Xen giữa làng nghề may mặc sôi động nổi tiếng, ở thôn Vĩnh Trị, xã Yên Trị (Ý Yên) còn có nghề chế tác trang sức độc đáo cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Giai đoạn hưng thịnh trước đây, thôn Vĩnh Trị luôn có hàng chục lò đỏ lửa làm nghề chế tác trang sức. Không giống như nghề làm đồ trang sức hiện đại, dòng trang sức dành cho đồng bào vùng cao chỉ ưa hai chất liệu là đồng và bạc trắng; ẩn chứa bên trong chúng là các chi tiết nghệ thuật độc đáo mang thông điệp văn hóa bản địa truyền thống quý báu của từng dân tộc nên yêu cầu rất khắt khe về kỹ thuật gia công. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự khéo léo, tinh xảo của người thợ với những bí quyết gia truyền.
Công đoạn nấu bạc, định hình sản phẩm tại cơ sở chế tác trang sức Linh Nương, xã Yên Trị (Ý Yên). |
Nghề có lúc lao đao do tình trạng sản phẩm chạy theo thị trường, thay chất liệu từ bạc và đồng sang nhựa, hợp kim rồi phủ màu hay tráng bạc để hạ giá thành nên đã bị mất uy tín, các hộ làm nghề gặp nhiều sóng gió, nhiều tốp thợ của thôn phải chuyển làm việc khác. Đến nay, xưởng chế tác trang sức trong làng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay; thợ làm nghề cũng hiếm có người thế hệ trẻ kế tiếp.
Đến thăm cơ sở chế tác đồ trang sức Linh Nương, một trong những cơ sở sản xuất lớn luôn "đỏ mối hàn" trong thôn Vĩnh Trị, chúng tôi bị thu hút bởi những bộ vòng tay, cúc áo, kiềng, xà tích, trâm cài tóc… bóng lọng với những đường nét hoa văn đơn giản mà tinh xảo, sắc nét. Ngừng tay bễ, chờ mẻ bạc mới cho vào khuôn đúc, anh Vũ Mạnh Hà chủ cơ sở sản xuất cho biết: Từ nhỏ thấy ông, cha làm ra những chiếc xà tích, trâm cài tóc hay bộ cúc áo có hoa văn tinh xảo, tôi thích thú lắm nên ra sức học theo; từ việc đơn giản nhất là kéo dây đồng thủ công cho bóng và mềm để dễ tạo hình; rồi uốn định hình và chạm hoa văn trên sản phẩm.
(1) Cán mỏng sợi bạc trước khi định hình sản phẩm. (2) Chuốt sợi đồng làm trang sức tại cơ sở chế tác trang sức Linh Nương, xã Yên Trị (Ý Yên). |
Nghề "ngấm" vào người lúc nào không hay. Kinh nghiệm hơn 40 năm gắn bó với nghề, anh Hà chia sẻ thêm: Muốn chế tác được một sản phẩm trang sức bạc sáng đẹp, bền, ngoài yếu tố lựa chọn nguyên liệu tốt thì phải trải qua 4 quy trình là: Trơn, đấu, đậu, chạm. "Trơn" là gò những tấm bạc dát mỏng thành hình khối của sản phẩm. "Đấu" là ghép các chi tiết lại với nhau. "Đậu" là kéo bạc thành những sợi mảnh và uốn thành những chi tiết trang trí. "Chạm" là chạm trổ các chi tiết, hoa văn. Tùy từng loại sản phẩm, mô hình, mẫu vật, hoa văn mà người thợ chọn phương cách kỹ thuật để gia công, chế tác cho thành. Các khâu chủ yếu làm thủ công, mất nhiều thời gian, nhưng các chi tiết trên mỗi sản phẩm có vẻ đẹp riêng chứa đựng sự tỉ mỉ, tâm huyết của người thợ chế tác. Đơn giản như công đoạn hàn đấu nối các chi tiết lại với nhau cũng phải có con mắt “tinh nghề” mới làm được bởi để quá lửa, nhiệt độ cao sản phẩm sẽ bị cháy và biến dạng; nếu lửa nhỏ thì độ gắn kết của các chi tiết không chắc chắn, các bộ phận lỏng lẻo, trong quá trình vận chuyển sẽ bị long ra không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.
Cụ bà Lê Thị Tuyết, thôn Vĩnh Trị, đã hơn 70 tuổi vẫn cặm cụi với nghề làm trang sức truyền thống. |
Cùng với kỹ thuật tinh xảo, cơ sở chế tác đồ trang sức Linh Nương còn đầu tư mua sắm máy cán, máy dập khuôn giúp cắt giảm các khâu thủ công, giảm bớt lao động đơn giản, tạo ra sản phẩm có độ chính xác cao trước khi đục chạm thủ công. Do đó các sản phẩm đồ trang sức theo truyền thống của người Dao, Thái, Mông… chế tác tại xưởng của gia đình anh như: trâm cài đầu, cúc áo, hoa tai, vòng cổ, kiềng, xà tích trang trí… đều "đạt chuẩn" thẩm mỹ của bà con từ chất lượng đến mẫu mã. Cơ sở còn tự mang sản phẩm lên chợ trung tâm của các tỉnh miền núi phía Bắc để giới thiệu, tiếp thị sản phẩm và kết hợp với khảo sát các mẫu mã, họa tiết, thị hiếu của khách hàng, tiếp tục nâng cao tính cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. Đó cũng chính là lý do cơ sở chế tác đồ trang sức của anh Hà ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng. Không chỉ tiêu thụ ở thị trường vùng dân tộc thiểu số trung du miền núi phía Bắc mà cơ sở còn xuất bản sản phẩm sang các thị trường Lào, Campuchia.
Chị Vũ Thị Nương, cơ sở sản xuất Linh Nương, xã Yên Trị (Ý Yên) kiểm tra chất lượng sản phẩm trang sức bạc trước khi xuất xưởng. |
Xưởng sản xuất Linh Nương đang mở rộng quy mô phát triển thêm những sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào khu vực Nam Trung Bộ và đồ trang sức chạm thủ công từ bạc, đồng theo phong cách quý tộc, cung đình xưa như trâm cài, kim khánh, hoa tai, kiếng, xà tích... Đây là tín hiệu vui không chỉ của cơ sở chế tác trang sức Linh Nương mà còn của cả thôn Vĩnh Trị./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Xuất bản ngày 15-12-2023