Ký ức từ những tên làng
.

Ký ức từ những tên làng

08:17, 13/02/2024

Theo các tài liệu lịch sử và thần phả địa phương, vào thời Vua Hùng có 12 gia đình xuôi thuyền theo sông Hồng từ vùng Bạch Hạc (nay là Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) về cửa biển Côi Sơn khai khẩn bãi hoang bên dòng sông Cốc, lập thành làng Bách Cốc. Là một trong những ngôi làng cổ, làng Bách Cốc hiện lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử cùng với những nét sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc. Làng có Đền - Chùa Bách Cốc được xây dựng cạnh nhau thờ các vị tổ lập làng là Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thái phó Bình Quận công Bùi Ư Đài. Hiện nay, tại Đền - Chùa Bách Cốc còn lưu giữ nhiều di vật như: Nhang án, tượng Hoàng hậu Dương Vân Nga, bia đá hình trụ thời Lê… Với việc lưu giữ nhiều di vật lịch sử tiêu biểu, năm 2005, Đền - Chùa Bách Cốc được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; dân làng thường xuyên tổ chức lễ hội theo tiết xuân, hạ, thu, đông và ngày kỵ các vị thờ phụng như: tế lễ giỗ quan Thái phó, lễ cơm mới… Làng cũng bảo tồn được hệ thống các từ đường, lăng mộ cổ có giá trị lịch sử, văn hóa, tiêu biểu như các từ đường: họ Bùi Huy, họ Nguyễn Đình, họ Nguyễn Tài, họ Vũ, họ Bùi Doãn, họ Nguyễn Công…; 28 văn bia có niên đại từ thế kỷ thứ XVI đến XVIII.  

Trải qua tháng năm, làng không ngừng phát triển, cư dân đông đúc, đời sống trù phú. “Nằm lòng” lịch sử của làng Bách Cốc nên mỗi khi có các đoàn chuyên gia nghiên cứu ở nước ngoài và Trung ương về, ông Nguyễn Tài Tư, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận xóm B, làng Bách Cốc lại được lãnh đạo xã tín nhiệm giao nhiệm vụ “hướng dẫn viên” giới thiệu về lịch sử làng. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Tư cho biết thêm: Làng Bách Cốc hiện nay có 5 xóm gồm: A, B, C, Áp Phú và xóm 6. Làng có trên 900 hộ dân với 12 dòng họ. Nghề nghiệp chính của người dân trong làng chủ yếu là trồng lúa và các loại cây rau màu. 

Trong câu chuyện, ngoài giới thiệu những nét chính, ông Tư còn kể thêm nhiều chi tiết đặc biệt về ngôi làng, trong đó có tấm Bia căm thù được dựng ngay giữa xóm B, ghi lại sự kiện năm 1947: “Ngày 3 tháng 3 năm 1947 (tức 11 tháng 2 năm Đinh Hợi), thực dân Pháp từ thành phố Nam Định kéo quân về kết hợp với binh lính Pháp đóng tại bốt Trình Xuyên, chúng dùng ô tô, xe tăng chở lính ồ ạt tấn công vào làng. Đi đến đâu, chúng thực hiện chính sách: đốt sạch, phá sạch. Đền, chùa, miếu mạo, nhà thờ, nhà dân đều bị chúng đốt cháy trụi. Chúng bắn giết chết 43 người dân lương thiện, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, gây nên cảnh làng xóm xác xơ tang tóc. Đau thương này khắc tạc vào bia để muôn đời sau ghi nhớ”.

Ánh nắng đầu đông ấm áp trải dài trên những dong ngõ dẫn về thôn Nội, xã Nam Thanh. Theo lời giới thiệu của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Hữu Ngôn, chúng tôi về gặp ông Phạm Thanh Đồng, Bí thư chi bộ thôn Nội. Tại nhà văn hoá thôn, chúng tôi còn được gặp các cụ cao niên của thôn, những người có nhiều kỷ niệm gắn bó với thôn làng. Ông Đồng kể: “Ngày thơ bé, trưa nào tôi cũng theo chúng bạn ra sông tắm rồi về nằm đùa nghịch dưới gốc cây đa đầu làng. Chiều hè mát rượi, lũ trẻ con chúng tôi hò nhau vào chùa hái trộm ổi, táo. Những năm đất nước thanh bình, một năm 2 lần Chùa Nội tổ chức lễ hội truyền thống, người đông như trẩy hội, trai gái, già trẻ khắp nơi tụ về hội làng. Đấy là những năm tháng tuổi thơ rất đẹp đẽ của tôi”.

Theo sử sách của làng ghi lại, thôn Nội được hình thành từ lâu đời gộp 2 thôn Chiền và Nội. Trải qua thăng trầm lịch sử, thôn, xóm có lúc sáp nhập rồi chia tách. Từ ngày 1-1-2022, các thôn Nội 1 và Nội 2 chính thức sáp nhập thành thôn Nội với 316 hộ gia đình, 814 nhân khẩu. Nghề nghiệp chính của người dân trong thôn là sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Thu nhập bình quân đầu người trong thôn hiện đạt gần 60 triệu đồng/năm. Năm 2000, thôn được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận danh hiệu làng văn hoá cấp tỉnh; Đền - Chùa thôn Nội được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2013. Chùa được khởi công xây dựng cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất trên địa bàn huyện Nam Trực. Cũng chính tại ngôi chùa này đã diễn ra nhiều sự kiện gắn với lịch sử làng, xã. Trong các phong trào cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp, Đền - Chùa Nội trở thành địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của địa phương.

Đặc biệt, thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8-1945 (giai đoạn 1936-1939), Đền - Chùa Nội là cơ sở an toàn, tin cậy cho nhiều cán bộ, đảng viên hoạt động và chỉ đạo phong trào kháng chiến. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Chùa Nội là nơi sơ tán, trụ sở làm việc của UBND huyện Nam Trực và Trực Ninh. Trong Chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá như: tượng Thánh tổ Nguyễn Minh Không, kích thước cao 1,2m, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII, ngai và bài vị thờ Nam Hải Phạn Đại Vương và Định Chương Tấu Đại Vương, các văn bia đá thời nhà Lý… Đặc biệt là quả trống đồng thời Lý do Quận công Phan Trần Bản đúc, thời kỳ giặc Pháp càn vào làng bị bắn thủng một bên mặt.

Phát huy các giá trị văn hoá lịch sử lâu đời, người dân xã Nam Thanh nói chung, thôn Nội nói riêng còn giữ gìn được những nét sinh hoạt văn hoá dân gian của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hàng năm tại Đền - Chùa thôn Nội, nhà sư, tín đồ phật tử cùng nhân dân địa phương tổ chức 2 kỳ lễ hội vào tháng 9 và tháng 2 âm lịch. Trong đó, lễ hội tháng 2 hay còn gọi là lễ hội bánh dày diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13-2 là quan trọng nhất. Trong dịp này, các nhà sư cùng các vị cao niên sẽ làm lễ “canh y mộc dục”, thay áo cho thiền sư Minh Không, tổ chức tế cáo tại đền - chùa rồi rước kiệu quanh thôn, làm bánh dày dâng Thánh. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài nghi thức dâng hương, tế lễ, dân làng còn tổ chức nhiều sinh hoạt văn hoá, tham gia vào các trò chơi dân gian kéo co, đá bóng, tổ tôm… 

Có nhà thơ từng viết: “Như chiếc rễ ăn sâu vào đất. Ai nhổ được tên làng. Ra khỏi vùng ký ức?”. Tạm biệt những ngôi làng cổ thơ mộng, đẹp đẽ, trong đầu tôi luôn văng vẳng những câu thơ trên. Trải qua thăng trầm thời gian, biến thiên lịch sử, những ngôi làng cổ trong tỉnh luôn được chính quyền địa phương, người dân gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá, bản sắc riêng biệt. Để, cũng từ làng nối kết khăng khít những tình quê, tình người./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân

 



Xem thêm bình luận