Háo hức mùa sim chín
.

Háo hức mùa sim chín

15:56, 27/08/2023
 

Từ 5 năm trở lại đây, người dân xã Yên Lợi (Ý Yên) và nhân dân trong vùng háo hức đợi mùa sim chín với lí do mới. Thứ quả dại của núi đồi giờ đây trở thành quả đặc sản, được thu hái chế biến thành nhiều thức uống lạ miệng mà thú vị như rượu sim, mật sim. Không chỉ chế biến để dùng, các sản phẩm chế biến từ sim còn là món hàng giúp bà con kiếm thêm thu nhập không rẻ.

Hoa sim trên núi Phương Nhi xã Yên Lợi (Ý Yên).

Cây sim là giống cây bụi mọc tự nhiên ở các dãy núi đất, đá đan xen. Thiên nhiên ưu đãi riêng cho người dân xã Yên Lợi bạt ngàn cây sim trên núi Phương Nhi mà những dãy núi khác quanh vùng không có được. Trước đây khi chưa biết đến tác dụng của quả sim chín, với người dân cây sim chỉ tô đẹp cho dãy núi bởi màu tím ngắt khi mùa hoa nở rộ. Quả đậu rồi chín lúc nào cũng mặc cho chim, thú trên rừng ăn. Chỉ dăm năm trở lại đây khi internet phát triển, các sản phẩm rượu sim, mật sim được giao bán, quảng cáo và phổ biến cách làm cũng như tác dụng trên mạng, người dân Yên Lợi mới tìm cách khai thác, kiếm tiền từ sim. 

Người dân hái sim trên núi Phương Nhi.
Người dân hái sim trên núi Phương Nhi.

Quả sim khi chín có màu tím thẫm, vị ngọt đậm xen lẫn vị chát, có nhiều hạt nhỏ. Theo y học cổ truyền Việt Nam, cây sim còn là một vị thuốc quý có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, các bộ phận từ thân, lá, rễ đều có thể sử dụng để làm thuốc. Rễ sim, lá sim dùng để trị khó tiêu, viêm dạ dày. Quả sim có tác dụng bổ huyết, dùng trị thiếu máu khi có thai, suy nhược sau cơn bệnh, an thai. Quả thường được chế biến theo các cách ngâm rượu, làm mứt, ép nước… 

Các bạn trẻ tranh thủ ngày hè lên núi hái sim.
Các bạn trẻ tranh thủ ngày hè lên núi hái sim.

Vào tháng 7-8 hàng năm là mùa sim chín; những quả sim sai trĩu cành, căng tròn, tím thẫm, vỏ phủ một lớp lông tơ bóng mượt, mịn như nhung, ngày 2 buổi, sáng từ tinh mơ 4h30 đến 7h và chiều từ 15h30 đến 18h cả trăm người trong xã, từ người già, phụ nữ, trẻ nhỏ đều tranh thủ lên rừng hái sim. Dãy núi Phương Nhi, nhất là ngọn khu vực làng Son, thôn Nam Sơn rộn ràng tiếng chào hỏi, nói chuyện của người đi hái sim. Chị Nguyễn Thị Huệ, xóm Sơn Nam, người hái sim giỏi có tiếng trong xã cho biêt: Tôi hái sim được vài năm nay. Kỹ thuật hái, dụng cụ cũng đơn giản chỉ cần một chiếc ba lô hoặc túi đeo chéo bên hông, một đôi giầy bata để leo núi cùng nước uống; trang bị quần áo dài, che kín mặt mũi để tránh nắng, phòng lá cỏ cây cào xước hay khi chẳng may trượt ngã, gặp ong cũng sẽ an toàn hơn. Trung bình mỗi ngày vất vả từ sáng sớm đến chiều muộn tôi hái được khoảng 10kg sim chín. Muốn hái được nhiều sim phải chịu khó leo lên đỉnh núi và tránh đi đường mòn nhiều người qua lại. Tuy nhiên, núi dốc, lại dễ gặp ong rừng nên chỉ những người nhanh nhẹn, có kinh nghiệm mới đủ sức leo lên. Do đó chúng tôi còn trẻ, khỏe thì chịu khó leo cao, hái được nhiều quả, để dành những bụi sim mọc ở vùng thấp, ven đường đi cho người lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ. Là lộc trời lộc đất nên chúng tôi cùng chia sẻ khai thác, bảo vệ rừng sim tự nhiên quý giá này.

Học sinh tranh thủ thời gian nghỉ hè lên núi hái sim.
Học sinh tranh thủ thời gian nghỉ hè lên núi hái sim.

Chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng mỗi vụ sim chín rộ người trong xã ước thu về vài tấn quả sim chín, vừa làm thuốc, vừa ngâm rượu sim và bán quả tươi cho khách hàng. Những năm gần đây nhu cầu dùng sim ngâm rượu, siro mật sim tăng lên nên giá bán quả sim cũng tăng dần, từ 40-45 nghìn đồng/kg. Sim chín quả tươi và các sản phẩm rượu sim, si-rô mật sim được bà con giới thiệu, chào bán qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Tiếng lành đồn xa, thú quả dại mà sạch của núi rừng được nhiều người biết đến. Sim thu hái đến đâu được tiêu thụ hết đến đó nên người dân rất phấn khởi, háo hức chờ đón mùa sim chín. Người hái giỏi, chăm chỉ hết mùa cũng có thêm được mươi triệu đồng để chi tiêu; học sinh tranh thủ nghỉ hè vừa lên núi chơi vừa hái sim, cũng kiếm được vài ba triệu đồng đỡ cho bố mẹ để mua sắm quần áo, sách vở chuẩn bị cho năm học mới.

 

Sim chín căng mọng sau khi được thu hái
Sim chín căng mọng sau khi được thu hái.

Ngoài hiệu quả kinh tế, việc thu hái quả sim còn giúp người dân hiểu thêm giá trị của rừng tự nhiên và nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Đặc biệt với trẻ nhỏ, tranh thủ ngày nghỉ hè theo mẹ lên núi hái sim vừa tốt cho sức khỏe, tránh xa cám dỗ của trò chơi điện tử hoặc các nguy cơ tệ nạn xã hội khác, biết trân quý lao động và có những ký ức đẹp của tuổi thơ. Chính quyền địa phương đã có kế hoạch bảo vệ rừng sim tự nhiên và nghĩa cách khai thác bền vững, hiệu quả nguồn nguyên liệu tự nhiên quý giá này như: hỗ trợ người dân xây dựng sản phẩm OCOP của xã; nghiên cứu tổ chức tour du lịch tham quan đồi sim gắn với các di tích lịch sử văn hoá của địa phương như Chùa Trăm Gian, tháp núi Chương Sơn, nơi lưu giữ các Bảo vật quốc gia: Tượng Phật A Di Đà niên đại thế kỷ XII (chất liệu đá), lưu giữ tại chùa Ngô Xá hay thành bậc lan can, thuộc tháp Chương Sơn. Đây là tín hiệu mở ra một hướng đi mới tiềm năng trong việc phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương cũng như khai thác tốt điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế trên quê hương Yên Lợi./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 

 


Từ khóa:

mùa sim chín

Yên Lợi

Ý Yên


Xem thêm bình luận