Về Nam Định vào những dịp lễ, tết, khách phương xa “choáng ngợp” khi được xem những đội nhạc kèn lên tới vài trăm người biểu diễn một cách chuyên nghiệp. Khách thập phương càng thêm ngạc nhiên khi biết, hầu hết các loại kèn đồng nhạc công dùng để biểu diễn đều được sản xuất bởi chính những thợ làm kèn trong tỉnh. Và một trong những “công xưởng” làm kèn tây uy tín lâu đời trong tỉnh là ở xã Xuân Tiến (Xuân Trường).
|
Xuân Tiến từ lâu đã “nổi tiếng” khắp cả nước bởi nghề cơ khí. Từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những thợ nghề “nông dân” nơi đây đã cho xuất xưởng những mặt hàng cơ khí chất lượng cao như phụ tùng xe đạp, đèn măng-xông, các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, động cơ điện và cả kèn đồng. Ở Xuân Tiến hiện có 2 nghệ nhân làm kèn nức tiếng là ông Đinh Văn Mạnh, xóm 11 và anh Ngô Thanh Hoà, xóm 4. Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, do điều kiện sức khoẻ, ông Mạnh đã thôi làm kèn. Tuy nhiên, những lúc “nhớ nghề” ông vẫn lôi các cây kèn cũ còn lại trong nhà ra sửa chữa hoặc nhận hỗ trợ anh Hoà ở một vài công đoạn… nhẹ nhàng. Anh Hoà vốn là con rể của ông Mạnh, theo học nghề đã lâu và được ông Mạnh truyền nghề. Ông Mạnh cho biết: “Phần lớn những người thợ làm kèn đều xuất phát từ tình yêu với tiếng kèn đồng, biết thổi kèn. Bản thân tôi từ khi 15 tuổi đã có thể sử dụng thông thạo được hầu hết các loại kèn đồng gồm: Trumpet, Trombone, Baritone, Bas, Saxophone”…
|
|
Chia sẻ về các công đoạn làm kèn đồng, cũng theo ông Mạnh, phần làm bộ hơi (hay còn gọi là bộ phiếm) của kèn là khó nhất, mất thời gian hơn cả. Bởi đây là bộ phận quyết định âm thanh của kèn, chỉ cần bất cẩn, lơ là một chút là có thể bị hỏng, phải làm lại từ đầu. Vì vậy, người chế tạo bộ hơi ngoài đôi tay tài hoa còn phải có kiến thức về âm nhạc và quan trọng nhất là phải có đôi tai “đọc” được nhạc, nắm bắt được các biến tấu của thanh âm. Thông thường mỗi chiếc kèn Tây có từ 180 đến 250 chi tiết, trong đó có bộ phím cần phải kín như chiếc xi lanh nhưng cũng phải nhẹ nhàng, trơn tru để dễ bấm. Các loại kèn đồng giống nhau ở điểm đều có bộ hơi gồm 3 quả pháo, mỗi quả có 6 lỗ tạo ra các nốt nhạc.
|
Theo nghề làm kèn Tây đến nay cũng đã khoảng vài chục năm, anh Ngô Thanh Hoà cho biết thêm: “Hầu hết các công đoạn làm kèn đồng hiện nay ở Xuân Tiến nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung đều được những người thợ thực hiện thủ công mà không cần đến các thiết bị máy móc hiện đại. Trong hầu hết loại kèn, thợ làm kèn chúng tôi chỉ cần đến chiếc máy cán đồng và máy hàn là có thể làm được những loại kèn một thời vốn phải du nhập từ phương Tây”.
|
Đến nay, những người thợ làm kèn ở Xuân Tiến có thể làm ra hàng chục loại kèn như Clarinet, Saxophones, Trumpet, Alto Saxophones, Trombone, Baritone, Bass, Tubas… Đặc biệt, vào năm 2005, bố con ông Mạnh nhận được đơn đặt hàng của người đứng đầu Giáo phận Bùi Chu, Giám mục Hoàng Văn Tiệm làm cây kèn Trumpet lớn gấp khoảng hơn 1.000 lần so với cây kèn bình thường. Sau khi bàn thảo với anh Hòa, ông Mạnh đã quyết định nhận đơn đặt hàng. Để làm cây kèn này, ông Mạnh đã mất nhiều đêm thức trắng tính toán, vẽ phác thảo hình dáng, đặt số đo, kích thước của chiếc kèn. Sau đó, ông tự mình cất công đi đặt mua đồng về để tiến hành công việc chế tác.
|
Chuẩn bị chế tác, ông Mạnh chọn ra những thợ kèn giỏi nhất trong vùng, phân công mỗi người phụ trách một mảng, một bộ phận của kèn. Đầu tiên là khâu tạo khuôn, ông phải dùng đến bê tông tạo thành hình một cái kèn, sau đó đẽo gọt rất tỉ mỉ nhưng vẫn không thành. Không dùng được khuôn bê tông, ông Mạnh chuyển sang đúc khuôn bằng thạch cao. Khuôn đổ xong nhưng tính đi tính lại, thạch cao không đủ độ vững chắc để đỡ 300kg đồng. Sau nhiều ngày vắt óc suy nghĩ, ông Mạnh lại quay về dùng bê tông và tạo khuôn theo từng công đoạn và bộ phận riêng biệt. Sau 4 tháng chiếc kèn đồng với kích thước dài 5,5m, đường kính loa kèn 1,25m, nặng hơn ba tạ mới hoàn thành. Để thổi được chiếc kèn này, ông Mạnh chế tạo thêm một đầu nối với ống thổi có đường kính gần 40cm. Mặc dù lớn hơn khoảng 1.000 lần những chiếc kèn cùng loại bình thường khác nhưng chiếc kèn mà ông Mạnh và anh Hoà chế tác vẫn đạt độ chính xác gần như tuyệt đối. Chiếc kèn khổng lồ này sau đó cũng đã được ghi tên vào kỷ lục Guinness Việt Nam bởi kích cỡ “siêu to”. Trong đó, các công đoạn như tán đồng, cuộn, hàn liền mối, lắp, tiện, đánh bóng… ông Mạnh và anh Hoà chủ yếu làm bằng tay, thể hiện sự tài hoa, khéo léo tuyệt đối của những người thợ. Không chỉ chế tác thành công chiếc kèn đồng lớn nhất, đến nay, bố con ông Mạnh đã sản xuất hàng nghìn chiếc kèn đồng bán cho các đội nhạc kèn trong nước, mang đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
|
|
Từ yêu thích tiếng kèn rồi trở thành những người thợ sửa, chế tác kèn, những thợ kèn “nông dân” ở Xuân Tiến đã thể hiện tài hoa cũng như óc sáng tạo của mình. Để rồi cũng từ những cây kèn kia lại vút bay những âm thanh trầm bổng, làm đẹp cho đời./.
Văn Huỳnh, Hoa Xuân