Giữ hồn Tết xưa
.

Giữ hồn Tết xưa

09:28, 10/02/2024
 

Từ những hoài niệm về quê hương Nam Định, họa sĩ Trần Nguyên, năm nay 33 tuổi đã sáng tạo hơn 150 bức tranh với đề tài làng quê và Tết xưa. Qua nét vẽ tài hoa, giàu cảm xúc của họa sĩ trẻ, phong cảnh những vùng quê Bắc Bộ và hình ảnh Tết sum vầy, chợ xuân được tái hiện chân thực, gần gũi, ấn tượng với người xem.

 

 

Họa sĩ Trần Nguyên sinh ra ở xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) trong gia đình thuần nông. Từ nhỏ, Nguyên đã bộc lộ năng khiếu hội họa. Trong cặp sách của cậu học trò lúc nào cũng sẵn tờ giấy, bút chì để vẽ những nhân vật hoạt hình yêu thích và những công trình kiến trúc cổ của địa phương. Cũng bởi đam mê, từ những năm học tiểu học đến THCS, Nguyên luôn là “hạt nhân” của trường, lớp trong các dịp vẽ báo tường, trang trí khánh tiết. Tốt nghiệp THCS, Nguyên đề xuất nguyện vọng học Khoa Hội họa, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nam Định (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định) và được gia đình ủng hộ. Năm 2010, Nguyên tiếp tục thi đỗ vào Khoa Thiết kế Mỹ thuật, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Trải qua quá trình học tập tại môi trường chuyên nghiệp, tư duy mỹ thuật của Nguyên đã trưởng thành vượt bậc. Từ năm học đầu tiên, cậu sinh viên mỹ thuật đã có ý tưởng thu thập tư liệu để phục dựng những nếp nhà xưa, cảnh làng quê Bắc Bộ trong từng bức vẽ. Năm cuối đại học, Nguyên chọn làm đồ án tốt nghiệp với chủ đề “Những đứa con của làng”, với bối cảnh làng quê Bắc Bộ những năm 60 của thế kỷ trước. Đồ án của Nguyên được các thầy, cô giáo đánh giá cao và chấm điểm 10 tuyệt đối. Đó cũng chính là động lực, nuôi dưỡng cảm xúc cho họa sĩ trẻ vững bước đi trên con đường hội họa chuyên nghiệp sau này.

 

 

 

Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyên thử sức trong công việc thiết kế đồ họa cho Công ty Game của Nhật Bản với mức lương nhiều người mơ ước. Tuy nhiên, thời gian và sức ép công việc ảnh hưởng đến việc sáng tác tranh nên anh quyết định nghỉ việc. Họa sĩ Trần Nguyên tâm sự: “Quyết định nghỉ việc thời điểm đó đã thay đổi cuộc đời tôi. So với bạn bè cùng trang lứa, nếu tiếp tục làm việc ở Công ty sẽ giúp tôi có tài chính rất ổn định. Tuy nhiên, mỗi đêm về tôi lại trăn trở với những dự định trước kia, phải sáng tác những bức tranh về quê hương, về Tết xưa. Được thực sự sống với đam mê, tôi đã cân bằng cảm xúc và sống một cuộc đời như mong muốn…”.

 

 

 

Lớn lên ở làng quê thuần nông, những hình ảnh cánh đồng lúa bát ngát, những đụn rơm, những con đường lát gạch cổ… luôn thường trực trong hoài niệm của Trần Nguyên. Từ năm 2017 đến nay, họa sĩ Trần Nguyên đã sáng tác trên 150 bức tranh về chủ đề làng quê Bắc Bộ. Trong các tác phẩm của Nguyên, luôn có không gian văn hóa làng đặc trưng. Đó là những con đường làng nhỏ, cây đa cổ thụ, đụn rơm… các nhân vật với trang phục thôn quê gần gũi… những con vật như đàn gà, chó, mèo… Họa sĩ Trần Nguyên cho biết thêm: “Những hình ảnh thôn quê hiện nay đang dần mai một, tôi muốn tái hiện lại để thế hệ trẻ thời nay được tiếp cận nét đẹp văn hoá xưa. Tôi mong muốn những người đã trải qua cuộc sống làng quê cũng có thể tìm về bầu trời tuổi thơ của mình”. Khi bắt tay vào sáng tác, khó khăn nhất với Nguyên là các kiến trúc cổ ở nhiều nơi không còn nguyên trạng. Để vẽ ra “hồn quê”, Nguyên nhớ lại khung cảnh chính quê hương mình, dùng những kiến thức về lịch sử mỹ thuật điện ảnh, nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực tế để sáng tác bức tranh hội tụ đầy đủ 3 yếu tố “Chân, Thiện, Mỹ” và đúng với thời kỳ lịch sử. Các bức tranh của họa sĩ Trần Nguyên sử dụng chất liệu sơn dầu và màu Acrylic, với lối vẽ tả thực kết hợp tông màu vàng trầm ấm tạo nên khung cảnh bình dị của làng quê, tiêu biểu là các tác phẩm “Chợ quê”, “Dưới mái hiên nhà”, “Chiều quê”, “Hoài niệm”, “Khoảng sân trước nhà”… Điểm chung trong các bức tranh của họa sĩ Trần Nguyên là đều có nắng tượng trưng cho niềm tin và hy vọng; những tia nắng như nhịp cầu kết nối mạch nguồn quá khứ với hiện tại và hướng tới tương lai tươi sáng.

 

 
Tác phẩm Ngày Tết.
Tác phẩm "Ngày Tết".

 

Từ năm 2020, họa sĩ Trần Nguyên nảy ra ý tưởng vẽ tranh Tết xưa. Đến nay, anh đã có hơn 20 bức tranh về đề tài này. Trong số nhiều bức tranh Tết, họa sĩ Trần Nguyên tâm đắc nhất với tác phẩm “Chiều 30 Tết”. Tác phẩm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu theo lối vẽ tả thực, với tông màu trầm ấm tái hiện khung cảnh gia đình quây quần bên nhau gói bánh chưng, xung quanh là hoa đào, chậu quất, mâm ngũ quả... Cảm xúc để Trần Nguyên sáng tác tác phẩm “Chiều 30 Tết” đó là ký ức cùng ông, bà nội gói bánh chưng dưới mái nhà cổ quê nhà. Bức tranh “Không khí trước Tết” với gam màu vàng tươi. Những hình ảnh bình dị, thôn quê mộc mạc dần hiện lên như ngôi nhà cấp 4 mái rêu phong, cành đào, chậu cúc và cây bưởi trĩu quả… Nhân vật trong bức tranh là người bà trang phục khăn mỏ quạ với nụ cười nhân hậu đang hướng dẫn cháu gói bánh chưng. Họa sĩ Trần Nguyên cho biết: Mỗi dịp Tết, tôi lại nhớ về người ông quá cố. Bức tranh “Không khí trước Tết” chỉ còn bà nội tôi ngồi đó. Tuy nhiên, để khỏa lấp sự trống vắng trong bức tranh, nhiều hình ảnh bổ trợ của tôi đều có “cặp” như 2 chậu cúc, 2 quả gấc, 2 người cháu… đóng khung bức tranh là cây bưởi trĩu quả, vàng ươm. Bức tranh “Đoàn viên” mang đến cho người xem sự đầm ấm của đại gia đình chuẩn bị đón xuân. Đó là hình ảnh bà cùng mẹ gói bánh chưng, bố và ông đang chuẩn bị nồi luộc bánh. Quang cảnh là một mái nhà lợp lá liền kề ngôi nhà bê tông kiên cố; vườn rau xanh mơn mởn và cây lá đâm chồi; đàn gà thong dong dưới nắng vàng…

 

<em>Họa sĩ Trần Nguyên với tác phẩm "Tết quê".</em>
Họa sĩ Trần Nguyên với tác phẩm "Tết quê".

 

Qua bức tranh, người xem có thể thấy được sự kỳ công của họa sĩ Trần Nguyên trong từng tiểu tiết. Đó là hoa văn trên ngôi nhà bê tông quét ve vàng, là làn sương mờ ảo hậu cảnh, là chiếc gầu múc nước bên giếng nhà… Khác với hình ảnh những ngôi nhà cổ ở một gia đình cụ thể, bức tranh “Chợ hoa ngày Tết” mang đến không khí hân hoan, náo nức ở làng quê. Hình ảnh người mua hoa cúc, hoa đào niềm nở; những gian hàng hoa treo lá cờ Tổ quốc đỏ thắm. Tất cả các chi tiết, gam màu bổ trợ tạo chiều sâu cảm xúc cho bức tranh. Họa sĩ Trần Nguyên chia sẻ: Mỗi tác phẩm trong bộ tranh Tết quê nhà không có thời gian sáng tác cụ thể. Có những bức tranh anh thực hiện trong 2-3 tuần, có những tác phẩm phải “thai nghén” trong vài tháng. Để nuôi dưỡng cảm hứng vẽ tranh, họa sĩ Trần Nguyên tham gia các chuyến đi thực tế ở nhiều làng cổ để tìm tòi và ghi lại những tư liệu. Bên cạnh đó, anh còn tham gia vào nhiều nhóm hội họa trong nước và nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm sáng tác như “All About Artist”, “VietnamArt page”, “Hoạ sĩ và nhà sưu tập”, “Mê tranh”… Những bức tranh về Tết xưa của anh nhận được sự đón nhận từ cộng đồng với minh chứng là hàng nghìn lượt chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Trong quá trình hoạt động hội hoạ, họa sĩ Trần Nguyên tham gia nhiều triển lãm tranh uy tín như: Chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Asian tại Hà Nội; triển lãm “Sắc xuân” ở Bộ Ngoại giao; trưng bày tranh tại Văn phòng Chính phủ…

 

 

 

Những thành công trên con đường hội họa của họa sĩ Trần Nguyên mang đậm dấu ấn từ sự nỗ lực, sáng tạo của bản thân, sự ủng hộ của gia đình và trên hết, quê hương chính là mạch nguồn cảm hứng trong từng nét vẽ. Với mong muốn lưu giữ hồn quê đất Việt, họa sĩ Trần Nguyên đang ấp ủ nhiều dự án. Trong đó, anh sẽ tiếp tục sáng tác bộ tranh Tết xưa với những bối cảnh, không gian khác nhau; mở triển lãm tranh cá nhân để công chúng và người yêu tranh cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất và người ở nhiều làng quê Việt Nam./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 

 

 

 



Xem thêm bình luận