cây cụ thể. Hàng năm, các đơn vị tổ chức tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp thực hiện; kết quả chăm sóc cây xanh cũng là tiêu chí để đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng.
Chăm sóc cây xanh ở Trường Sa
Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa chia sẻ, để Trường Sa ngày càng xanh là điều trăn trở của chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Với đặc thù điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mỗi cây xanh sinh tồn trên đảo là quá trình chăm sóc kiên trì của cán bộ, chiến sĩ. Nhiều năm qua, được sự quan tâm từ đất liền, những mảng xanh trên đảo ngày càng được phủ rộng; đến nay đảo đã trồng được nhiều loại cây, như: Bão táp, phong ba, mù u, bàng vuông, chuối, tre… Còn Thiếu tá Nguyễn Hồng Tiến, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông cho biết, việc trồng cây xanh không chỉ giúp phủ xanh đảo, mà còn góp phần giáo dục tinh thần, ý chí rèn luyện, nỗ lực vượt khó, sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Ở Trường Sa Đông, mỗi cán bộ, chiến sĩ trước khi hoàn thành nhiệm vụ tại đảo đều trồng, nhân giống cây xanh, chủ yếu là cây bàng vuông để tặng đảo như một sự tri ân trong suốt thời gian công tác tại đây. Không chỉ vậy, khi trở về đất liền, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã dày công nhân giống, vận chuyển cây bàng vuông mang trồng tại đơn vị công tác mới hoặc tặng các cơ quan, trường học. Qua nhiều năm nỗ lực thi đua xây dựng và phát triển, huyện Trường Sa được tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý, như: Huân chương lao động hạng Ba (năm 1995), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2014), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2017), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2022). Nhiều tập thể và cá nhân của huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, như: Đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa), đảo Song Tử Tây (xã Song Tử Tây), đảo Nam Yết (xã Sinh Tồn)...
Những công trình được Nhà nước cùng các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng trên huyện đảo Trường Sa; những mầm cây xanh đang đâm chồi, nảy lộc, tràn đầy sức sống trên các đảo, điểm đảo đã phần nào minh chứng cho sự đồng hành, khăng khít của hậu phương với quân, dân nơi đảo xa. Qua đó, động viên cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đảo tiền tiêu của tổ quốc sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, giữ bình yên, chủ quyền biển đảo đất nước. Với chúng tôi, suốt hải trình kéo dài gần 20 ngày đến với Trường Sa đã đọng lại nhiều kỷ niệm và cảm xúc đan xen. Tôi và các đồng nghiệp cảm thấy may mắn khi được trải nghiệm để tận thấy một Trường Sa thiêng liêng, can trường nơi đầu sóng. Đi, để thấy lá cờ Tổ quốc hiện hữu giữa nắng gió, bão dông, để nghe những người lính hát vang trong kiên cường và để trái tim rộn những nhịp tự hào 2 tiếng Việt Nam./.
Viết Dư
-------------------------------------
Thiêng liêng biển đảo quê hương (kỳ II)
Thiêng liêng biển đảo quê hương (kỳ I)