Có dịp về thăm xã Hải Đường (Hải Hậu), nhiều du khách ấn tượng bởi phong cảnh làng quê thanh bình với những hàng cau chạy dài tít tắp, vun vút, xanh tươi dọc các đường dong, ngõ xóm. Nơi đây cũng được nhiều người biết đến bởi nghề ươm trồng, thu gom và sấy cau khô. Chỉ là nghề phụ, song nghề này đã giúp cho người dân nơi đây có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng nâng cao.
Ông Đỗ Thanh Minh là một trong những người tiên phong ươm cau giống trên địa bàn xã Hải Đường. |
Nghề sấy cau khô phát triển ở xã Hải Đường cách đây khoảng hai mươi năm và ngày càng mở rộng do điều kiện thuận lợi vì có nguồn nguyên liệu sẵn có, thị trường tiêu thụ rộng, giá bán ổn định. Ban đầu tất cả các khâu chế biến cau khô mới chỉ là hình thức thủ công, các hộ làm nhỏ lẻ... đến nay xã Hải Đường đang có 200ha trồng cau và 22 lò sấy cau khô. Các cơ sở sấy cau hoạt động nhộn nhịp nhất từ tháng 9 đến tháng 12 là mùa thu hoạch cau chính trong năm. Từ mùa cau năm 2015, tất cả các cơ sở đã chuyển sang sản xuất cau sấy theo công nghệ mới được thương lái đặt hàng và đầu tư một phần vốn cho mua sắm thiết bị, cải tạo lò sấy.
Những quả cau ở xã Hải Đường (Hải Hậu) có chất lượng, được nhiều thương lái lựa chọn để làm cau khô xuất khẩu. |
Theo các chủ cơ sở, nếu chế biến theo phương pháp thủ công, sấy bằng than củi, than tổ ong bình thường phải mất 5 ngày mới cho ra lò khoảng 10 tấn cau khô; nhưng nếu sấy theo công nghệ mới bằng lò hơi thì chỉ mất 3 ngày với sản lượng 20 tấn cau khô. Cau sấy bằng nhiệt theo công nghệ mới có chất lượng cao hơn so với sấy thủ công và đảm bảo an toàn, sạch, mẫu mã đẹp. Cơ sở của anh Vũ Văn Tập ở xóm 21 hoạt động từ năm 2005. Từ một xưởng sản xuất nhỏ lẻ chuyên thu mua cau tươi ở các nhà vườn trong xã, đến nay anh đã đầu tư xây dựng được nhà xưởng chế biến tại xã Hải Đường, Hải Minh, Hải Cường và một số tỉnh như Tây Ninh, Buôn Ma Thuột. Mỗi tháng các cơ sở của anh sấy được trên 30 tấn cau khô, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương và các tỉnh với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người. Anh Tập cho biết: Từ 5,5kg cau tươi sấy được 1kg cau khô thành phẩm. Hiện tại, với giá cau tươi 25 nghìn đồng/kg thì cau khô có giá 150 nghìn đồng/kg. Cau tươi được cơ sở anh thu mua phải là cau bánh tẻ, không non không già, trái cau có hình quả trứng. Trước khi sấy, cau phải được luộc trong thời gian 2 giờ 30 phút để giữ nguyên dưỡng chất và loại bỏ ký sinh trùng rồi mới sấy khô bằng lò hơi với công suất 20 tấn/mẻ. Cau sấy khô của cơ sở sản xuất được xuất bán sang Trung Quốc để bào chế thành thuốc dùng trong y học cổ truyền hoặc bào chế thành sản phẩm kẹo cau dùng cho những nơi có khí hậu lạnh.
Trước khi sấy, cau phải được luộc trong khoảng thời gian 2 giờ 30 phút để giữ nguyên dưỡng chất và loại bỏ ký sinh trùng. |
Ngoài trồng cau tươi bán cho các cơ sở sản xuất cau thương phẩm, nhiều hộ dân ở xã Hải Đường còn có kinh nghiệm ươm cau giống phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. Xã có hàng chục hộ trồng cau giống mang lại hiệu quả kinh tế cao như hộ gia đình ông Đỗ Thanh Minh, ông Phạm Ngọc Thạch… ở xóm 6 có khả năng cung ứng hàng chục vạn cây giống/năm. Ông Đỗ Thanh Minh là hộ đi đầu trong xã với 37 năm làm cau giống áp dụng thâm canh quanh năm. Ông Minh cho biết, trước đây cau ra quả theo mùa vụ, thường từ tháng 3 đến tháng 5 ra hoa kết quả, đến tháng 6 cho thu hoạch nên vào dịp cuối năm và đầu năm mới, cau dùng phục vụ cho các lễ cưới hỏi, lễ hội lại không có. Từng làm nghề sấy cau xuất khẩu, ông thường phải đi thu mua khắp các địa phương, trong đó vào tận tỉnh Bến Tre. Ông đã học được cách hãm cau để cau có thể ra trái quanh năm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là những tháng cuối năm phục vụ nhu cầu trong dân và cho chế biến cau khô xuất khẩu. Sau khi đã thuần hóa được giống cau, trên diện tích 1,2 mẫu đất vườn, hàng năm gia đình ông đã ươm được hàng chục vạn cây giống đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Giống cau của gia đình ông đến tuổi trưởng thành trung bình thường đậu 3- 4 buồng cau/cây và sai trĩu quả, được khách hàng ưa chuộng. Hiện tại ở Hải Đường mùa cau đang đến kỳ thu hoạch đại trà nên không khí mua bán nhộn nhịp ở hầu hết các ngả đường. Trong các thôn xóm, bà con nông dân phấn khởi với một vụ cau được mùa, giá cao đang thu hái về nhập cho các chủ lò để sấy khô xuất đi các nước Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và một số nước Châu Âu.
Từ nghề phụ, ươm trồng, thu gom và sấy cau khô đã giúp nhiều người dân nâng cao đời sống. |
Với thổ nhưỡng trù phú, độ mặn phù hợp với cây cau sinh trưởng, cau Hải Đường có giá trị thương phẩm cao, ăn giòn, thơm bùi nên từ lâu địa phương đã trở thành “cái nôi” của nghề cau trong cả nước. Từ ươm giống, trồng cau thương phẩm đến nghề sấy cau khô đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã nông thôn mới nâng cao Hải Đường./.
Thực hiện: Hồng Minh -Thanh Hoa
Xuất bản ngày 4-12-2023