Năm 2021, ông Nguyễn Văn Thục ở xã Trực Thái (Trực Ninh) được Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Đó là sự ghi nhận cho những nỗ lực xây dựng trang trại chăn nuôi lợn theo hướng chăn nuôi hữu cơ mang lại hiệu quả cao. Ông Thục kể: Năm 1996, ông “khởi nghiệp” từ nuôi 30 con lợn bằng cám gạo, bột ngô, cá khô và các loại rau. Ông vừa nuôi, vừa tích lũy kinh nghiệm và từng bước tăng số lượng đàn lợn lên tới 500 con. Dành thời gian tham quan, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi từ nhiều trang trại trong và ngoài tỉnh, năm 2015 ông quyết định phối trộn một số loại thảo dược dân tộc như thảo quả, quế chi, tía tô xay nhuyễn với cám gạo, bột ngô, cá khô và men vi sinh cho lợn ăn từ lúc còn nhỏ tới khi xuất chuồng. Quan sát thấy với thức ăn này lợn ăn tốt hơn, sức đề kháng được nâng lên. Đàn lợn khỏe, ít bị bệnh nên không phải sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào trong suốt quá trình nuôi. Thịt lợn có màu đỏ tươi, lượng thịt nạc và mỡ cân đối, thịt thơm ngon. Tuy nhiên, để chất lượng thịt đảm bảo, thời gian nuôi mỗi lứa lợn dài 7-8 tháng, gấp đôi thời gian nuôi lợn theo phương pháp thông thường; mỗi con phải đạt trọng lượng từ 130-140kg mới xuất chuồng. Ngoài việc sử dụng thảo dược trộn vào thức ăn, ông còn áp dụng xây chuồng trại theo công nghệ chuồng kín; giải pháp xử lý nước thải phân tán và sử dụng đệm lót sinh học trong chuồng nuôi. Đây là những phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả, tiết kiệm, thân thiện với môi trường, giúp trang trại không gây mùi hôi thối. Nhờ đó, trang trại của gia đình ông Thục được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh động vật.
Chủ động tìm hiểu nhu cầu của thị trường, gia đình ông Thục đã đầu tư hơn 200 triệu đồng mua máy nghiền cám và xây dựng lò mổ công suất 80 con/tháng, hình thành dây chuyền khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm “Thịt lợn thảo dược Hiền Thục” đã trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; được nhiều tổ chức, đơn vị đặt hàng. Hiện cơ sở đang cung ứng sản phẩm thịt lợn cho 13 trường học, 10 cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Ngoài thịt lợn tươi, trang trại còn chế biến các sản phẩm ăn liền như xúc xích, ruốc phục vụ nhu cầu của khách hàng; đã có 3 mặt hàng được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh, đó là: thịt lợn tươi, ruốc thịt và xúc xích.
Nắm bắt được nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông sản sạch, an toàn ngày càng tăng, Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) đã áp dụng tiêu chuẩn sản xuất rau màu theo hướng nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng rộng hơn 2ha trồng su hào, bắp cải, cà chua, khoai tây của Công ty được quy hoạch vuông vức, thuận lợi cho việc sản xuất, anh Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty cho biết: Để gieo trồng các loại rau màu theo hướng hữu cơ, gần như phải thay đổi toàn bộ quy trình, cách thức sản xuất. Thời gian đầu phải tiến hành cải tạo đất nhằm loại bỏ chất hóa học và thuốc bảo vệ thực vật từ quá trình bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ còn tồn dư trong đất. Sau mỗi vụ thu hoạch đều phải cày lật đất lên phơi ải thật kỹ để diệt mầm bệnh, giúp đất tơi xốp, cây trồng dễ hấp thu chất dinh dưỡng trong môi trường tự nhiên; tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ cỏ, trừ sâu. Công ty đã tận dụng mày trấu, mày gạo kết hợp men vi sinh ủ lên men thành loại phân hữu cơ để bón cho rau màu nên cho chất lượng khác biệt. Các loại rau, củ, quả có vị đậm, ngọt, thơm và sạch; đồng thời tăng khả năng kháng sâu bệnh do quá trình sinh trưởng của cây trồng thuận theo quy trình phát triển tự nhiên, làm giàu chất hữu cơ cho đất và hạn chế can thiệp bằng thuốc hóa học. Cũng nhờ tận dụng phụ phẩm từ quá trình chế biến gạo mà chi phí đầu vào trồng rau thấp nên rau sạch nhưng giá bán vẫn hợp lý và được thị trường chấp nhận. Hiện mỗi tháng Công ty cung ứng cho các cửa hàng, siêu thị hàng chục tấn rau sạch, an toàn các loại, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 10 lao động với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Nhằm phát triển nền tảng NNHC bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về phát triển NNHC giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 các ngành chức năng xác định vùng sản xuất NNHC trên các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của tỉnh gồm: Lúa chất lượng cao, rau các loại, khoai tây, ngô, lạc, cây ăn quả các loại, cây dược liệu, nuôi dưỡng, trồng trọt trong sân và sản xuất muối. Lựa chọn xây dựng từ 15-20 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ làm cơ sở xây dựng quy trình sản xuất NNHC có giá trị sản phẩm trên 1ha canh tác tăng 1,3-1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Định hướng đến năm 2030, duy trì, phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất NNHC đã xây dựng trong giai đoạn 2021-2025. Tổ chức được vùng sản xuất NNHC và có 30-40 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận. Bố trí diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt của các loại cây trồng chủ lực; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt 2-3% trên tổng sản phẩm chăn nuôi; diện tích nuôi thủy sản hữu cơ đạt 3-5% tổng diện tích nuôi thủy sản; diện tích sản xuất muối hữu cơ đạt trên 50% tổng diện tích muối hiện có. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất và nuôi trồng, sản xuất hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã vận dụng linh hoạt nguồn kinh phí hợp pháp hỗ trợ các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các quy phạm thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp nói chung, NNHC nói riêng và huy động nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Ngành Nông nghiệp, các địa phương thường xuyên phối hợp đào tạo, tập huấn kỹ thuật, phương thức tổ chức sản xuất cho cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp; tổ chức cho hộ dân tham quan học tập kinh nghiệm từ mô hình sản xuất NNHC đạt hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh. Cùng với sản xuất NNHC, cơ quan chuyên môn, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm NNHC; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Từ chủ trương, chính sách của tỉnh đã xuất hiện những mô hình mới phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ mang lại giá trị cao, bền vững. Đó là cơ sở, hướng đi mới mà ngành Nông nghiệp đang hướng tới./.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên