Nghề trồng cây cảnh mini ở Nam Toàn
.

Nghề trồng cây cảnh mini ở Nam Toàn

23:44, 25/05/2023

 

Đến thăm vườn cây cảnh mini của anh Nguyễn Văn Minh, thôn Thượng 1 có quy mô rộng khoảng 1ha với hàng trăm gốc với đủ loại sanh, si, đa, lộc vừng. Anh Minh cho biết: So với nghề trồng lúa, nghề làm cây cảnh mini có giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Vườn cây cảnh mini của anh Minh cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 cây, ngoài phục vụ khách hàng trong tỉnh còn phục vụ khách hàng các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và một số tỉnh miền Trung, miền Nam... Mỗi năm, vườn cây cảnh mini của anh Minh thu hàng tỷ đồng. Không chỉ phát triển nghề trồng cây cảnh mini, gia đình anh Minh còn phát triển nghề làm chậu cảnh, tiểu cảnh từ các nguyên liệu xi măng và xỉ than như chùa, núi, bình, chum, vại, đá… để ký cùng cây bonsai, nâng cao hơn nữa giá trị của cây, đồng thời cung cấp cho các nhà vườn trong và ngoài xã. Mỗi năm, gia đình anh Minh xuất bán hàng trăm chậu và tiểu cảnh.

Sản phẩm chậu và tiểu cảnh do gia đình anh Nguyễn Văn Minh, thôn Thượng 1, xã Nam Toàn (Nam Trực) sản xuất.

Để tạo được những cây cảnh mini đẹp, độc đáo, khỏe khoắn, đáp ứng nhu cầu đa dạng khách hàng, anh Minh phải dành rất nhiều công sức chăm bón, tìm hiểu, học hỏi cách uốn tỉa, tạo dáng, thế. Theo anh Minh, ngoài việc lựa chọn những cây có sức sống dẻo dai, thì việc ủ phân và làm đất cũng rất quan trọng. Phần lớn cây cảnh mini hiện nay ở vườn của anh được ươm từ hạt hoặc chiết cành từ các cây to, cây lâu năm. Sau khi được ươm ở vườn, cây ra rễ cây mới được tách nuôi trong chậu nhựa, khi cây đủ lớn, khỏe mạnh mới đưa lên chậu cảnh và ghép vào các mô hình tiểu cảnh như chùa, núi, chum, vại, đá… với rất nhiều dáng, thế khác nhau.

Bác Nguyễn Xuân Biểu ở xóm Đoài Đông, xã Nam Toàn (Nam Trực) kiểm tra cây phôi.

Do cây cảnh mini được uốn tỉa đa phần là cây non rất dễ bị gãy, vì thế khi làm thường tốn nhiều công sức, đòi hỏi độ khéo léo và kinh nghiệm nhiều hơn. Tùy vào loại cây, dáng cây và thế cây mà tạo hình, nhưng chủ yếu là các thế trực, huyền, hoành, long… Khi cây mini đạt mức chiều cao từ 20-50cm, chiều rộng tán 30cm-70cm và được khoảng 2 năm tuổi thì xuất bán. Trước khi xuất bán, anh Minh tiếp tục chăm sóc, cắt tỉa cây thêm một lần nữa nhằm đảm bảo vẻ ngoài “bắt mắt” nhất. Chăm sóc cây cảnh mini, không khó, bởi cây cũng được yêu cầu phải tưới nước, bón phân và phun thuốc thường xuyên. Theo đó, khoảng 2 tháng/lần, phải tiến hành bón phân, phun thuốc trừ sâu.

Đôi bàn tay khéo léo của người thợ.

Tùy tính chất từng cây mà anh Minh tính toán lượng phân bón, tưới nước sao cho phù hợp, đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Để có được tác phẩm mang tính hiện đại, phục vụ cho các đối tượng cụ thể, anh Minh còn tham khảo thêm từ sách, báo và những người trồng cây lâu năm trong huyện và cả các tỉnh khác. Dưới bàn tay khéo léo của anh, những cây xanh tưởng như đơn giản, vô tri, vô giác đã biến thành tác phẩm nghệ thuật giàu sức sống, được nhiều khách hàng ưa thích.

Anh Nguyễn Văn Minh, thôn Thượng 1, xã Nam Toàn (Nam Trực) tạo thế ây cảnh mini ký tiểu cảnh.

Bác Nguyễn Xuân Biểu ở xóm Đoài Đông, vốn sinh ra ở làng nghề trồng cây cảnh, được thừa hưởng kinh nghiệm của cha cộng với đôi bàn tay tài hoa nên sớm am hiểu và ươm trồng rất nhiều loại cây cảnh mini, với nhiều dáng, thế cũng như cách chăm sóc, uốn tỉa cây độc đáo. Khu vườn cây cảnh mini của bác rộng hơn 3 sào chủ yếu trồng các loại cây cảnh mini như: sanh, si, lộc vừng, bồ đề, tùng, linh sam, la hán... ; ngoài ra, bác còn thuê 3 mẫu trồng và ươm các loại cây làm giống. Đối với những cây như sanh, si, lộc vừng, sung, bác sử dụng phương pháp chiết cành để ươm cây mới. Các loại cây khác đều được ươm từ hạt, quy trình từ khi chiết, gieo hạt rồi thành cây hoàn thiện tốn khá nhiều thời gian và công chăm sóc.

Thường thì bác Biểu chọn hạt giống thuần Việt do khả năng thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, ít bị sâu bệnh và dễ uốn thế. Khi cây đã đủ “tuổi”, bác đưa lên chậu và chọn tiểu cảnh phù hợp như chùa, núi, bình, vòm, cổng làng để ký ghép dần vào cây. Theo bác Biểu, công đoạn chỉnh sửa, uốn thế cây là khó nhất, tùy thuộc hàng “kỹ” hay hàng mà thường đòi hỏi tay nghề của người thợ. Nhiều cây sanh, cây bồ đề, linh sam… trong vườn có giá trị cao. Ngoài ra, bác Biểu còn nhiều loại cây mini có giá dao động từ 10-20 triệu đồng/cây. Bác Biểu cho biết, những loại cây bonsai đang được bày bán phần lớn là cây theo thời vụ, với quá trình tạo hình tương đối ngắn, dao động trong khoảng 1-2 năm, được bán với giá khoảng 300-700 nghìn đồng tùy bộ rễ và độ chi tiết của cây. Những cây bonsai ký đá dáng chuẩn, nghệ nhân phải tốn công sức và thời gian chăm sóc giá cao hơn rất nhiều, từ 10-15 triệu đồng, có cây 50-70 triệu đồng và trên 100 triệu đồng.

Các tiểu thương ở thành phố Nam Định, chuyên nhập cây bonsai từ xã Nam Toàn (Nam Trực) bán cho người dân trên địa bàn.

Ở xã Nam Toàn, nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất ven sông, ven đê, đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây cảnh, cây mini có giá trị kinh tế cao. Nhiều vườn cây mini sanh, si, bồ đề… cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiều hộ gia đình ở Nam Toàn đã thành công với mô hình phát triển kinh tế từ nghề trồng cây cảnh mini, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

<span style="color:#27ae60;"><em><strong>Cây bonsai được trưng bày tổ điểm cho không gian trong quán cafe trên địa bàn thành phố Nam Định.</strong></em></span>
Cây bonsai được trưng bày tổ điểm cho không gian trong quán cafe trên địa bàn thành phố Nam Định.

Bài và ảnh: Ngọc Linh

 

 

 

 

 



Xem thêm bình luận