Thôn Xuân Dục thuộc xã Xuân Ninh, (Xuân Trường) có nghề dệt chiếu cói truyền thống gần 200 năm. Thôn có 3 xóm với 1.200 hộ, 4.300 nhân khẩu chiếm gần 1/4 dân số toàn xã.
Thủa xưa nghề còn nhỏ lẻ do nguồn cói cung hạn chế. Sau đổi mới cói được nhập về từ các nông trường nội tỉnh, từ miền Tây ra, từ Kim Sơn (Ninh Bình), từ Quảng Xương (Thanh Hóa) về. Đây là cơ hội để làng nghề phát triển. Nghề dệt tạo việc làm cho hàng nghìn lao động già trẻ trong thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định trên vùng đất thuần nông. Theo lời kể của ông Mai Văn Đoan, trưởng thôn: Vào những năm 1985-1989 thôn dệt 250 nghìn lá chiếu cải, màu các loại nhập cho Công ty Ngoại thương Xuân Thủy xuất sang các nước Đông Âu đổi lấy ngoại tệ. Năm 2010 kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, làng dệt lá chiếu rộng 1,5m dài 13,4m phục vụ lễ hội Điện Âu Cơ và Đền Hùng. Chiếu cói Xuân Dục theo các thương lái đi khắp các tỉnh, thành phố, miền xuôi, miền ngược, vào tới cả Thành phố Hồ Chí Minh. |
|
Khi ấy làng có hơn nghìn go dệt thủ công; cung ứng, bao tiêu sản phẩm cho khoảng 500 dàn go dệt ngoài thôn. Trong đó có 10 máy dệt công nghiệp của 2 gia đình ông Nguyễn Văn Tuynh xóm 2 và ông Trần Trọng Giả xóm 1, là làng dệt chiếu lớn nhất trong tỉnh. Với nhiều sản phẩm dệt như chiếu manh, chiếu nôi, chiếu lá đủ kích cỡ. Làng nghề nổi tiếng với sản phẩm chiếu đậu. Đó là những lá chiếu được dệt qua sự chọn lọc kỹ càng từng sợi cói, cùng bàn tay khéo léo của thợ dệt. Chiếu đậu dệt ra có màu trắng xanh, với những sợi cói tròn đều, dài hết khổ ngang manh chiếu. Nhiều cật, ít ruột, sợi dẻo thơm, có độ bền trên dưới 2 năm. Đây là những manh chiếu được chọn dùng cho cưới hỏi, lễ hội, trải sập, tràng kỷ… |
|
Cũng là nguồn mối lái gom đặt để tung ra bán trong dịp Tết đến Xuân về. Sản phẩm chiếu dệt từ cói được người Việt ưa dùng bởi sự thông thoáng, không đọng mồ hôi, êm mịn, an lành cho da con trẻ, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, giá cả hợp lý nên cạnh tranh tốt với hàng chiếu sản xuất từ nhựa, cỏ, tre, trúc. Năm 2012 Xuân Dục được UBND tỉnh công nhận là “Làng nghề dệt chiếu truyền thống”. |
|
Khi các xí nghiệp, công ty tràn về nông thôn thu hút nguồn lao động, lớp thanh niên trẻ được ăn học cũng dồn về thành thị, chỉ còn lại lớp người già cả ở làng, trông nhà, giữ trẻ. Cả thôn chỉ còn gần 150 go dệt thủ công. |
|
Không để mất nghề mà cha ông đã tạo dựng, vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Tuyển - Nguyễn Thị Phượng đã dốc hết công sức duy trì xưởng dệt. Để có đủ cói cho 6 máy dệt của gia đình và hỗ trợ 50 go dệt của bà con trong xóm. Nhận in hoa, may mép chiếu cho bà con, hàng năm anh chị phải nhập về trên 200 tấn cói. Mỗi tháng cơ sở xuất ra thị trường trên 2.000 lá chiếu, tạo việc làm cho 15 lao động tại xưởng có thu nhập ổn định. |
|
Ngày cuối năm, những xe hàng theo thương lái chen chúc vào ra làng. Những lá chiếu lại sáng bừng góc chợ. Chọn đôi manh chiếu trải giường bao giờ cũng là việc đầu tiên của các bà, các mẹ khi ngày xuân cận kề./. Bài và ảnh: Chu Thế Vĩnh |