Rực rỡ làng hoa lụa Báo Đáp
.

Rực rỡ làng hoa lụa Báo Đáp

09:05, 17/03/2023

 

Có dịp về thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) chúng tôi như lạc vào “một vườn hoa khổng lồ”. Bởi vào nhà nào cũng thấy “ngồn ngộn” hoa. Hoa được xếp kín trong nhà, ngoài sân ra tận cổng ngõ. Dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của những thợ nghề lâu năm, từ những cây vải trắng đơn sắc đã “biến hình” thành trăm nghìn loài hoa rực rỡ sắc màu, bắt mắt người nhìn.

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, xóm 5, xã Hồng Quang năm nay hơn 40 tuổi thì đã có gần 30 năm làm hoa. Tiếp nối nghề “gia truyền” như… một lẽ tự nhiên, anh Nghĩa chia sẻ: “Trong làng tôi từ già đến trẻ ai ai cũng có thể tham gia làm hoa. Tôi học nghề từ bé, do đó cũng được chứng kiến nhiều sự thay đổi trong cách làm hoa của bà con dân làng”. Làng Báo Đáp, cũng theo anh Nghĩa, trước kia chuyên về làm hoa giấy. Để làm hoa giấy, các thợ làm hoa của làng tiến hành các công đoạn: cắt giấy tạo hình, nhuộm, dán rồi cuốn (còn gọi là vê) vào thân cây. Khoảng 20 năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, làng Báo Đáp đã chuyển từ làm hoa giấy sang hoa lụa.

Làm hoa lụa đòi hỏi phải thật cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết, công đoạn, để mỗi bông hoa tăng thêm phần sinh động. Để làm được một cành hoa lụa, các thợ nghề phải tiến hành nhiều khâu khác nhau gồm: đục tạo hình sản phẩm theo khuôn, nhuộm màu, hấp ở nhiệt độ cao (khoảng 150 độ C), ép cứng, lắp thành hoa… Trong các công đoạn làm hoa, theo anh Nghĩa, khó nhất chính là nhuộm màu sản phẩm. Từ vải lụa đơn sắc phải nhuộm làm sao để lên màu “như hoa thật”. Do đây là công đoạn khó nên chỉ những thợ nghề có kinh nghiệm lâu năm mới đảm nhận phần việc này.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, làng hoa Báo Đáp không ngừng đổi mới, thay đổi mẫu mã, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho từng khâu sản xuất. Bên cạnh việc duy trì sản xuất những mẫu hoa truyền thống hồng, sen, cúc, đào, mai… các thợ nghề nơi đây còn học hỏi, làm ra nhiều mẫu hoa mới, được khách hàng gần xa yêu thích, đánh giá cao như: phong lan, hoa ly, cẩm tú cầu, cúc họa mi, mẫu đơn, đỗ quyên, hướng dương, phi yến… Với mỗi loài hoa, thợ nghề lại sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, phong phú, đa dạng. Chẳng hạn, riêng hoa hồng cũng có đến… vài chục loại khác nhau: hồng điểm cánh nhọn, hồng trứng, hồng xoăn cúp…; hoa trà có: hồng trà, trà đa vít, trà mây, trà pháp… 

Đẹp về màu sắc, kiểu dáng lại có giá trị sử dụng lâu dài, giá cả phải chăng, hoa lụa Báo Đáp hiện đang được thị trường rất ưa chuộng. Hoa được sản xuất quanh năm, đặc biệt đắt hàng vào dịp tết. Bắt đầu từ tháng Chạp âm lịch hàng năm, làng Báo Đáp tấp nập, nhộn nhịp hẳn lên với những đơn đặt hàng từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… thậm chí xuất đi các nước Lào, Căm-pu-chia. Với giá bán dao động từ 13-45 nghìn đồng/cành hoa tùy loại khác nhau, trung bình mỗi năm, một hộ gia đình ở Báo Đáp có thể xuất bán từ vài chục nghìn đến hàng triệu cành hoa.

 

Hoa bán chạy, người làng nghề có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được cải thiện. Từ nghề làm hoa đã góp phần thay đổi diện mạo của làng quê nghèo trước nay sống chủ yếu dựa vào đồng ruộng. Với các hộ gia đình như anh Nghĩa, hàng tháng, trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Những người làm công được trả từ 200-250 nghìn đồng/người/ngày. Trong làng, những hộ gia đình hàng năm thu nhập vài trăm triệu đồng thậm chí đến tiền tỷ là chuyện không còn hiếm của Báo Đáp.

Bằng óc sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa, những người thợ làng nghề hoa lụa Báo Đáp đã tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ góp phần làm đẹp cho đời, phát triển kinh tế địa phương. Nghề xưa, vì vậy đã và đang được nhiều người trong làng, trong đó có những thợ trẻ tiếp nối, “giữ lửa”. Để mỗi khi về Báo Đáp, khách phương xa lại được dịp trầm trồ, thưởng lãm vẻ đẹp “muôn hồng nghìn tía” của vô vàn loại hoa lụa tuyệt đẹp./.

Bài và ảnh:  Hoa Xuân và Văn Huỳnh 

 



Xem thêm bình luận