Những nghệ nhân sinh vật cảnh có “bàn tay vàng”
.

Những nghệ nhân sinh vật cảnh có “bàn tay vàng”

16:40, 12/12/2023

Về các làng nghề cây cảnh trên địa bàn tỉnh, chúng tôi có dịp được gặp nhiều nghệ nhân có “bàn tay vàng”. Qua bàn tay tài hoa, con mắt thẩm mỹ, các nghệ nhân đã biến những cây vô tri trở nên sống động, có hồn, phục vụ nhu cầu thưởng lãm cái đẹp ngày càng cao của người dân.

Vườn cây cảnh của gia đình ông Phạm Minh Châu.
Vườn cây cảnh của gia đình ông Phạm Minh Châu.

Nghệ nhân quốc gia Phạm Minh Châu, xóm 2, xã Nam Toàn (Nam Trực) từ lâu “nổi tiếng” trong giới chơi cây cảnh bởi những “tác phẩm” cây độc đáo, thể hiện “dấu ấn cá nhân” riêng biệt. Sinh ra ở làng nghề, ông Châu cũng như nhiều người trong xã biết trồng, chơi cây từ rất sớm. Trước đây, ông chủ yếu trồng các loại cây lâu năm như: sanh, si, tùng la hán… Những năm 2012, khi cây cảnh lâu năm bão hòa, ông chuyển sang trồng các loại cây công trình, cây bonsai và nhận thiết kế hòn non bộ, bể cá, sân vườn.

Qua bàn tay của các nghệ nhân, cây sanh, si được chăm sóc tỉ mỉ mang lại giá trị kinh tế cao.
Qua bàn tay của các nghệ nhân, cây sanh, si được chăm sóc tỉ mỉ mang lại giá trị kinh tế cao.

Khoảng gần chục năm trở lại đây, ông Châu chuyển hẳn sang trồng quất bonsai. Lý do ông chuyển sang trồng quất bonsai xuất phát từ lần vào Thanh Hoá chơi thấy nhà người bạn có “ký” cây quất nhỏ trên một bình gốm rất đẹp. Ấn tượng bởi cách trồng độc đáo này, về nhà ông Châu quyết tâm tìm hiểu, nghiên cứu cách trồng và đầu tư vốn liếng cho hướng đi mới này. Theo đó, ông đã đến nhiều vùng trồng quất miền Bắc tìm mua các gốc quất già, thế đẹp; đến các lò gốm thủ công ở Bát Tràng tìm đặt các chậu gốm, sứ đẹp, lạ về ký cây đồng thời lên mạng, tham gia vào các hội nhóm đam mê sưu tầm đồ gốm, sành sứ Trung Quốc để đặt mua thêm các chậu phù hợp. Căn cứ vào dáng, thế từng cây, ông Châu thiết kế thêm các tiểu cảnh bằng những chi tiết trang trí rất riêng. Mỗi chậu quất đều mang các chủ đề, thông điệp, câu chuyện khác nhau.

Ông Phạm Minh Châu, xã Nam Toàn (Nam Trực) chăm sóc quất thế của gia đình.
Ông Phạm Minh Châu, xã Nam Toàn (Nam Trực) chăm sóc quất thế của gia đình.

Không phụ công sức của ông Châu, những cây quất cảnh trồng trên các chậu gốm nhanh chóng thu hút thị trường, được người tiêu dùng yêu thích. Riêng vụ Tết Nguyên đán năm 2016, ông thu về trên 1 tỷ đồng. Sang đến vụ quất thứ 2, ông Châu cho biết, đã có lãi. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc trồng quất của ông cũng thuận lợi. “Bởi quất bonsai rất khó chăm sóc, cho nhiều hoặc ít chất dinh dưỡng đều ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Nếu bón phân quá nhiều cây sẽ bị rụng hoa, phân ít quá cây không hấp thụ đủ chất sẽ không ra hoa. Gặp mưa nhiều, quất cũng dễ bị thối gốc, chưa kể các gốc quất già quá cũng thường ít quả, “sức đề kháng” kém, đòi hỏi quy trình chăm sóc cũng phải đặc biệt hơn”, ông Châu chia sẻ.

Du khách trải nghiệm tại vườn của gia đình ông Phạm Minh Châu.
Du khách trải nghiệm tại vườn của gia đình ông Phạm Minh Châu.

Vào thời điểm nhà vườn đang “ăn nên làm ra” thì mô hình trồng quất bonsai trên gốm của ông Châu bị nhiều nhà vườn khác học theo rồi nhân rộng. Nhận thấy thị trường bão hoà, ông chuyển hướng sang trồng quất trên gỗ lũa, chọn những dáng lũa lạ mắt, vân đẹp ký cây. Để quất sinh trưởng và phát triển trên gỗ lũa còn khó hơn trên đồ gốm, sành, do vậy ông Châu phải tính toán tỉ mỷ việc tưới nước và bón phân phù hợp. Bắt đầu ghép quất với gỗ lũa từ năm 2018, đến nay nhà vườn của ông có trên 200 gốc quất đẹp. Với giá bán dao động trong khoảng 4-7 triệu đồng/cây, từ năm 2020 đến nay, trung bình ông Châu đạt doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động.

Ông Vũ Văn Hoa bên những cây cảnh có giá trị kinh tế cao.
Ông Vũ Văn Hoa bên những cây cảnh có giá trị kinh tế cao.

Thăm nhà vườn của nghệ nhân quốc gia Vũ Văn Hoa, xóm 3, xã Điền Xá (Nam Trực) chúng tôi như lạc vào một "khu rừng" với đầy đủ các loại cây, hoa đẹp, có giá trị kinh tế cao. Tuổi thanh niên, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Hoa xung phong lên đường nhập ngũ. Năm 1977, ông xuất ngũ về làm công nhân ở 1 xí nghiệp gần nhà chuyên về thuỷ sản. Thời gian rảnh rỗi, ông tiếp tục niềm đam mê làm cây cảnh từ bé đồng thời duy trì nghiệp nhà.

Vườn lan của gia đình ông Vũ Văn Hoa.
Vườn lan của gia đình ông Vũ Văn Hoa.

Năm 1996, ông nghỉ hưu và tập trung toàn bộ thời gian cho việc kinh doanh, làm cây cảnh. “Thời điểm đó tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, có những gia đình còn chưa đủ ăn nói gì đến chơi cây. Nhưng tôi vẫn tin rằng, nghề cây cảnh, nhất định một ngày sẽ có “đất dụng võ” bởi giá trị thẩm mỹ, vẻ đẹp mà nghề mang lại cho cuộc sống”, ông Hoa tâm sự. Để biến “niềm tin” thành hiện thực, ông Hoa một mặt tích cực học nghề, nghiên cứu thêm quy trình trồng, chăm sóc, cắt, tỉa các loại cây, mặt khác đi khắp nơi sưu tầm, mua bán cây. Khác với một số người làm cây cảnh trong làng, ông Hoa không tập trung vào một loại cây nhất định mà trồng, kinh doanh nhiều giống cây. Nhà vườn của ông vì thế ngoài vài trăm cây sanh, si, tùng la hán còn có hàng nghìn cây bonsai, cây công trình, cây trang trí...

Đa dạng các loại cây trong vườn nhà ông Vũ Văn Hoa.
Đa dạng các loại cây trong vườn nhà ông Vũ Văn Hoa.

Tùy từng loại, ông chào bán với mức giá khác nhau, có cây khách trả cả tỷ đồng. Làm cây cảnh theo hướng “lấy ngắn nuôi dài”, đến nay ông Hoa đã mở rộng nhà vườn lên trên 3 mẫu. Hàng năm, trừ chi phí, ông thu về từ 300-500 triệu đồng trở lên. Nhà vườn của ông hiện cũng đang tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho gần 10 lao động với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. 3 năm trở lại đây, do tác động của dịch bệnh COVID-19, cũng như nhiều nhà vườn khác trong tỉnh, công việc kinh doanh, làm cây cảnh của ông Hoa bị ảnh hưởng ít nhiều. Để giải quyết khó khăn, ông tìm cách đẩy mạnh việc quảng bá, xuất bán các cây cảnh bonsai, cây công trình, mặt khác giữ lại những cây cảnh lâu năm chờ thời điểm thích hợp bán, hạn chế được những thiệt hại kinh tế, đưa nhà vườn phát triển. Hiện nhà vườn của nghệ nhân Vũ Văn Hoa được đánh giá là một trong những nhà vườn lớn, có nhiều cây cảnh giá trị, đẹp có tiếng ở Vị Khê. 

Ông Vũ Văn Hoa bên danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam do Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phong tặng.
Ông Vũ Văn Hoa bên danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam do Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phong tặng.

Tiếp nối nghề truyền thống của cha ông xưa, từ những đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân Phạm Minh Châu, Vũ Văn Hoa luôn giữ được “lửa nghề”, để rồi biến đất, biến cây thành “vàng”, xây dựng cuộc sống ấm no, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân, Văn Huỳnh

 

 



Xem thêm bình luận