Khát khao ghi danh trên “bản đồ” công nghệ cao thế giới
.

Khát khao ghi danh trên “bản đồ” công nghệ cao thế giới

08:56, 23/01/2023

 

Chúng tôi gặp anh Trần Việt Hải, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav, top 10 lãnh đạo công nghệ trẻ 2021 do Báo VnExpress bình chọn vào một buổi sáng mùa xuân ấm áp. Trải lòng về quãng thời gian tham gia các dự án lớn của tập đoàn, anh Hải cho biết: “Ước mơ lớn nhất của tôi chính là ghi dấu ấn “bản đồ” công nghệ cao Việt Nam với thế giới”. Và để hiện thực hóa ước mơ, anh cùng với đội ngũ kỹ sư Bkav ngày đêm miệt mài làm việc, chinh phục những thử thách, giới hạn tưởng như… không tưởng.

 

 

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Nam Định, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hải cho biết, mình khá hiếu động. Dù rất thông minh nhưng anh ham chơi, thích đàn hát hơn việc học. Có thời gian, với cây đàn cũ và những người bạn cùng đam mê, Hải liên tục tham gia các buổi biểu diễn văn hóa, văn nghệ của học sinh thành phố. Học hết THCS, mặc dù yêu thích môn Toán nhưng cậu học sinh nhỏ vẫn đăng ký thi vào lớp chuyên Tin của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, vì biết “mình cần gì, nên thử sức ở đâu”. Và trong kỳ thi đầu vào khối chuyên Tin của trường năm ấy, Hải xuất sắc lọt top 5 học sinh đạt điểm cao nhất. Cũng chính từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường còn giúp chàng thanh niên trẻ tiếp cận, nuôi dưỡng ước mơ làm công nghệ sau này. Quan trọng hơn, Hải biết rằng mình đã chọn đúng hướng, đúng ngành học cho tương lai.

 

 

Được đam mê dẫn lối, Hải nhanh chóng ghi những gạch đầu dòng vào bảng thành tích cá nhân dày đặc sau này, giải Khuyến khích học sinh giỏi Tin học toàn quốc; thường xuyên có những bài giải tin học độc đáo đăng báo; đỗ Đại học Bách Khoa Hà Nội với số điểm “cao ngất”. “Con đường thi đại học của tôi cũng nhiều “ngoạn mục”. Mặc dù là dân chuyên Tin nhưng khi thi đại học tôi lại chọn chuyên ngành Tự động hóa. Bởi tôi thích những sản phẩm cụ thể mà mình có thể “mắt nhìn, tay chạm” hơn là những phần mềm chỉ xem được trên máy tính. Hơn nữa, tôi muốn… thách thức bản thân trong những việc mới, việc khó, đòi hỏi sự tập trung, tính toán chính xác”, Trần Việt Hải kể. Năm thứ 2 đại học, trong một lần CEO Công ty Bkav, anh Nguyễn Tử Quảng cũng là một cựu sinh viên Bách Khoa đến trường nói chuyện và tuyển thực tập sinh mảng phần cứng, Hải mạnh dạn nộp hồ sơ đăng ký. Thời điểm này, vốn chỉ được tiếp xúc với những con chip 8051 đơn giản, bảng mạch được làm thủ công bằng cách in ra giấy, rồi dùng bàn là ủi lên tấm đồng, Hải “choáng ngợp” khi ngay ngày đầu tiên thực tập được cho xem bảng mạch điện tử hai lớp với những linh kiện tinh vi, hoàn thiện bằng mối hàn thiếc chỉn chu. Trong đầu anh thầm nghĩ, một sản phẩm như thế không thể được làm ra tại một công ty trong nước. Tuy nhiên, trước sự khẳng định của anh Quảng: “chúng ta làm hết đấy, các cậu cứ học rồi sẽ làm được”, Hải một lần nữa lại tự… thách thức chính mình để rồi lao vào học hỏi và sau đó lần lượt cho ra mắt các sản phẩm “Made in Việt Nam” khiến giới công nghệ trong nước “bàng hoàng”.

 

 

 

Dự án đầu tiên Hải tham gia ở Bkav là nghiên cứu giao thức không dây Zigbee dùng cho nhà thông minh. Thời điểm những năm 2000, nhà thông minh là khái niệm mới ngay cả ở nước ngoài. Thành tích đầu tiên nhóm của Hải đạt được là phát triển giao thức Zigbee Stack, có thể kết nối với số lượng thiết bị chạm ngưỡng 200 (trước đó chỉ kết nối được với khoảng 50 thiết bị). Đây cũng là cột mốc giúp định vị công nghệ Smart Home của Bkav khi cải tiến được giao thức mạng không dây. Năm 2009, công ty hoàn thiện hệ thống nhà thông minh, giúp căn nhà xây mới hay cải tạo đều có thể thành Smart Home. Chứng minh được năng lực của mình, cùng năm đó, Trần Việt Hải trở thành trưởng nhóm phát triển phần mềm nhúng ngay sau khi ra trường. Chàng trai trẻ ngày càng khẳng định được thực lực bản thân khi bắt đầu từ năm 2016, Bkav tập trung phát triển dòng điện thoại Bphone. Theo đó, Hải từ một kỹ sư phần mềm nhúng được giao trọng trách phát triển toàn bộ Bphone thế hệ tiếp theo để ra mắt đúng kế hoạch. Dẫn dắt nhóm, Hải đã có nhiều quyết định mang tính đột phá cho điện thoại Bphone như làm ăng-ten, dù biết đây là việc phải mất rất nhiều thời gian để tính toán và xử lý, đòi hỏi cân đối giữa hiệu năng thu phát sóng và kiểu dáng thiết bị. Các mẫu Bphone 2, 3, B86 những năm sau đó của Bkav đều dùng ăng-ten tự thiết kế, chứng tỏ những tính toán của Hải là hoàn toàn chính xác, hiệu quả.

 

 

 

 Ngoài điện thoại, Trần Việt Hải còn ghi dấu ấn trong những dự án khác của Tập đoàn như phát triển camera tích hợp giải pháp của Qualcomm ngay sau khi hãng chip Mỹ công bố vi xử lý dành cho camera. Đây là dòng sản phẩm camera trí tuệ nhân tạo xử lý tại biên thay thế cho con người trong các hoạt động giám sát như: giám sát biên giới, bảo vệ rừng, quản lý nhân sự, phân tích hành vi khách hàng… Qualcomm cũng là một trong những khách hàng đầu tiên đặt mua sản phẩm. Cuối năm 2020, các mẫu camera AI View “Made in Vietnam” được đưa sang Mỹ và lắp đặt tại trụ sở của hãng. Năm 2020, khi thế giới lần đầu tiên phải đối mặt với một trong những đại dịch tồi tệ nhất, dịch COVID-19, Việt Nam cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng nặng nề. Tham gia cùng cả nước chống dịch, Bkav nhanh chóng phát triển phần mềm Bluezone, ứng dụng hỗ trợ truy vết COVID-19. Một lần nữa, Hải nhận trọng trách trước Tập đoàn, dẫn dắt đội ngũ phát triển Bluezone. Để phát triển phần mềm, anh không chỉ cùng các kỹ sư miệt mài làm việc tại văn phòng mà còn tham gia Tổ công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông, trực tiếp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tâm dịch Đà Nẵng. Tại đây, anh tiếp xúc thường xuyên với lực lượng phòng, chống dịch, thu thập các ý kiến phản hồi nhằm cải tiến tốt hơn phần mềm. Bluezone sau đó thu hút tới hơn 40 triệu lượt tải, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước. Chia sẻ về khoảng thời gian phát triển Bluezone, Hải cho biết: “Đối với đội ngũ chúng tôi đây cũng chính là một “trận đánh lớn”. Một trận đánh mà bản thân những người làm công nghệ xác định phải lăn xả, phải trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch. Chúng tôi tự hào vì đã góp một phần công sức nhỏ bé cùng đất nước, toàn dân chiến thắng đại dịch”.

 

 

Luôn cháy bỏng khát khao ghi danh “bản đồ” công nghệ cao Việt Nam trên trường quốc tế, sau 15 năm miệt mài làm việc tại Bkav, Trần Việt Hải cùng các đồng nghiệp lần lượt cho ra mắt các sản phẩm công nghệ mà không nhiều quốc gia trên thế giới làm được. Từ đó tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống, “nâng tầm” đất nước, dần hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng một ngành công nghiệp điện tử do người Việt Nam tự chủ. Và Trần Việt Hải cũng làm rạng danh đất học Thành Nam với bảng vàng thành tích đáng ngưỡng mộ./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

 

 



Xem thêm bình luận