Thăng trầm nghề làm mành mành
.

Thăng trầm nghề làm mành mành

14:20, 25/08/2023

Nghề làm mành mành ở làng Đỗ Xá xã Điền Xá (Nam Trực) từng nổi tiếng khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Trải qua những thăng trầm, giờ đây nghề làm mành mành của làng đang chững lại và đứng trước nguy cơ mai một.

Dọc theo Quốc lộ 21 tới địa phận xã Điền Xá, khách đi qua hẳn sẽ phải dừng mắt chú ý tới những tấm mành, những bó tre, bó nứa cật đã được chẻ sẵn, dựng bên đường đang óng lên dưới nắng. Theo các cụ cao niên trong làng, nghề đan mành tre của làng Đỗ Xá có từ thế kỷ XVII, do ông tổ nghề là cụ Đỗ Đình Kênh người Bắc Ninh truyền dạy. Qua thời gian, người dân nơi đây đã phát triển đa dạng hóa các sản phẩm mành mành bán ra thị trường. Riêng mành tre đã có tới hơn chục loại như: mành sấp ngửa, mành một mặt, mành hai mặt, mành nan to, nan nhỏ, nan vuông, nan tròn...

 

Mành có đẹp, nan có đều hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào đôi bàn tay vừa khoẻ, vừa khéo của người chẻ nan.

 

Trước đây, cả làng Đỗ Xá có gần 1.000 hộ dân ở 13 xóm đều làm nghề. Mỗi nhà có đến vài ba khung dệt, từ trẻ nhỏ đến người già trong làng không ai là không biết nghề. Sức sống của nghề nhen nhóm, lan truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác tạo nên bản sắc và “thương hiệu” của làng. Việc làm mành không những đem lại thu nhập ổn định cho dân làng trong những lúc nông nhàn mà còn là niềm vui đối với mỗi người dân nơi đây.

 

Làm mành là nghề thủ công, mọi công đoạn từ cưa nứa, chẻ nan, đan mành đều cần đến đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ.

 

Đôi bàn tay khéo léo của những “nghệ nhân vót nan” đã biến những cây tre làng chắc chắn, gai góc thành những chiếc nan mành mảnh dẻ, nuột nà để tạo nên những chiếc mành đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Sản phẩm mành không chỉ được làm từ tre mà còn được làm từ những cây họ tre, nứa. Những cây tre, cây nứa được chẻ thành những chiếc nan nhỏ, vót trơn và được dệt thành những chiếc mành. Kết nối những chiếc nan làm mành là dây mây, dây dù chắc chắn nhưng rất mềm mại.

 

Những cây tre, cây nứa được chẻ thành những chiếc nan nhỏ, vót trơn

 

 

Là nghề thủ công nên mọi công đoạn từ cưa nứa, chẻ nan, đan mành đều cần đến đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. Tre, nứa để làm mành phải chọn cây già, gióng dài, có như vậy mành mới bền. Mành có đẹp, nan có đều hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào đôi bàn tay vừa khoẻ, vừa khéo của người chẻ nan. Sau khi được tuyển chọn, cây tre, nứa được cắt ra từng đoạn theo kích cỡ từng loại mành, pha thành từng mảnh rồi chẻ thành từng nan. Đan mành là công đoạn cuối cùng, từ trẻ nhỏ đến người già ai cũng có thể làm được. Thường thì tre, nứa được ngâm một thời gian xuống nước ao bùn, sau đó phơi khô mới đem làm tiếp các công đoạn khác.

 

Gia đình ông Đỗ Duy Sờn ở làng Đỗ Xá là đời thứ 15 của gia đình đến nay vẫn giữ nghề làm mành mành.
Gia đình ông Đỗ Duy Sờn ở làng Đỗ Xá là đời thứ 15 của gia đình đến nay vẫn giữ nghề làm mành mành.

 

Đối với mành nan nhỏ dùng xâu móc đơn, còn mành nan to phải dùng xâu móc đôi mới giúp tấm mành làm ra có độ khít, bền đẹp. Khi đan người thợ cũng cần chú ý lật mặt từng sợi nan, sao cho mặt cật và mặt lõi đan xen nhau thì lúc đem sử dụng tấm mành mới tránh khỏi bị cong vênh. Vì làm hoàn toàn bằng thủ công nên trung bình một lao động bình thường chỉ làm được tối đa khoảng 5m2 mành/ngày. Với giá bán 70 nghìn đồng/m2 đối với mành nan nhỏ; 110-150 nghìn đồng/m2 đối với mành nan to. Sau khi trừ chi phí, một ngày công lao động của một người cũng được trên dưới 100 nghìn đồng nhưng phải với điều kiện có đơn đặt hàng thường xuyên. Từ tháng 4 bắt đầu vào mùa nóng thì hàng bán được nhiều, còn mùa lạnh thường chậm hơn.

 

Đôi bàn tay khéo léo của người thợ tạo nên những chiếc mành đậm đà bản sắc văn hóa Việt.

 

 

Một thời hưng thịnh từ nghề, nhưng hiện tại nghề làm mành mành ở Đỗ Xá đang bị mai một dần. Gia đình ông Đỗ Duy Sờn ở làng Đỗ Xá là đời thứ 15 của gia đình đến nay vẫn giữ nghề làm mành mành. Ông Sờn lấy bà Vũ Thị Tám khi đó 23 tuổi là người cùng làng nổi tiếng khéo tay dệt. Sau khi về làm dâu, bà Tám cùng bố mẹ chồng tập trung làm nghề. Riêng ông Sờn, ngoài những lúc đi làm tại Công ty Dệt lụa Nam Định, ông lại tranh thủ chẻ tre, nứa và làm các công đoạn ngâm, phơi phụ giúp gia đình. Cuối tuần, ông chở mành đi khắp các nơi trong tỉnh, rồi vào tận Thanh Hóa, Ninh Bình để bán. Cũng từ thu nhập của nghề làm mành, gia đình ông bà đã nuôi được 3 con ăn học.

 

Trước đây, việc làm mành không những mang lại thu nhập ổn định cho dân làng
trong những lúc nông nhàn mà còn là niềm vui đối với mỗi người dân nơi đây.

 

Tuy nhiên, hiện nay, cũng như bao người trẻ khác trong làng, các con ông đều không theo nghề. Một phần do được đi học lên cao và làm đúng chuyên môn, một phần nghề làm mành đã mai một do thị trường không còn ưa chuộng, ngày công thấp hơn so với nghề khác nên chỉ còn ông bà cặm cụi với nghề. Ông Sờn tâm sự: “Lớp trẻ bây giờ không mặn mà với nghề này vì hiện nay giá trị kinh tế không cao, một ngày công thu nhập thấp. Thế hệ chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi bao tâm huyết với nghề vẫn muốn gắn bó, gây dựng nhưng trước tác động của cơ chế thị trường đành lực bất tòng tâm. Hiện nay, làng chỉ còn vài hộ chuyên tâm làm nghề. Tất cả đều đã lớn tuổi như chúng tôi và luôn tiếc nuối khi nghề ngày càng mai một dần”.

 

Nghề làm mành mành ở làng Đỗ Xá, xã Điền Xá (Nam Trực) từng nổi tiếng khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

 

Yêu nghề và nặng lòng với nghề truyền thống đã gắn bó gần hết đời người là điều dễ hiểu với người dân nơi đây. Nhưng việc giữ nghề hay tìm hướng đi khác thì điều đó còn phục thuộc vào nhiều yếu tố từ chính người sản xuất và cả cơ chế thị trường. Mong rằng nghề mành mành một thời vang bóng của làng tiếp tục được giữ gìn và phát triển kinh tế theo hướng bền vững, mang lại thu nhập cho các hộ gia đình làm nghề, đảm bảo cuộc sống./.

Thực hiện: Hồng Minh - Thanh Hoa
Trình bày: Trường Vinh
Ngày xuất bản: 25-8-2023

 

 



Xem thêm bình luận