Nét đẹp nghề đan cót lá ở Vĩnh Hào
.

Nét đẹp nghề đan cót lá ở Vĩnh Hào

21:37, 15/03/2023

 

 

Không sôi động như nhiều làng nghề truyền thống khác, không khí ở làng nghề đan cót ở xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) khá yên tĩnh bởi các công đoạn sản xuất đều được làm thủ công, không có máy móc. Nơi đây, từ xa xưa nghề được các thế hệ truyền nối cho nhau trong mỗi gia đình. Mặc dù trải qua không ít thăng trầm nhưng đến nay nghề đan cót truyền thống ở đây vẫn tồn tại, tạo việc làm cho mọi đối tượng lao động, tận dụng thời gian nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Vũ Hồng Vạn, thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) cho biết: làng có tên cổ là làng Kẻ Si. Theo lời các cụ để lại, nghề đan cót du nhập vào đây từ thế kỷ XVII. Với lịch sử hình thành và phát triển trên 300 năm. Ở Vĩnh Lại, từ trẻ em đến phụ nữ hay thanh niên trai tráng, ai cũng thành thạo nghề đan cót. Cót của làng Kẻ Si xưa có nhiều loại: Cót để phơi lúa, quây thóc, đan bồ…

Những tấm cót đan với các nan cài tạo thành những hoa văn tự nhiên khá đẹp mắt nên trước đây, một số nghệ nhân khéo tay của làng còn nhuộm nan để đan thành những bức hoành phi đại tự dâng tiến. Những thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước là thời điểm cực thịnh của nghề đan cót, mỗi ngày thôn Vĩnh Lại sản xuất được hàng nghìn lá cót cung ứng cho nhu cầu sinh hoạt, xây dựng của nhân dân trong và ngoài xã. Bác Nguyễn Thị Nguyệt năm nay đã 62 tuổi, là người đan cót lâu năm trong làng, vừa thoăn thoắt đan cót, vừa kể cho chúng tôi nghe về truyền thống làng nghề. Trước đây, bà con đan cót không kể sớm tối, cứ rảnh rỗi lúc nào là đan lúc đó. Nghề đan cót giống một số nghề thủ công đan lát khác ở chỗ tận dụng được thời gian nhàn rỗi, phù hợp với nhiều đối tượng, độ tuổi lao động. Những hộ dân ngoài làm nông nghiệp là nghề chính thì có thêm nghề phụ đan cót. Bình quân, mỗi ngày, một người đan được 5-7 lá cót; người khéo léo, nhanh tay đan giỏi một ngày có thể đan được chục lá; thu nhập bình quân đạt từ 100-150 nghìn đồng/ngày. Người dân Vĩnh Hào thường đan loại cót có khổ rộng 75cm, dài 3m mỗi lá. Để có được lá cót bền, đẹp, đạt tiêu chuẩn đòi hỏi người làm nghề phải chẻ nan mỏng đều, đẹp, không rách; đan đúng kích thước, không nở, không ngót. Vậy nên có lúc "nghề phụ" mà cho thu nhập chính, vừa có thêm tiền để chi tiêu trang trải đời sống, vừa tránh được sự "nhàn cư vi bất thiện".

Tuy nhiên, việc duy trì nghề đan cót nói riêng, một số nghề truyền thống (mây tre đan, sơn mài) ở Vĩnh Hào nói chung đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do sản phẩm phải cạnh tranh với nhiều loại sản phẩm mới, việc tiêu thụ khó khăn nên giá trị ngày công lao động thấp; nhiều lao động trong độ tuổi buộc phải tìm nghề khác có thu nhập khá hơn, không còn muốn gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, nhóm nghề này ít được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật sản xuất, thông tin thị trường nên không khuyến khích người dân cải tiến, mở rộng và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Mặc dù thị trường đã có nhiều thay đổi, nhu cầu đối với các sản phẩm ở làng nghề của Vĩnh Hào không còn như xưa song nghề vẫn còn phù hợp với một bộ phận người lao động tại chỗ. Trong xu hướng thế giới ngày càng quan tâm đến tiêu dùng thân thiện với môi trường, tăng cường sử dụng các sản phẩm làm từ nguyên liệu tự nhiên và làm thủ công, nghề đan cót truyền thống vẫn có nhiều cơ hội duy trì và có thể cải tiến để phát triển các sản phẩm thủ công mỹ thuật. Trước mắt, các thợ lành nghề vẫn bằng cách "cầm tay chỉ việc" truyền nghề cho lớp trẻ, bởi "ruộng bề bề không bằng nghề trong tay".

 

Trong lễ hội xuân truyền thống của làng Vĩnh Lại luôn có tiết mục thi đan cót thu hút đông đảo người dân, nghệ nhân làng nghề ở các xóm tham gia. Hội thi là dịp để các đội thi thể hiện sự khéo léo, nhanh nhẹn và trình độ tay nghề, cũng như giáo dục truyền thống nghề của cha ông cho lớp trẻ của làng. "Nhờ có sự động viên khích lệ đó mà đến nay nhiều hộ dân trong xã, trong thôn vẫn cố gắng bám nghề, giữ nghề" - ông Vũ Hồng Vạn chia sẻ.

Tại làng nghề đã hình thành những cơ sở làm dịch vụ như cơ sở thu mua cót của anh Nguyễn Thế Luật đảm nhiệm vai trò đầu mối tìm kiếm thị trường tiêu thụ cót thành phẩm cho bà con trong xã. Anh Luật chia sẻ, anh phải vào Thanh Hóa, Nghệ An chọn mua nứa nguyên liệu, đảm bảo vừa già tới, óng ả về ngâm, sơ chế để cung ứng cho từng hộ; rồi thu mua thành phẩm cho các hộ sản xuất với giá thỏa thuận.

Đồng chí Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hào cho biết: “Hiện nay, số lao động trong độ tuổi của địa phương hầu hết đi làm cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Bảo Minh và ở các xã lân cận; số còn lại ngoài độ tuổi lao động hoặc những người không đủ điều kiện tuyển vào doanh nghiệp mới ở nhà đan cót để có thêm thu nhập đảm bảo đời sống. Hiện, toàn xã có gần 70 hộ làm nghề đan cót, với khoảng trên 100 lao động, thu nhập trung bình 100-150 nghìn đồng/người/ngày”. Sản phẩm cót Vĩnh Hào hiện vẫn được thị trường ưa chuộng, được thương lái đến tận nhà đặt hàng và thu mua.

Để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, các hộ làm nghề cần tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại để phát triển thị trường cho sản phẩm làng nghề, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều đối tượng lao động nông thôn, giúp một bộ phận người dân "ly nông bất ly hương", duy trì cuộc sống ổn định. "Nhất nghệ tinh", dẫu chưa phải là nghề cho nông dân địa phương làm giàu song nghề đan cót truyền thống của Vĩnh Hào cũng đã trở thành một phần bản sắc văn hóa của địa phương, với những nét đẹp giá trị về sự cần cù, chăm chỉ "chịu thương, chịu khó" và khéo léo./.

 

Bài và ảnh: Văn Đại

 



Xem thêm bình luận