Nam Định có 17 làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm, tập trung tại các vùng đất cổ và lưu, giữ nhiều di sản văn hóa. Tiêu biểu như các làng nghề: Đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng (Ý Yên); mây tre đan Vĩnh Hào (Vụ Bản); cây cảnh Vị Khê, múa rối nước Bàn Thạch, làm khăn xếp Giáp Nhất (Nam Trực); ươm tơ Cổ Chất, dệt vải Cự Trữ (Trực Ninh); sản xuất muối Văn Lý, kèn đồng Phạm Pháo (Hải Hậu); nước mắm Sa Châu, muối Bạch Long (Giao Thủy), bún Phong Lộc Tây (Thành phố Nam Định), cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường)… Mỗi làng nghề bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật, kỹ thuật sản xuất đúc kết ở những nghệ nhân tài hoa.
Với bề dày lịch sử hàng trăm năm, làng nghề nước mắm Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy) đã trở thành làng nghề truyền thống nổi tiếng được nhiều du khách gần xa biết đến. Xã hiện có hơn 100 hộ làm nước mắm. Theo kinh nghiệm của người dân Sa Châu, mỗi năm có 2 vụ cho ra nước mắm ngon. Chính vụ là từ tháng 4 đến tháng 6, cá được nước nên sẽ cho thành phẩm ngon nhất và thời tiết nắng nhiều cũng thuận lợi cho việc làm mắm. Vụ thứ 2 là vào tháng 10, tuy độ ngon không bằng chính vụ nhưng cũng cho ra thành phẩm ngon hơn các tháng khác. Đặc biệt nhờ được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công và không có hóa chất, do đó nước mắm Sa Châu có mùi thơm nhẹ, màu vàng ánh và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Với lòng nhiệt huyết, sự yêu nghề, người dân Sa Châu đã và đang xây dựng thương hiệu nước mắm Sa Châu và kết nối các giá trị truyền thống mà cha ông để lại, góp phần tạo nên tinh hóa văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Làng nghề cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường) khởi đầu từ nghề đúc đồng truyền thống. Trong tiềm thức của những cụ phụ lão trong làng, những sản phẩm đồng như nồi, mâm, chậu, chuông… được làm từ đôi bàn tay tài hoa của người thợ Xuân Tiến đã có mặt trong nhiều gia đình Việt Nam từ cuối thế kỷ XX. Trải qua thời gian, cùng sự năng động, sáng tạo, khả năng thích ứng thị trường, làng nghề Xuân Tiến đã mở rộng sản xuất sang các mặt hàng cơ khí vừa và nhỏ. Từ những năm 1990, làng nghề tự hào vì làm ra được những chiếc máy tuốt lúa tốt, giá cả hợp lý thì cách đây trên chục năm, cũng chính những người thợ tài hoa lại sản xuất ra máy gặt đập liên hoàn với sản lượng bình quân 5-6 nghìn chiếc/năm. Những năm gần đây, máy trộn bê tông, lò sấy thóc mi ni là những sản phẩm tiêu biểu của làng nghề được đặt hàng nhiều hơn cả. Hiện tại, nghề cơ khí là nghề chủ lực của xã Xuân Tiến với 25 doanh nghiệp và 338 cơ sở, đã sản xuất gần 100 loại máy móc chuyên biệt như: máy bóc lạc, máy tẽ ngô cả áo, máy tuốt lúa, máy gia công các sản phẩm đồ gỗ, động cơ điện, máy phát điện, máy ép gạch không nung… Cụm công nghiệp Xuân Tiến hiện thu hút trên 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyên ngành cơ khí chế tạo máy; tạo việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động tập trung.
Nghề làm gối mây ở thôn Tiên Hào, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) đã có từ hàng trăm năm nay, được duy trì và đang tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Thôn có trên 200 hộ dân tham gia làm gối mây với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Để làm được một chiếc gối đẹp, bền, có hoạ tiết trang trí bắt mắt và khi sử dụng hiệu quả cao thì người thợ phải tỉ mỉ, khéo léo từ khâu chọn nguyên liệu như mây, nan, khung gối. Sản phẩm gối mây của thôn Tiên Hào không chỉ xuất bán tại thị trường trong nước mà còn được xuất bán sang nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan...
Người dân ở thôn Phong Lộc Tây, nay là tổ 3, phường Cửa Nam (thành phố Nam Định) không biết chắc chắn nghề bún đã xuất hiện từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng, đã từ rất lâu, nghề làm bún được truyền từ đời các cụ đến đời ông bà, cha mẹ. Trải qua nhiều năm làm bún thủ công gia truyền, ngày nay với sự mở mang, phát triển của làng nghề, nhiều gia đình đã đầu tư máy móc, kỹ thuật nên việc làm bún đỡ vất vả hơn, chất lượng bún được cải thiện hơn. Làng hiện có gần 40 hộ làm bún. Mỗi ngày, một hộ làm bún ở Phong Lộc sản xuất được khoảng 1 tạ bún. Từ vài năm nay, trừ công đoạn vo gạo, xóc gạo, “bắt” bún ra, còn lại tất cả các khâu trong quy trình làm bún truyền thống trước đây, như: Xay bột, ép bột, nặn bột thành sợi bún đã được thay thế bằng máy. Sản phẩm bún Phong Lộc Tây không những có mặt trên địa bàn thành phố Nam Định mà còn có mặt ở các huyện trong tỉnh, được người tiêu dùng tin cậy cung cấp cho nhiều bếp ăn lớn ở trường học, cơ quan, đơn vị, khu công nghiệp... trên địa bàn tỉnh.
Mỗi làng nghề truyền thống ở Nam Định đều mang một vẻ đẹp, độc đáo riêng. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là câu chuyện về tinh thần đoàn kết, lao động, sáng tạo mà bao đời này ông cha ta đã trao truyền qua nhiều thế hệ. Trải qua bao biến thiên của thời gian và lịch sử, nghề truyền thống ở các địa phương vẫn là nơi lưu giữ các sản phẩm thủ công độc đáo, tinh xảo và mang đậm dấu ấn văn hóa của địa phương. Bởi vậy, để gìn giữ tinh hoa văn hóa làng nghề, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đặc biệt coi trọng, tập trung đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo, phục dựng các công trình kiến trúc, phong tục, tín ngưỡng thờ tổ nghề... Việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề thủ công truyền thống góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và nâng cao chất lượng đời sống của người dân./.
Hồng Minh – Thanh Hoa