Ngọt thơm bánh nhãn
.

Ngọt thơm bánh nhãn

14:18, 14/04/2023

 

Qua cầu Yên Định chừng vài trăm mét, vào đến tiểu khu 6 Đông Cường thị trấn Yên Định (Hải Hậu) đã thấy dậy mùi thơm ngọt ngậy của bánh nhãn mới ra lò. Mùi thơm “dụ dẫn” tôi liên tưởng đến những viên bánh nhãn tròn xoe, đều tăm tắp, vàng ruộm được các bà, các mẹ đều tay vê ra trên những chiếc nong nia còn lẩn khuất mùi tre nứa già đại ngàn. Trong tiếng rơi lăn tròn, vui tai của bánh, chúng tôi cứ thế vô thức… thèm được thưởng thức ngay món bánh nhãn, một trong những đặc sản nổi tiếng nhất vùng đất bồi Hải Hậu.

Ngoài 50 tuổi, chị Phạm Thị Nga đã có ngót bốn chục năm tuổi nghề làm bánh nhãn. Chị Nga thuộc thế hệ thứ 3 trong nhà gắn bó với nghề này. Theo chị Nga, trước đây, ông bà rồi bố mẹ chị chỉ làm bánh nhãn vào những dịp trang trọng. Ngày thường họ chủ yếu làm các loại bánh khảo, kẹo lạc để bán. Khoảng những năm 1996, cũng như nhiều hộ gia đình làm bánh khác trong tiểu khu, nhà chị Nga mới tập trung làm bánh nhãn. Nguyên liệu để làm nên món bánh ngọt ngào, thơm ngậy này rất đơn giản, hầu hết đều tìm thấy trong các loại thực phẩm ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của người dân: trứng gà ta, dầu, đường, bột nếp cái hoa vàng. Thứ “đắt giá” nhất quyết định độ ngon, thơm của món bánh nhãn là nếp cái hoa vàng và trứng gà. “Làm bánh nhãn bắt buộc phải chọn gạo nếp cái hoa vàng để xay bột. Và đó phải là giống lúa dài ngày được trồng trên những cánh đồng màu mỡ, nhiều phù sa của Hải Hậu chúng tôi”, chị Nga chia sẻ. Lựa chọn được giống gạo ngon làm bánh, chị Nga cẩn thận ngâm gạo qua đêm rồi mới mang đi xay. Trước kia khi chưa có máy xay, những nhà làm bánh nhãn đều phải xay tay trên cối đá. Bột phải xay thật nhuyễn bánh mới ngon, khi rán bánh không bị phồng rộp. Bột gạo nếp được nhào với trứng gà đánh nhuyễn theo tỷ lệ 1kg gạo và 1,2kg trứng (khoảng 20-23 quả trứng). Trứng gà dùng để làm bánh thường là loại trứng gà ta, lòng đỏ có màu vàng tươi. Sau khi đánh nhuyễn bột, thợ làm bánh dùng tay “vê" bột thành những viên to, nhỏ khác nhau.

Ngày nay, hầu hết những công đoạn khó trong các công đoạn làm bánh nhãn đã được sự trợ giúp của máy móc. Bánh nhãn nhất thiết phải rán bằng mỡ “lục” (mỡ khổ). Chảo mỡ khi sôi giảm nhỏ lửa rồi mới cho những viên bột vào rán liên tục đảo đều tay cho nở đều, xốp giòn mới vớt ra để ráo mỡ. Sau đó đến công đoạn “hoán đường”. Đường làm bánh, chị Nga cũng lựa chọn loại đường kính trắng, hòa tan với nước, bắc lên bếp đun đến lúc nước đường sánh lại, nhấc đũa lên thấy có sợi đường thì cho bánh vào đảo đều. Khâu này phải thật nhanh tay. Bí quyết để có mẻ bánh ngon là khi bánh vừa ráo mỡ, sờ còn âm ấm thì phải nhanh tay đổ vào nồi nước đường nóng hổi mới bắc khỏi bếp rồi đảo đều sao cho bánh không dính vào nhau, khi để ráo viên nào cũng được phủ một lớp nước đường. “Vào đường” xong, những người thợ còn cẩn thận chọn chỗ râm mát, tránh nắng và gió, “phơi” cho bánh thật nguội rồi mới đóng vào các túi kích thước to nhỏ khác nhau. Mục đích của việc phơi bánh là để sản phẩm có thể bảo quản được lâu, giúp bánh không bị ỉu.

Chọn những hạt gạo nếp dẻo, thơm ngát hương làm nguyên liệu chính, từ thứ quà “ăn chơi” trong những dịp lễ, tết, ngày nay nhiều nơi trong huyện Hải Hậu duy trì việc làm bánh nhãn như một nghề “chủ lực”. Xuất phát từ Phố Phủ Đông Cường xưa, hiện tại ngoài xóm 12 xã Hải Bắc, nghề làm bánh nhãn còn phát triển mạnh ở tổ dân phố số 6 (một phần của làng Đông Cường xưa). Hiện cả tổ dân phố số 6 có khoảng trên 70 hộ gia đình làm bánh nhãn. Để phát triển nghề xưa, các hộ gia đình ở đây đã đầu tư các loại máy móc hiện đại như: xay bột, đảo bột, vê bánh nhãn; các lò nướng thủ công bằng than, củi cũng đã được thay thế bằng các loại nhiên liệu khác như: gas, điện... Được sự hỗ trợ của máy móc, năng suất làm bánh của các hộ gia đình tăng lên đáng kể. Một hộ làm bánh có quy mô khá như nhà chị Nga có thể sản xuất và bán được tới 2 tấn bánh nhãn/tháng, cao điểm vào các tháng giáp tết có thể bán được 5 tấn. Bánh hiện xuất đi nhiều tỉnh, thành phố trong nước với giá bán dao động từ 60-110 nghìn đồng/kg, tuỳ loại.

 

Có “lịch sử” ra đời đến hàng trăm năm, dưới bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các cô, những viên bánh nhãn nho nhỏ xinh xinh, dưới ánh sáng còn ánh lên những mảng đường mỏng bọc bên ngoài thật hấp dẫn. Khi ăn, người thưởng thức sẽ cảm nhận được những miếng bánh giòn rụm đẫm vị thơm của trứng, vị ngọt thanh của đường và cả sự chân thành, tinh tế của người làm bánh gửi gắm trong thức quà quê bình dị này. Nghề làm bánh nhãn vì thế cần được giữ gìn và phát triển./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân – Văn Huỳnh

 

 

 



Xem thêm bình luận