Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn...
.

Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn...

07:48, 20/03/2023

Cách thành phố Nam Định khoảng 10km, làng rèn Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) là một trong những làng nghề lâu đời nhất nhì miền Bắc với tuổi đời hơn 700 năm. Trải qua bao thăng trầm, làng rèn Vân Chàng vẫn gìn giữ được “lửa nghề” bền bỉ với thương hiệu, uy tín đã được xây dựng và khẳng định qua 7 thế kỷ.

Theo Thần phả đình làng Vân Chàng và thơ ca truyền miệng của người làng thì vào năm Thiệu Phong thứ nhất đời vua Trần Dụ Tông (1344) có sáu ông là: Phạm Nguyệt, Tử Cung, Tử Hầu, Nguyễn Nga, Nguyễn Thận, Đỗ Bào quê ở làng Hoa Chàng (Hà Tĩnh) chuyên gánh lò bễ đi khắp nơi để rèn nông cụ. Một hôm sáu vị đến vùng đất thuộc huyện Tây Chấn, phủ Thiên Trường thấy nơi đây phong thủy hữu tình, đồng ruộng rộng bao la bát ngát mà dân cư thưa thớt nên đã dừng chân ở lại, đem tiền của để chiêu mộ nhân dân dựng làng lập ấp, lấy tên làng cũ của mình mà đặt cho vùng đất mới là làng Hoa Chàng (nay là làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang).

 

Thông thường mỗi phôi có kích thước dài từ 1 mét.

 

Năm Quý Sửu (1373), đời vua Trần Duệ Tông, niên hiệu Long Khánh 2, sau khi truyền dạy nghề cho người dân nơi đây, sáu vị tổ lại trở về quê cũ làng Hoa Chàng (Hà Tĩnh) tiếp tục truyền dạy nghề rèn. Để tri ân công đức của các ông tổ nghề, nhân dân địa phương đã đặt tên làng là Hoa Chàng - quê gốc của các vị Tổ sư (đến thời Nguyễn đổi thành làng Vân Chàng); lập đền thờ tôn làm: Phúc thần - Lục vị Tổ sư - Đương cảnh Thành hoàng và lấy ngày 15 tháng 11 âm lịch hàng năm là ngày sáu vị Tổ sư từ làng Vân Chàng Nam Giang về lại quê Hà Tĩnh làm ngày chính kỵ. Ngoài các đạo sắc phong, tại đình làng Vân Chàng Nam Giang còn lưu giữ nhiều câu đối ca ngợi công lao và sự nghiệp của Lục vị tổ sư. Tiêu biểu nhất là câu đối treo tại gian giữa  tiền đường có nội dung như sau:

“Vạn vật khúc thành thông biến nghi dân chi tổ
Bách  thế bất sĩ khai vật thành vụ chi sư”.

Dịch nghĩa:
Tạo thành vạn vật, thông suốt biến hóa làm tổ của dân

Trăm đời trông cậy, rèn đúc vật dụng, thành thầy dạy nghề.

 

Lò nung liên tục được đảm bảo nhiệt độ hàng nghìn độ có thể nung phôi thép nhanh chỉ trong vòng 5-10 phút.

 

Làng Vân Chàng hiện nay có diện tích tự nhiên 37ha. Trước đây, dân cư phân bố thành 19 dong ngõ thuộc 3 xóm: Đông Thịnh, Hòa Bình, Tây Hòa (nay là 3 tổ dân phố 15, 16, 17 của thị trấn Nam Giang). Làng có 920 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu. Hơn 90% số hộ trong làng theo nghề rèn và hầu hết đã cơ khí hóa, chỉ còn một số hộ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống.

 

Phôi thép được kéo ra và đưa lên các băng chuyển chuyển sang công đoạn cán thành các phôi thép khác nhau phù hợp với từng loại sản phẩm.

 

Theo thống kê toàn thị trấn Nam Giang có hàng trăm công ty, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm về cơ khí, trong đó tập trung chủ yếu ở làng rèn Vân Chàng. Tiêu biểu là các công ty TNHH: chân chống Nam Sao; thang sắt Quốc Khánh và các công ty Thành Lộc, Bình Dương, Minh Quang, Anh Kỳ... Tại làng Vân Chàng đã hình thành cụm công nghiệp quy mô rộng 5,5ha với hơn 70 hộ sản xuất kinh doanh các sản phẩm cơ khí.

 

Sản phẩm của làng nghề Vân Chàng hết sức phong phú, đa dạng. Các sản phẩm đặc trưng của làng nghề từ xa xưa vẫn được duy trì đến nay là các dụng cụ nông nghiệp: cày, bừa, cuốc, xẻng, dao, kéo, đến các vận dụng trong sinh hoạt như: nồi, ấm, chảo, mâm... đến bản lề cửa, ngòi bút máy, phụ tùng xe đạp, xe máy và các loại sắt thép dùng trong xây dựng, các sản phẩm cơ khí phục vụ các ngành giao thông, khai thác khoáng sản, các phụ tùng cơ khí chế tạo.

 

Phôi thép miếng được cán thành các sợi phôi thép qua nhiều lần đảo.

 

Các sản phẩm của làng rèn Vân Chàng đảm bảo chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường trong nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều sản phẩm được công nhận bằng sáng chế bàn tay vàng và sản phẩm đạt thương hiệu quốc tế như chân chống Nam Sao; nhôm Nam Sung, Tung SHIN... Do có nghề thủ công phát triển, hiện tại làng Vân Chàng cũng là một trung tâm thương mại sầm uất trong vùng. Làng có chợ Chùa, có chợ Sắt Vân Chàng bán mua các sản phẩm và nguyên liệu nghề rèn và đặc biệt có chợ Viềng nức tiếng mỗi năm họp một phiên vào ngày mồng 8 tháng Giêng thu hút mọi người dân từ trong và ngoài tỉnh.

 

 

Ở làng rèn Vân Chàng, thường thì mỗi hộ gia đình lại có một xưởng riêng; hiện nay mức độ chuyên môn hóa của từng hộ/ từng xưởng ngày càng cao; mỗi xưởng đảm nhiệm một khâu: có xưởng chuyên cưa sắt, có xưởng chuyên làm phôi, có xưởng lại chuyên làm một bộ phận riêng của sản phẩm, có xưởng chỉ chuyên đóng dập tạo hình sản phẩm. Trước đây nguyên liệu khá hiếm, người dân thường tận dụng từ nhíp xe ô-tô, ray đường sắt phế liệu…, sau này nguồn nguyên liệu dồi dào, phần lớn tôn, thiếc được nhập từ Hà Nội và Thái Nguyên. Nhờ vậy số lượng cũng như chủng loại mặt hàng cũng được nâng lên đáng kể. Mỗi ngày làng rèn Vân Chàng xuất xưởng hàng nghìn con dao, chiếc kéo chất lượng cao. Cả làng không lúc nào ngớt tiếng đe, tiếng búa, tiếng mài dao, tiếng xe chở hàng… Vì thế hàng ngày trong các ngõ xóm của Vân Chàng luôn tất bật xe xích lô, xe tải cỡ nhỏ chở các bộ phận còn lại riêng biệt qua lại giữa các xưởng.

 

Cán kéo được nung, dập khuôn chữ trên thân để tạo thương hiệu.

 

Anh Trần Tiến Duy, chủ cơ sở sản xuất kéo Duy Hương cho biết: “Gia đình chúng tôi đã có 3 đời gắn bó với nghề rèn tại làng Vân Chàng. Từ thuở bé, tiếng đe, búa, tiếng bễ thổi lò rồi cả mùi thép tôi, muội than đã gắn bó với tôi từ bé. Lớn lên nối nghiệp cha ông xưa, tôi lựa chọn nghề sản xuất kéo truyền thống. Đến nay, tôi đã gắn bó với nghề rèn kéo được hơn 23 năm. Để sống và tồn tại được với nghề rèn này, theo tôi, trước hết làm nghề phải có cái tâm. Vì một sản phẩm đóng tên mình vào rồi, coi như bản mệnh mình gắn liền vào đấy!”.

 

Phôi kéo được mài nhắn đánh bóng tạo nên những hoa lửa sáng rực cả xưởng.

 

Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, nghề rèn kéo trải qua nhiều công đoạn làm thủ công. Đầu tiên là cắt phôi thành hình dạng của sản phẩm. Tiếp đó, cho phôi vào lò nung. Tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và sản phẩm tạo ra dày hay mỏng, thời gian nung sẽ khác nhau. Khi phôi thép nung có màu đỏ, người thợ bỏ ra quai búa, còn gọi là đánh nóng. Yêu cầu thao tác quai búa phải nhanh, mạnh, dứt khoát, đòi hỏi rất nhiều sức lực của người thợ. Qua các giai đoạn làm phôi, nung, rèn thì sản phẩm kéo sẽ được mài cho sắc lưỡi. Tiếp đến là giai đoạn “tôi” kéo để tạo độ bền của lưỡi kéo.

 

Đóng gói sản phẩm chân chống xe máy tại Công ty TNHH Nam Sao.

 

Tôi thép là công đoạn khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, thường do các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện. Đối với từng loại thép, người thợ sẽ nhìn ánh thép để biết được độ già hoặc non của thép mà có cách tôi cho phù hợp. Người giỏi nghề phải có tài quan sát, cảm giác tốt và đúc rút được nhiều kinh nghiệm để có thể kiểm soát nhiệt độ, xác định độ “chín” của kim loại và tự tin quyết định chất lượng sản phẩm thật dung hòa, đảm bảo cứng mà không giòn, dẻo mà không mềm. Hiện tại xưởng sản xuất kéo Duy Hương của gia đình anh Duy mỗi ngày cung ứng ra thị trường cả nước hơn 400-500 chiếc với đa dạng chủng loại sản phẩm từ kéo cắt vải, kéo nhà bếp. 2 năm trở lại đây, gia đình anh tiếp tục phát triển thêm các loại kéo không gỉ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

 

Sản phẩm nông cụ truyền thống của làng nghề rèn Vân Chàng được người dân săn đón tại lễ hội chợ Viềng xuân đầu năm.
Sản phẩm nông cụ truyền thống của làng nghề rèn Vân Chàng được người dân săn đón tại lễ hội chợ Viềng xuân đầu năm.

 

Bằng sự năng động, sáng tạo, người dân Vân Chàng vừa gìn giữ được nghề của ông cha, vừa đưa nghề phát triển phục vụ cuộc sống và làm giàu cho quê hương. Dịp đầu năm mới, mỗi xưởng sản xuất lại chọn ngày lành, tháng tốt để giữ gìn tục “khai lò” đầu xuân với mong ước lò rèn luôn đỏ lửa, sản phẩm làm ra ngày càng chất lượng cao hơn, được thị trường đón nhận. Khắc họa về nỗi vất vả của nghề rèn phải nhắc đến bài thơ “Thợ rèn” của nhà thơ Khánh Nguyên: “Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn/ Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi/ Suốt tám giờ chân than mặt bụi”. Dẫu giữa đời sống bộn bề, hiện đại, đối mặt với muôn vàn khó khăn, cạnh trạnh khắc nghiệt của thị trường, người làng nghề rèn Vân Chàng vẫn tự hào lựa chọn và gắn bó, tha thiết với cái nghề đầy lấm lem, cực nhọc này. Bởi mỗi khi hoa lửa lóe lên, họ lại như chìm vào say mê với từng mẻ thép, gửi gắm tài hoa của nghề cha ông qua từng nhát búa với khát khao đem đến cho đời những sản phẩm thương hiệu “Vân Chàng” mà cha ông đã bao đời gây dựng nên./.

 

Bài và ảnh: Đức Toàn
Đồ họa: Trường Vinh

 



Xem thêm bình luận