Lưu giữ nét đẹp truyền thống
.

Lưu giữ nét đẹp truyền thống

00:26, 11/08/2023

Làng Dịch Diệp, xã Trực Chính (Trực Ninh) là ngôi làng cổ lâu đời còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bước qua cổng làng, khách phương xa chợt “chững” lại trước những mái đình, chùa rêu phủ, những ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm hay cây “đại lão bồ đề” có “tuổi” trên 900 năm. Sự cổ kính nhưng không kém phần thơ mộng khiến Dịch Diệp trở thành một trong những ngôi làng có vẻ đẹp “độc nhất vô nhị” trên địa bàn tỉnh.

Những mái ngói nam là đặc trưng của những ngôi nhà ở Dịch Diệp.

Làng được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XI dưới thời Vua Lý Thái Tổ với tên gọi Dịch Diệp Trang. Đây là vùng đất hạ lưu sông Hồng thuộc huyện Tây Chân của Trấn Sơn Nam, sau là Phủ Thiên Trường. Trải qua thời gian, qua bao biến thiên, mảnh đất này vẫn giữ nguyên được tên và ngày nay trở thành một làng của xã Trực Chính. Dịch Diệp có hình dáng như một con tàu mà mũi tàu chính là cổng nam, còn đuôi tàu là cổng tây. Xưa kia, từ đầu đến cuối làng đều có các cổng làng. Hiện nay, làng chỉ còn cổng phía nam nằm ở đầu Cầu Cuốn, được xây dựng từ năm 1864. Mặc dù một số cổng làng đã bị dỡ bỏ nhưng Dịch Diệp vẫn còn giữ được một số ngôi nhà và cổng cổ từ xa xưa. Cổng cổ trong làng thường được xây theo kiểu cuốn mái vòm parapol sâu từ 1-2m, có cổng sâu đến vài ba mét, mái cổng mềm mại, uốn lượn. Tùy theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi nhà mà vòm cổng có quy mô, bề thế khác nhau, nhưng đều hài hòa, đảm bảo đi lại thuận tiện. 

Cổng phía Nam làng cổ Dịch Diệp Trang.

Có một đặc điểm chung cho các cổng cổ ở Dịch Diệp là mái cổng lợp ngói, liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ rất công phu. Trên trụ thường đắp nổi đôi câu đối viết theo lối chữ Khải. Mặt cổng cũng được trang trí cầu kỳ, đắp nổi đại tự thể hiện phương châm xử thế hay cốt cách của chủ nhà. 

Ngôi nhà cổ của ông Phạm Phúc Biền là một trong những ngôi nhà có tuổi đời lâu nhất trong làng.
Ngôi nhà cổ của ông Phạm Phúc Biền là một trong những ngôi nhà có tuổi đời lâu nhất trong làng.

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Phạm Phúc Biền lâu đời nhất ở Dịch Diệp với trên 100 năm. Dưới sự chăm chút, gìn giữ của gia chủ, ngôi nhà cổ này hầu như còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc sơ khai ban đầu. Ông Biền cho biết: “Nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim chia làm 3 gian. Các họa tiết trang trí ở các kèo, cột của căn nhà cho đến nay gần như còn nguyên vẹn”. Làng Dịch Diệp không những chỉ lưu giữ được những nét đẹp cổ kính qua kiến trúc nhà ở, cổng làng, cổng nhà mà “dấu vết” xưa còn hiện rõ qua các công trình tâm linh như đền, chùa, miếu.

Nghề dệt truyền thống được người dân trong làng truyền từ đời này sang đời khác và vẫn đang tiếp tục phát triển.
Nghề dệt truyền thống được người dân trong làng truyền từ đời này sang đời khác và vẫn đang tiếp tục phát triển.

Trước cổng làng phía nam là đình làng Dịch Diệp. Năm 1857, giặc Pháp đốt đình. Năm 1957, đình làng Dịch Diệp được khôi phục lại (hiện nay là nhà văn hóa thôn Dịch Diệp). Trước đình có một sân rộng 800m2, xưa làng dùng để hội họp, bàn công việc lớn. Sân đình còn là nơi tập kết quân, là nơi để ngày mười rằm tháng giêng, làng xã tổ chức hội yến lão cho các bậc cao niên. Trong đình hiện còn giữ được 1 bức hoành phi do Vua Tự Đức ban tặng có đề 4 chữ “Thiện, Tục, Khả, Phong”. Cách ngôi đình cổ không xa là chùa làng Dịch Diệp có tên là “Cổ Liêu Linh Tự”, không rõ niên hiệu xây dựng, chỉ biết chuông chùa được đúc vào năm Gia Long thứ 6 (tức năm 1818). Chùa đã được người dân liên tục trùng tu trong nhiều năm qua.

Chùa cổ làng Dịch Diệp.
Chùa cổ làng Dịch Diệp.

Ngoài hệ thống kiến trúc vật thể như bến nước, sân đình, làng Dịch Diệp may mắn còn giữ được cây bồ đề cổ thụ khoảng trên 900 năm tuổi, người làng gọi đó là “Bồ Đề đại lão” để phân biệt với “Đại lão mộc tinh” ở làng bên cạnh. Theo các bậc cao niên trong làng, cây bồ đề cổ thụ không những chỉ là biểu tượng của sự trường thọ, khỏe mạnh mà còn “đại diện” cho tính cách kiên định, nhẫn nại của người Dịch Diệp. Bởi vậy, với người dân nơi đây, cây bồ đề này giống như một vị “đại lão tiên nhân”, người dân chỉ có thể kính chứ không thể phụ. Theo ước lượng, cây có đường kính khoảng 5 người ôm. Thời kỳ chiến tranh, giặc giã, cây bồ đề này còn là nơi trú ẩn, che chở cho dân làng. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cây nhiều lần bị bom đánh trúng. “Tuy vậy, không hiểu có “nguồn sức mạnh” nào trợ giúp, “Bồ Đề đại lão” vẫn sống, phát triển xanh tốt cho đến ngày nay”, một vị cao niên trong làng tự hào cho biết. Năm 2021, “Bồ Đề đại lão” vinh dự được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Cây bồ đề hơn 900 tuổi được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Cây bồ đề hơn 900 tuổi được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Những bức tường rêu phong in hằn thời gian.
Những bức tường rêu phong in hằn thời gian.

Dịch Diệp Trang hôm nay đang dần đổi thay, phát triển không ngừng, tuy nhiên làng vẫn không mất đi vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng. Vẻ đẹp ấy không chỉ hiện hữu sau những cánh cổng, cây cầu, con đường, cây cối… mà còn đến từ nếp sinh hoạt, ý thức gìn giữ các giá trị vật thể, phi vật thể của người dân nơi đây. Dịch Diệp Trang, chắc hẳn vì thế sẽ luôn là một trong những làng quê thuần Việt, “độc nhất vô nhị” trên địa bàn tỉnh./.

Những dấu tích xưa vẫn còn hiện hữu nơi đây.
Những dấu tích xưa vẫn còn hiện hữu nơi đây.

 

Bài và ảnh: Hoa Xuân - Văn Huỳnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 



Xem thêm bình luận