Rộn ràng làng đục
.

Rộn ràng làng đục

16:13, 12/09/2023

 

 

Chúng tôi đến làng nghề đục Đằng Động vào một ngày đầu thu tháng 8 mát mẻ. Vừa vào đầu làng đã nghe thấy tiếng lách cách rộn ràng của tiếng đục, tiếng gõ xen giữa âm thanh của máy cưa, máy xẻ gỗ ào ào. Vào giữa làng, khách phương xa có thể cảm nhận được mùi gỗ mới, mùi nước sơn hăng nồng vương vấn khắp trong nhà ngoài ngõ. Ở làng đục Đằng Động không chỉ có nam giới theo nghề mà còn bắt gặp khá nhiều các bà, các mẹ, các chị tay cầm đục một cách “điêu luyện”.

Phụ nữ đục tại làng nghề đục Đằng Động.
Phụ nữ đục tại làng nghề đục Đằng Động.

Chị Nguyễn Thị Ngát, 40 tuổi đang ngồi tỉ mẩn tách, tỉa tót một dải hoa trên chân bàn thờ cho biết: "10 tuổi tôi đã bắt đầu học nghề từ bố. Hồi đó, anh em tôi một buổi đi học, còn một buổi xuống xưởng cầm đục “thực hành” cùng với bố mẹ. Nghề “ăn vào máu” của chúng tôi từ lúc nào không hay. Không chỉ riêng tôi mà ở Đằng Động nhiều đứa trẻ cũng lớn lên cùng với tiếng lách cách miệt mài đục đẽo như vậy”. Làm nghề từ sớm, chị Ngát nhanh chóng trở thành “thợ cả”. Chị có thể đục chạm nhiều công đoạn tinh xảo của những sản phẩm như: đồ gỗ nội thất, bàn, ghế, tủ, đồ thờ, bàn thờ, hoành phi câu đối, cuốn thư câu đối, hương án, tượng, cửa, cửa võng, sập gụ, tủ chè… Bà Phạm Thị Diệp, 55 tuổi vốn là người làng bên lấy chồng về Đằng Động. "Nhập gia tùy tục", sau khi lấy chồng được vài năm, bà cũng nhanh chóng bén duyên với nghề đục qua sự dìu dắt của chồng. "Những ngày đầu mới cầm đục, tôi cứ lóng nga lóng ngóng làm rơi đục suốt. Tuy nhiên, dưới sự “cầm tay chỉ việc” của chồng cộng với quyết tâm của bản thân, đến nay, tôi đã được nhiều thợ đục lành nghề trong làng công nhận tay nghề”, bà Diệp tự hào kể.

Máy móc hiện đại được người dân làng đục Đằng Động áp đụng để tiết kiệm thời gian sản xuất.
Máy móc hiện đại được người dân làng đục Đằng Động áp đụng để tiết kiệm thời gian sản xuất.

Cũng như bao người con của làng nghề đục Đằng Động, anh Phạm Văn An chọn theo nghề cha ông truyền lại. Với thâm niên làm nghề hơn 20 năm, giờ đây anh đã mở được một xưởng đục điêu khắc gỗ của riêng mình. Anh An cho biết: "Làm nghề đục tương đối khó và yêu cầu cao sự tỉ mỉ, tinh tế. Đầu tiên phải chế mẫu can hình, đóng nhận để định hình, xác nhận phần gỗ bỏ, rồi đục, gọt nhẵn, nạo, tỉa tách và đánh bóng…

Những chi tiết nhỏ được người đục chăm chút, tỉ mỉ.
Những chi tiết nhỏ được người đục chăm chút, tỉ mỉ.

Mỗi công đoạn đều đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề điêu luyện, đôi mắt tinh và trí sáng tạo của người thợ. Nghề đục do đó cũng lắm công phu, buộc người thợ phải có năng khiếu, có ý tưởng, có bàn tay khéo léo và kỹ thuật cao để “chế biến” gỗ”. Từ những miếng gỗ, khúc gỗ sần sùi, vô tri giác, qua bàn tay tài hoa của những thợ cả Đằng Động sẽ biến thành thế giới của hoa lá, chim muông, vạn vật… mang hồn cốt của những người thợ có hoa tay. Cũng theo anh An, trong nghề đục có những chi tiết như yếm bàn thờ với những dải hoa mai, đầu rồng, đầu lân… là khó đục nhất. Bởi đó là “tổ hợp chi tiết” của nhiều chi tiết nhỏ cộng lại. Khi đó, người thợ ngoài tay nghề cao, khả năng khéo léo còn phải kiên nhẫn, kỳ công. Nghề “khó” nên thợ nghề phải mất nhiều năm “luyện đục” mới thành thợ chính.

Vợ chồng anh Phạm Văn An hoàn thiện sản phẩm trang trí bàn thờ.
Vợ chồng anh Phạm Văn An chăm chút cho từng chi tiết sản phẩm.

Theo chúng tôi tìm hiểu, trai làng Đằng Động từ 11-12 tuổi đã bắt đầu học nghề của cha, chú hay người thân quen. Sau 2-3 năm mới được công nhận là thợ nhỏ (phó nhỏ). Đến 16-17 tuổi, tay nghề “cứng” hơn thì trở thành thành viên chính thức của tốp thợ. 19-20 tuổi mới được gọi là thợ bạn và còn phải trải qua một thời gian làm nghề lâu dài nữa mới lên được phó ba, phó hai, rồi phó cả (người thợ giỏi nghề, đặc biệt giỏi vẽ, chuyên nhận việc, chỉ đạo thợ…). Mất nhiều năm để học nghề và “lành nghề” nên thu nhập của một thợ đục ở Đằng Động hiện khá cao. Tuỳ vào tay nghề của mỗi người thợ mà được trả các mức lương khác nhau, thợ mới vào nghề có thu nhập từ 100-200 nghìn đồng/người/ngày. Những thợ đục lâu năm được trả mức lương lên tới 500-600 nghìn đồng/người/ngày.

Sản phẩm sau khi hoàn thiện.
Sản phẩm sau khi hoàn thiện.

Ngày nay, thợ đục đã có thể nhàn hơn trong quá trình làm nghề với sự hỗ trợ của máy đục. Làng nghề hiện có khoảng 10 máy đục chuyên dụng với giá từ 230-250 triệu đồng/máy. Tuy nhiên, theo những thợ nghề lâu năm ở Đằng Động, máy cũng chỉ giải quyết được phần nào đó của quá trình đục. “Chúng tôi chỉ sử dụng máy cho những sản phẩm hàng nền như vách tựa lưng, vai ghế… tức những phần ván mỏng. Còn lại những chi tiết khó vẫn phải đục bằng tay. Hơn nữa, đục bằng máy cũng có những nhược điểm như khó phun sơn, đánh véc-ni hoặc giấy ráp. Do đó, trong nghề đục, cơ bản vẫn phải sử dụng sức người là chính”, một thợ đục lâu năm trong làng cho biết thêm.

Sản phẩm sập thờ của gia đình anh Phạm Văn An.
Sản phẩm sập thờ của gia đình anh Phạm Văn An.

Vài chục năm trước, những nông phu chăm chỉ làng Đằng Động, xã Yên Hồng (Ý Yên) thường tranh thủ những lúc nông nhàn xuống Yên Ninh, La Xuyên học nghề mộc, đục. Sau năm 1995, nghề mộc, đục của làng “chuyển mình” theo hướng mới: nhận làm vệ tinh cho La Xuyên, cung cấp những sản phẩm thô cho làng nghề. Bằng sự tài hoa, khéo léo, nghề đục chạm khắc gỗ của người làng Đằng Động theo thời gian phát triển mạnh mẽ, trở thành mũi nhọn kinh tế của làng. Nghề đã nuôi sống người, hiện 100% hộ gia đình trong làng đều có người tham gia làm mộc hoặc đục gỗ, trong đó, mộc chiếm 20%, đục chiếm 80%./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân, Văn Huỳnh

 

 

 



Xem thêm bình luận