Về nơi “Đất lành chim đậu”
.

Về nơi “Đất lành chim đậu”

19:04, 25/06/2024

Những ngày cuối tháng 6, đứng trên tầng 5 đài quan sát Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Giao Thủy) nhìn ra khoảng rừng sú vẹt bao la trước mặt, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là rừng… quá đẹp. Tháng 5 đến tháng 10 là thời điểm hàng triệu cây sú, vẹt trong Vườn cùng lúc bung nở sắc trắng rực rỡ, khoe sắc hương ngào ngạt. Nhìn kỹ dưới tán rừng còn thấy những tấm lưng đẫm mồ hôi của người dân và những cá thể chim, cò, các loại tôm, cua, cá… mải miết kiếm ăn. “Đất lành chim đậu”,  Khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á không chỉ đang khẳng định vai trò “ga chim” di trú quan trọng của thế giới mà còn nỗ lực để hướng tới “danh vị” cao hơn: Vườn Di sản ASEAN.

Tháng 1-1989, vùng đất ngập nước thuộc VQG Xuân Thuỷ chính thức được công nhận là Khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, thứ 409 của thế giới; đánh dấu Việt Nam trở thành thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar (Công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước; Ramsar, Iran, 1971). VQG Xuân Thuỷ tiêu biểu cho hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam. Đây là hệ sinh thái mở, có mức độ đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Vườn có tổng diện tích 15.100ha, chia hai vùng (vùng đệm và vùng lõi) và một khu hành chính. Vùng lõi của vườn rộng 7.100ha, trong đó có 3.100ha diện tích đất nổi có rừng, 4.000ha diện tích đất rừng ngập nước. Vùng đệm rộng 8.000ha, bao gồm diện tích tự nhiên của 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải.

Một góc Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Một góc Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Theo các nhà khoa học, VQG Xuân Thủy đạt “3 nhất” gồm: đa dạng sinh học cao nhất, năng suất sinh học lớn nhất, hệ sinh thái nhạy cảm nhất trong khu vực Đông Nam Á. Vườn là nơi sinh sống của 202 loài thực vật bậc cao; thảm thực vật có 7 quần xã; thực vật nổi đã thống kê được 112 loài; động vật nổi ghi nhận được 110 loài; có 385 loài động vật không xương sống; 155 loài cá; 427 loài côn trùng... Trong Vườn cũng có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: móng tay, cáy mật, cua bùn, cá Song, cá Hói… Đặc biệt, theo ghi nhận của VQG Xuân Thủy, đối với hệ chim, hiện Vườn đã thống kê được 222 loài, thuộc 42 họ của 12 bộ. Trong số 222 loài chim có 108 loài phổ biến (chiếm 49,09%), 89 loài không phổ biến (chiếm 40,45%) và 23 loài hiếm gặp (10,45%). Khu hệ chim ở đây tiêu biểu cho các loài thuộc bộ Hạc, bộ Ngỗng, bộ Rẽ và bộ Sẻ. Các loài chim, đặc biệt là nhóm chim nước di cư cũng chính là nhóm được Vườn chú ý bảo tồn nhiều hơn cả. Có hai dòng di cư chính theo trục Bắc, Nam và ngược lại: vào mùa đông, chim di cư tránh rét từ phương Bắc xuống trú đông, vào dịp hè thu các loài di cư tránh nóng từ phương Nam lên.

Trong “không trình” vạn dặm của các loài chim nước, VQG Xuân Thuỷ đã trở thành “ga chim” dừng chân kiếm ăn, tích lũy năng lượng chờ những mùa sinh trưởng sau. Trong đó, có những loài đặc biệt quý hiếm nằm trong sách đỏ quốc tế như: Rẽ mỏ thìa, Choắt lớn mỏ vàng, Cò thìa mặt đen, Bồ nông chân xám, Choắt chân màng lớn, Cò lạo Ấn Độ, Cò trắng Trung Quốc, Choắt mỏ cong lớn… Ghi nhận đáng chú ý nhất ở Xuân Thủy là tồn tại một quần thể Cò thìa lớn nhất Việt Nam, trong một vài năm gần đây, số lượng nhiều nhất được chính thức thống kê tại khu vực là 74 cá thể.

Vườn Quốc gia Xuân Thủy được gọi là sân chim cho các loài chim di trú.
Vườn Quốc gia Xuân Thủy được gọi là "sân chim" cho các loài chim di trú.

 

Sau cơn mưa mùa hè như "giải nhiệt" tiết trời oi ả, chúng tôi cùng trên 60 sinh viên, các thầy cô giáo Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) lên 2 tàu du lịch của VQG Xuân Thuỷ “thẳng tiến” vào vùng lõi Vườn. Đang vào mùa hoa sú vẹt nở, “chạy” dọc dài trong vùng lõi, hương hoa sú vẹt thơm ngọt, “quẩn” khắp không gian. Có trên 20 năm gắn bó với Vườn, chị Trần Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Xuân Thuỷ đã dẫn hàng trăm đoàn khách du lịch, nghiên cứu khoa học đến Vườn. Cũng như nhiều cán bộ có thời gian gắn bó lâu năm với Vườn, chị Hạnh tường tận từng đặc tính của các loại động, thực vật trong Vườn. Chuyến đi này, chị Hạnh “kiêm” nhiều vai trò, hướng dẫn viên du lịch, cán bộ nghiên cứu khoa học của Vườn. Đi đến đâu, chị đều “say sưa” giới thiệu về Vườn, đặc biệt là các tour du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch xanh mà Vườn đang triển khai thời gian qua. Chị Hạnh cho biết: “Tham quan du lịch VQG Xuân Thuỷ, ngoài được giới thiệu sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái rừng ngập mặn; các hoạt động khai thác hải sản bằng các phương tiện đánh bắt thủ công truyền thống của ngư dân địa phương, thăm các khu nuôi thả ngao vạng, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư vùng đệm… du khách còn có thể trò chuyện với ngư dân, nghỉ tại nhà dân, tham gia ăn uống sinh hoạt cùng các gia đình bản địa”...

Cán bộ Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy giới thiệu hệ sinh thái của vườn với sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cán bộ Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy giới thiệu hệ sinh thái của vườn với sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ấn tượng trước hệ sinh thái đa dạng, sự mến khách của người dân khu vực VQG Xuân Thuỷ, em Trịnh Thị Mỹ Anh, lớp K67, Quản lý Tài nguyên và môi trường, khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Trong chuyến đi thực tế tại Vườn, ngoài được củng cố các kiến thức đã học trong sách vở, em còn được quan sát, tìm hiểu thực tế các loại tài nguyên thiên nhiên ở Vườn, cách quản lý tài nguyên môi trường của Ban quản lý Vườn. Từ đó có thêm kiến thức, kỹ năng để phát triển nghề nghiệp sau này. Ngoài cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, em còn ấn tượng với sự nhiệt tình, mến khách của người dân cũng như các cán bộ của Vườn. Sau chuyến đi này, em sẽ giới thiệu cho người thân, bạn bè đến Vườn tham quan du lịch, tìm hiểu về hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển tiêu biểu nơi đây”.

Chia sẻ về hướng phát triển du lịch sinh thái của VQG Xuân Thuỷ, đồng chí Vũ Quốc Đạt, Phó giám đốc VQG Xuân Thuỷ thông tin thêm: “Những năm qua, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, các loài động vật, thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, Ban quản lý Vườn còn tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh. Hàng năm, VQG Xuân Thuỷ thu hút được lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu khoa học tại Vườn. Vườn đã xây dựng các tour du lịch trải nghiệm trường học, xem chim, thăm cửa sông…cho khách du lịch nội địa lẫn quốc tế. Từ năm 2022 đến nay, trung bình hàng năm, Vườn đón khoảng 15 nghìn khách du lịch. Để Vườn phát triển bền vững, tạo sinh kế cho người dân, năm 2023, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, VQG Xuân Thuỷ cùng với Sở NN và PTNT đã xây dựng hồ sơ đề cử trở thành “Vườn Di sản ASEAN”. Theo đó, Ban quản lý VQG đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ bảo đảm đúng quy trình thủ tục và hướng dẫn của Bộ TN và MT.  Để được công nhận là vườn di sản, các VQG nói chung phải đảm bảo được các tiêu chí về tính tự nhiên, hoang dã, tính nguyên vẹn về hệ sinh thái, sự đa dạng và giá trị nổi bật quần thể. Các Vườn di sản ASEAN phải thực thi và chịu trách nhiệm về các chính sách bảo tồn sinh vật quý hiếm sống trong khu vực Đông Nam Á. “Quá trình trình hồ sơ cơ bản đang tiến hành thuận lợi. Nếu VQG Xuân Thuỷ được công nhận là Vườn Di sản sẽ mở ra những cơ hội mới để tỉnh đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất ngập nước phục vụ phát triển du lịch sinh thái, đồng thời bảo tồn nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm”, đồng chí Vũ Quốc Đạt khẳng định.

Người dân nhặt ngao tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Người dân nhặt ngao tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Tạm biệt VQG Xuân Thuỷ trong ánh nắng chiều rực rỡ, những bông hoa sú vẹt hình như cũng bị ánh nắng “nhuộm” vàng. Từ các bụi cây, thỉnh thoảng một vài chú chim tránh nắng từ phương Nam ghé thăm vườn nghe tiếng người cười nói trên các tàu du lịch giật mình sải cánh vút bay vào không trung. “Đất lành chim đậu”, không chỉ là chim, các loài động, thực vật quý hiếm mà VQG Xuân Thuỷ cũng đang dần khẳng định “điểm đến” đến cho nhiều hoạt động sinh kế mang ý nghĩa kinh tế - xã hội thiết thực cho tỉnh trong tương lai./.

Bài: Hoa Xuân 
Ảnh: Viết Dư - Trần Hưng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



Xem thêm bình luận