Cách đây 50 năm, sự kiện ký kết Hiệp định Paris được xem là thắng lợi của khát vọng hòa bình, của ý chí, tinh thần Việt Nam cùng sự đồng hành của nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp năm châu. Nam Định tự hào về Hào khí Đông A, về truyền thống cách mạng, nơi sản sinh, nuôi dưỡng những nhà cách mạng tiêu biểu, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là Tổng Bí thư Trường Chinh, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam... Noi gương đồng chí Lê Đức Thọ - người con của quê hương Nam Vân, Đảng bộ và nhân dân thành phố Nam Định luôn phát huy truyền thống hào hùng, vẻ vang của quê hương, đoàn kết chung sức, chung lòng vượt qua nhiều khó khăn thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Cố vấn BCH Trung ương Đảng - một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Lê Đức Thọ (tên thật là Phan Đình Khải) sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ (huyện Mỹ Lộc cũ), nay là xã Nam Vân (thành phố Nam Định) trong một gia đình nho giáo, có truyền thống yêu nước, cách mạng và hiếu học.
Hơn 5 năm trên bàn đàm phán ở Paris, Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thuỷ đã ghi dấu hình ảnh về những nhà thương thuyết tài ba, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Với tư cách là đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cả 2 đoàn Bắc và Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Cố vấn Lê Đức Thọ và các nhà ngoại giao của ta đã kiên trì vững vàng nguyên tắc, sáng tạo biện pháp đấu tranh “bóc trần tim đen” của đối phương. Thực hiện phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong các cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt, Cố vấn Lê Đức Thọ luôn kiên định lập trường “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Chiến đấu và bảo vệ Việt Nam là quyền thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam từ Nam đến Bắc". Lẽ “bất biến” của Cố vấn Lê Đức Thọ ở đây là: “Quân Mỹ rút ra, quân ta ở lại”; yêu cầu Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam; công việc nội bộ của Việt Nam là do người Việt Nam tự giải quyết trên tinh thần hoà hợp dân tộc, hoà bình thống nhất Tổ quốc”. Khôn khéo trong chiến lược đàm phán của ta là kiên quyết vạch trần âm mưu của phía Mỹ đánh đồng sự có mặt của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam với bộ đội được chi viện từ miền Bắc vào để chiến đấu giải phóng miền Nam bằng sự khẳng định: Một bên là xâm lược, phi nghĩa; một bên là lực lượng của cả dân tộc bảo vệ Tổ quốc, là chính nghĩa.
Sau nhiều giai đoạn của cuộc đấu trí dằng dai, trong cuộc họp đầu tháng 10-1972, ta đưa ra dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”; Phía Mỹ đồng ý lấy bản dự thảo của ta làm cơ sở để thảo luận và thoả thuận. Từ đây, cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán diễn ra gay go, quyết liệt, không chỉ tranh luận từng chương, từng điều của Hiệp định mà trao đổi từng câu, từng từ liên quan đến những nguyên tắc cơ bản của Hiệp định. Trong cuộc đàm phán căng thẳng như vậy, Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thuỷ cùng hai phái đoàn của ta dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị đã đưa ra những lý lẽ thuyết phục, đanh thép, tố cáo, lên án tội ác của Mỹ, đồng thời “bẻ gãy” âm mưu “thương lượng trên thế mạnh” của chính quyền Ni-xon ngay trên bàn đàm phán. Cuộc đàm phán kéo dài đến ngày 20-10-1972 thì phía ta và Mỹ đã cơ bản đạt được thỏa thuận cuối cùng về những nội dung toàn bộ văn bản Hiệp định. Những tưởng "hòa bình trong tầm tay" như lời Cố vấn H.Kissinger tuyên bố. Nhưng không, phải sau Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy khiến Mỹ phải "tâm phục, khẩu phục" nối lại đàm phán và ký Hiệp định.
Ngày 13-01-1973, bản dự thảo Hiệp định về cơ bản được thoả thuận. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký tắt ngày 23-01-1973 và được ký chính thức ngày 27-01-1973 giữa 4 Bộ trưởng đại diện các Chính phủ tham dự Hội nghị tại Hội trường Kléber ở Paris. Hiệp định Paris được ký kết, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; là kết quả tổng hợp của cuộc đấu tranh trên cả 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, trong đó yếu tố chiến trường có ý nghĩa quyết định, đấu tranh ngoại giao đóng vai trò chủ động tích cực và sáng tạo, có tác dụng thúc đẩy, cổ vũ tinh thần chiến đấu ở chiến trường. Trong suốt quá trình thương lượng đến khi Hiệp định được ký kết, Cố vấn Lê Đức Thọ - người con của quê hương Nam Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bác Hồ và Bộ Chính trị tin cậy giao phó, góp phần quan trọng cùng quân, dân ta “Đánh cho Mỹ cút”, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, toàn vẹn dân tộc. Cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường, năng động với tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ là tấm gương sáng về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao cả, thiêng liêng của dân tộc.
Với những đóng góp to lớn, đồng chí Lê Đức Thọ đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng; Đảng và Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười; Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăng-co. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), đồng chí Lê Đức Thọ được Đại hội long trọng tuyên dương công trạng.
Học tập và noi gương đồng chí Lê Đức Thọ, Đảng bộ và nhân dân thành phố Nam Định luôn phát huy truyền thống hào hùng, vẻ vang của quê hương, đoàn kết chung sức, tạo bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Năm 2022, Đảng bộ thành phố Nam Định đã đoàn kết, quyết tâm, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm an sinh xã hội. Tình hình kinh tế - xã hội của thành phố duy trì ổn định và có bước phát triển so với cùng kỳ; 11/11 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi trọng, không ngừng đổi mới về phương thức hoạt động. 100% tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thu từ kinh tế trên địa bàn ước đạt 1.199,365 tỷ đồng, đạt 151% dự toán tỉnh giao, 142% dự toán thành phố và bằng 144% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp thành phố quản lý ước đạt 20.946 tỷ đồng, tăng 15,18% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 227,5 tỷ đồng, tăng 0,21% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 1.525 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2021. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 19.406 tỷ đồng, tăng 14,76% so với năm 2021.
Hạ tầng đô thị, thương mại tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Nhiều công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: xây dựng đường Lưu Hữu Phước kéo dài (đoạn từ đường Thanh Bình đến khu đô thị Mỹ Trung) và Khu tái định cư Liên Hà 1, xây dựng tuyến cống thoát nước nối từ cống đường Trần Hưng Đạo đến cống đường Thượng Lỗi, cải tạo, nâng cấp đường vào chi cục thuế, cải tạo hè đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Trần Nhân Tông). Đồng thời, tiếp tục thi công các công trình và khởi công mới nhiều công trình trọng điểm; đặc biệt thành phố đã tổ chức thành công lễ khởi công dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi vượt kế hoạch gần 2 tháng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo. Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì thành tích dẫn đầu toàn tỉnh tại các kỳ thi học sinh giỏi năm học 2021-2022. Ngành Y tế thành phố làm tốt công tác khám, chữa bệnh và thường trực cấp cứu; chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVD-19 và các bệnh liên quan đến trẻ em. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thông tin, tuyên truyền diễn ra sôi nổi phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách cho các đối tượng theo quy định. Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông giai đoạn 2021-2025; duy trì kết quả đứng tốp đầu khối các huyện, thành phố trong tỉnh về chỉ số cải cách hành chính năm 2021. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thành phố hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân, đảm bảo công khai, công bằng, đúng luật.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định cho biết: Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, có tính đột phá và quyết định trong thực hiện các nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh. Hình thành 3 vùng phát triển: Vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh. Vùng phát triển đô thị về phía tây và tây bắc (Mỹ Lộc), hình thành các khu vực đô thị tổng hợp, khu công nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và trung chuyển đầu mối giao thông, hàng hóa đối ngoại của đô thị, các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các khu, cụm công nghiệp. Vùng phát triển đô thị về phía nam và đông nam thành phố, hình thành đô thị dịch vụ, thương mại, phát triển vùng sinh thái nông nghiệp nam sông Đào gắn với khai thác tuyến đường trục vành đai 1, đường trục mới song song QL 21B nhằm phát triển đô thị đại học, sản xuất công nghiệp, trung chuyển hàng hóa. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, các dịch vụ ngân hàng, viễn thông, vận tải, logistics, khách sạn, nhà hàng, vui chơi, giải trí… Thúc đẩy phát triển kinh tế số, tạo thuận lợi và xây dựng môi trường kinh doanh số. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong thành phố và hạ tầng giao thông quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ công trình xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi và xây dựng tuyến đường trục phía nam thành phố đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến QL 21B. Bổ sung những không gian công cộng mới, hoàn thành hạ tầng các khu đô thị như: Hòa Vượng, Dệt May, Thống Nhất, Nam sông Đào, Bãi Viên. Thành phố tiếp tục đầu tư đồng bộ, xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư mới như: Nguyễn Công Trứ, Lương Thế Vinh; Liên Hà; Lộc Vượng; Đông Phong - Địch Lễ; Vạn Diệp - Nam Phong; Lương Xá - Phú Ốc - Lộc Hòa… Huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh./.
Bài: Việt Thắng
Ảnh: T.L và Việt Thắng