Níu giữ những giá trị làng quê xưa
.

Níu giữ những giá trị làng quê xưa

08:00, 09/06/2023

Chúng tôi gặp gia đình bác Nguyễn Hồng Đăng (tỉnh Ninh Bình) gồm 3 thế hệ đang khám phá những giá trị, nét đẹp của làng quê Bắc Bộ xưa được lưu giữ tại đây. Trao đổi với chúng tôi, bác Đăng cho biết: “Sinh ra, lớn lên từ làng nên tôi rất hiểu và thấy xúc động khi được nhìn ngắm lại những dụng cụ đã gắn bó với mình suốt bao năm. Có lẽ đây là nơi lưu giữ đầy đủ nhất những hiện vật, công cụ, nông cụ của người dân nông thôn xưa… Những hiện vật đó giúp cho những thế hệ con cháu chúng tôi hiểu biết hơn về truyền thống, đời sống, văn hóa dân tộc Việt Nam. Thật đáng trân quý biết bao!”.

Cổng nhà xưa.
Cổng nhà xưa.
Nhà của người bần nông
Nhà của người bần nông.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Từ ý tưởng tạo lập một thiết chế văn hóa làng quê xưa của vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Kiền và Nhà giáo Ngô Thị Khiếu, tháng 12-2012 Bảo tàng Đồng quê chính thức đi vào hoạt động. Không náo nhiệt, tấp nập mà bình dị như chính những hiện vật đang được lưu giữ trưng bày tại đây, Bảo tàng Đồng quê tạo cho du khách cảm giác trầm lắng, tĩnh lặng, thanh bình, yên ả mỗi khi được “đằm mình” vào “sông quê”.

Nhà ngang trung nông.
Nhà ngang trung nông.
Nhà địa chủ.
Nhà địa chủ.

Đi thăm một lượt Bảo tàng, ngắm các mẫu nếp nhà xưa (nhà bần nông, nhà trung nông, nhà địa chủ); được ngắm nhìn những cây trồng, vật nuôi, những nông cụ, công cụ của nông dân thế kỷ trước… đến 3 tầng trưng bày các đồ vật, hiện vật với các chủ đề: “Đời chiến sĩ”, “Cây lúa với đời sống sinh hoạt của cư dân đồng bằng Bắc Bộ” và “Các công cụ liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nghề muối, nghề biển” mới thấy hết sự công phu sưu tầm, tích lũy hiện vật của chủ nhân Bảo tàng. Có lẽ phải có tình yêu nông thôn Việt Nam rất lớn mới có thể tái hiện đời sống xã hội nông thôn trải dài hàng trăm năm sinh động, phong phú và hấp dẫn đến như vậy. Mỗi hiện vật, đồ vật, công cụ… đều gắn với mỗi ngành nghề, sinh hoạt của người nông dân từ chế độ phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh.

Bộ chiêng, cồng cổ.
Bộ mâm đồng - vật dụng không thể thiếu của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Sanh đồng để đun nước được sưu tầm tại huyện Ý Yên.
Bộ mâm đồng - vật dụng không thể thiếu của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Sanh đồng để đun nước được sưu tầm tại huyện Ý Yên.
Bộ chiêng, cồng cổ.
Bộ gàu guồng được nông dân sử dụng khi tát nước vào ruộng.
Bộ gàu guồng được nông dân sử dụng khi tát nước vào ruộng.

Đến đây, mỗi người đều tìm thấy cho mình một phần ký ức đầy rẫy những kỷ niệm khi sinh ra, lớn lên, một thời không thể quên. Còn đối với thế hệ trẻ hôm nay, có lẽ đây là nơi giới thiệu giúp hình dung đầy đủ nhất về những ngôi nhà, hiện vật, đồ vật gắn bó mật thiết với cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, để họ hiểu hơn về truyền thống văn hóa dân tộc.

Bộ sưu tập tiền cổ tại Bảo tàng.
Bộ sưu tập tiền cổ tại Bảo tàng.
Hướng dẫn viên giới thiệu về nhà ở, vật dụng cho du khách tham quan.
Hướng dẫn viên giới thiệu về nhà ở, vật dụng cho du khách tham quan.

Một điều khá thú vị khi khám phá Bảo tàng Đồng quê chính là mọi người được trải nghiệm với di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay trong thư viện của Bảo tàng có gần 400 cuốn sách nấu ăn của những "đầu bếp" nhà văn nổi tiếng xưa như: Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Vân Đài, Quốc Việt, Phan Long... Nhân viên của bảo tàng đã nghiên cứu những tác phẩm nổi tiếng đó và kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của gia đình, địa phương để làm các món "đặc sản ẩm thực" bình dân nức tiếng một thời như bánh gai, bánh khúc, rượu nếp, cơm quê, miến dong... tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc trưng riêng có. Nguyên liệu để sản xuất những “đồ ăn, thức uống” ở Bảo tàng Đồng quê đều từ những cây trồng, vật nuôi đang được nuôi, trồng ngay tại bảo tàng, địa phương và một phần ở các tỉnh, thành phố khác.

Những hiện vật của Bảo tàng Đồng quê có sức hút đặc biệt với các bạn trẻ.
Những hiện vật của Bảo tàng Đồng quê có sức hút đặc biệt với các bạn trẻ.
Cối xay thóc và cối giã gạo.
Cối xay thóc và cối giã gạo.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, nhân viên phụ trách các món ẩm thực của bảo tàng tự hào giới thiệu với chúng tôi về quá trình lựa chọn nguyên liệu, cách thức làm bánh gai: Bánh gai có 2 phần chính là phần nhân và phần vỏ. Phần nhân có đỗ xanh, sợi dừa nạo, mứt bí, mỡ lợn. Để có phần vỏ bánh gai ngon, lá gai được chọn lựa kỹ là những lá không bị sâu hỏng và phải thu hoạch vào thời điểm trời nắng nóng mới giữ được màu xanh, tươi và mùi thơm của lá. Khi thu về, lá gai được tước bỏ gân, phơi khô, sau đó rửa sạch, hầm nhừ trong khoảng 10 giờ, rồi vớt ra và rửa sạch một lần nữa rồi mới cho vào cối giã thành bột, trộn với đường trắng và tiếp tục giã. Bột nếp được làm từ gạo nếp cái hoa vàng bản địa, gạo nếp ngâm nước trong vòng 2 tiếng rồi cho vào xay với nước, sau đó ép khô bột, dùng cả tro rơm để hút ẩm. Bột khô lúc đó mới trộn cùng bột lá gai, mật mía (được mua từ vùng Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) và tiếp tục được giã lần 3 cho đến khi đạt độ nhuyễn để làm vỏ bánh. Bánh nặn xong được gói bằng lá chuối khô rồi cho vào nồi hấp trong khoảng 70 phút là chín rồi lấy ra để nguội… Cầu kỳ như thế nên bánh gai ở đây có vị ngon rất đặc trưng ở vỏ bánh, dẻo, nhuần, thơm ngậy.

Nhiều thế hệ khách tham quan tìm hiểu giá trị, văn hóa làng quê xưa tại bảo tàng.
Nhiều thế hệ khách tham quan tìm hiểu giá trị, văn hóa làng quê xưa tại bảo tàng.

Điều đáng nói là cá sản vật ở đây đều được chế biến theo cách thủ công và phần lớn nguyên liệu làm nên những chiếc bánh gai, bánh khúc, miến dong, nước mắm, rượu nếp đều được thu mua từ địa phương nên khi thưởng thức, du khách có thể cảm nhận được độ ngọt, bùi, thơm của hương vị đồng đất quê hương và luôn nhớ mãi.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Đồng quê còn giới thiệu một số sản phẩm OCOP của địa phương, gồm mật ong của Vườn quốc gia Xuân Thủy, nước mắm Sa Châu… đáp ứng đa dạng nhu cầu mua sắm đặc sản quà quê của du khách thập phương, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản và tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời giúp bảo tàng có thêm nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của thiết chế văn hóa đặc biệt này./.

Bài và ảnh: Văn Đại, Đức Toàn

 

 

 

 

 

 

 



Xem thêm bình luận