80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Nội lực phát triển đất nước: Bằng văn hóa, từ văn hóa
.

80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Nội lực phát triển đất nước: Bằng văn hóa, từ văn hóa

19:56, 26/02/2023
 

Tháng 2-1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội). Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương văn hóa vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Nam Định tự hào là quê hương nơi sinh ra và nuôi dưỡng đồng chí Trường Chinh - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam; nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Trên cương vị 3 lần là Tổng Bí thư, hơn 20 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, được phân công giữ nhiều trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước; dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân; vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Phẩm chất đạo đức cách mạng, trí tuệ và tài năng của đồng chí tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh; nhất là ở các bước ngoặt quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1941, cùng với BCH Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo trong các giai đoạn quan trọng của cách mạng. Đồng chí với vai trò nổi bật, là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

 

 

Là nhà báo cách mạng, là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam, những bài báo của đồng chí Trường Chinh luôn có tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Là nhà lãnh đạo của Đảng, đồng thời là một nhà văn hóa lớn, đồng chí Trường Chinh thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hoá, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5-1-1952) và "văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Ở mỗi chặng đường lịch sử, trước mỗi thử thách của cách mạng, đồng chí Trường Chinh đều đánh giá đúng tình hình, nêu lên trách nhiệm cụ thể của văn hoá trong sự nghiệp cách mạng. Hàng loạt tác phẩm cùng các bài viết của đồng chí về văn hóa đã góp phần tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh những quan điểm đặc sắc, đúng đắn của Đảng ta về lĩnh vực văn hóa. Nổi bật nhất là những đóng góp của đồng chí trong quá trình soạn thảo "Đề cương về văn hoá Việt Nam"; Báo cáo về Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam... Đây là cơ sở lý luận cho việc xây dựng và hình thành một nền văn hoá Việt Nam mới theo phương châm "dân tộc, khoa học, đại chúng". 

 

 

"Đề cương về văn hoá Việt Nam" được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội) không chỉ được xem là một văn kiện lịch sử quan trọng mà còn là một cương lĩnh hành động đầu tiên về văn hóa, thể hiện vai trò lãnh đạo, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về văn hóa và cách mạng văn hóa. Bản Đề cương cấu trúc gồm 5 phần: Phần I: Cách đặt vấn đề; Phần II: Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Phần III: Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Phần IV: Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; Phần V: Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác-xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mác-xít Việt Nam. Ngắn gọn, súc tích, bản Đề cương về văn hoá đã thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc mà nền văn hóa dân tộc cần hướng đến, đó là "dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa" với sự thống nhất biện chứng không thể tách rời, phản ánh đúng thực trạng và nhu cầu bức thiết của cuộc vận động văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức ngày 16-7-1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc báo cáo Chủ nghĩa Mác - Lênin và văn hóa Việt Nam. Đây chính là bản Cương lĩnh văn hóa được kế thừa và phát triển từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng. Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 có tác dụng định hướng cả về hướng đi, cách thức xây dựng và hoạt động nên có tác dụng lâu dài với cách mạng Việt Nam. Đề cương Văn hóa Việt Nam đã vạch ra đường lối đúng đắn khai mở nền văn hóa độc lập, tiến bộ; quy tụ và huy động được đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đi theo cách mạng; tạo nên sức mạnh đập tan đường lối văn hóa nô dịch, phản tiến bộ. GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: "thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không chỉ là thắng lợi của bạo lực cách mạng, thắng lợi của chính trị mà còn là thắng lợi của văn hóa mới, mà nguồn gốc, định hướng của nó là từ Đề cương về văn hóa Việt Nam. 

 

 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh năm 2011 (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục nêu rõ quan điểm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng luôn khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và đồng thời cũng là một nguồn lực nội sinh trọng yếu cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; phát triển văn hóa gắn bó mật thiết với phát triển con người Việt Nam; phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014) đã nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của chủ thể sáng tạo, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc là nhân tố con người với 6 nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới; Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và gần đây nhất là những phát biểu trọng tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nhấn mạnh “Tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển và soi đường cho quốc dân đi; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc” và "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn..."

 

 

Tự hào là quê hương của đồng chí Trường Chinh, trong các thời kỳ, trên cơ sở đường lối chung của Đảng; các cấp ủy đảng, chính quyền Nam Định từ tỉnh đến cơ sở luôn đặt nhiệm vụ phát triển văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế, coi trọng phát huy giá trị văn hóa, văn hiến truyền thống của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tỉnh đã luôn chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa là nền tảng quan trọng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước xây dựng văn hoá, con người Nam Định đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

 

 

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Tỉnh ủy về "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định " và Kết luận số 75-KL/TU ngày 14-12-2021 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm của tỉnh Nam Định trong việc phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với xây dựng con người, đưa văn hóa từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: "Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững. Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; Chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước."

 

 

Với mục tiêu "xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại", để hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương trong tỉnh xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhằm tiếp tục đẩy mạnh, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu. Từ đó thu hút được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tạo sự đồng thuận, đóng góp công sức, trí tuệ và huy động nguồn lực xã hội để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Tỉnh Nam Định luôn ưu tiên quỹ đất và đầu tư cơ sở vật chất xây dựng các thiết chế văn hóa cấp xã, cấp thôn và dành không gian vui chơi, giải trí phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 100% xã, phường, thị trấn, thôn làng, tổ dân phố đều có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần gắn kết dân cư, tăng tình đoàn kết xóm làng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Toàn tỉnh có gần 900 đội văn nghệ quần chúng, hơn 60 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ duy trì hoạt động thường xuyên, thu hút hơn 3.000 lượt hội viên tham gia với hơn 700 buổi hoạt động hàng năm; khoảng 1.720 câu lạc bộ thể thao cơ sở. Qua đó góp phần mạnh mẽ trong công cuộc “đưa văn hóa vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân”.

 

 

Nam Định là mảnh đất giàu trầm tích di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Dưới thời Trần, Nam Định được xây dựng và giữ vị thế như một kinh đô thứ hai sau kinh thành Thăng Long. Nền tảng văn hóa, văn hiến của trấn Sơn Nam Hạ đã hun đúc nên những tư tưởng trị quốc quan trọng của vua-quan Nhà Trần để 3 lần lãnh đạo quân và dân Đại Việt chiến thắng quân xâm lược Nguyên-Mông, xây dựng một triều đại văn võ hiển hách trong lịch sử dân tộc. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày nay được tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người tỉnh Nam Định nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Đồng thời với việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp các di tích…, nhiều chương trình hoạt động, xây dựng phim tài liệu giới thiệu về Nam Định đến với đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh Nam Định nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế đã được tỉnh quan tâm đầu tư.

 

 

 

Trước những xu thế phát triển mới của đất nước và trên toàn thế giới, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra kỷ nguyên số với tốc độ diễn biến hết sức mau lẹ; Trung ương Đảng tiếp tục ghi nhận vai trò quan trọng của văn hóa và nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa đất nước. Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XX xác định là: Phát triển sự nghiệp văn hoá, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững; các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy yếu tố văn hóa trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Nâng cao chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong giai đoạn mới; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với các quy định của pháp luật và thuần phong mỹ tục của địa phương. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhất là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh. Kiên quyết chống các biểu hiện tư nhân hóa, thương mại hóa, giữ gìn sự tôn nghiêm và nét đẹp văn hóa truyền thống của các lễ hội. Khuyến khích phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và phổ biến nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc./.

Việt Thắng

 

 

 

 



Xem thêm bình luận