Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Câu chuyện phấn đấu nỗ lực của đảng viên Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng - người thợ dệt giỏi năm xưa của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định Vũ Thị Bích Liên, nay đã 80 tuổi là một tấm gương như thế. Bà là một điển hình trong phong trào thi đua lao động, sản xuất “Tay thoi, tay súng” những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với cán bộ, công nhân lao động Nhà máy kịp thời dệt những "triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt"; vừa sản xuất, vừa chiến đấu.
Bà đã vinh dự 2 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần thứ nhất là ngày 21-5-1963, khi Bác Hồ thăm Nhà máy Dệt Nam Định. Lần thứ 2 là ngày 22-12-1966 tại Phủ Chủ tịch.
Đã 60 năm qua, đối với bà Liên những hình ảnh và những lời huấn thị của Bác căn dặn cán bộ, công nhân nhà máy luôn khắc ghi sâu đậm. Bà Vũ Thị Bích Liên nhớ lại: "Ngày 21-5-1963, sau khi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh, Hồ Chủ tịch đã đi thăm bếp nấu, nhà ăn tập thể và một số phân xưởng Nhà máy Dệt, thăm khu nhà ở của công nhân, thăm bệnh viện và phòng triển lãm của tỉnh Nam Định. Năm đó, tôi là thợ dệt trẻ, có nhiều thành tích trong sản xuất, được triệu tập vinh dự đón Bác về thăm Nhà máy Dệt. Cán bộ và công nhân rất vui mừng báo cáo với Hồ Chủ tịch kết quả thi đua với Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Từ tháng 1 đến tháng 5-1963, nhà máy đã sản xuất vượt mức kế hoạch 42 vạn thước vải, 120 tấn sợi và 2.000 chiếc chăn... Hồ Chủ tịch khen Nhà máy đã sớm chữa được gần 1.000 máy dệt cũ hồi Pháp thuộc thành máy dệt nửa tự động; với loại máy cũ, mỗi công nhân chỉ đứng được từ 1 đến 2 máy; với loại máy mới sửa chữa lại, mỗi công nhân đứng được từ 4 đến 6 máy".
Bác đã đi thăm nhà ăn tập thể, Nhà trẻ Nhà máy Dệt (nay là Nhà trẻ Hoa Hồng) và khu nhà ở của gia đình công nhân, nay là Khu tập thể 2 tầng số 2, đường Trần Huy Liệu, phường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định). Từng nơi đến, Bác Hồ đã ân cần hỏi han tình hình sinh hoạt, học tập và ăn ở của công nhân. Người nhắc nhở mọi người phải đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất với Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng, đồng thời phải tổ chức cải thiện đời sống cho tốt hơn nữa.
Với bà Vũ Thị Bích Liên, những lời huấn dụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi nói chuyện với trên 5 vạn cán bộ và nhân dân trong tỉnh ngày 22-5-1963 luôn in đậm trong tiềm thức và là “kim chỉ nam” để mỗi cán bộ, đảng viên và bản thân bà học tập, rèn luyện, ra sức thi đua trong lao động, sản xuất những năm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Tại buổi nói chuyện, Hồ Chủ tịch khen ngợi cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đã có nhiều cố gắng, tiến bộ về các mặt trong 2 năm qua. Người nhắc nhở toàn thể đảng viên, nhân dân trong tỉnh phải đoàn kết chặt chẽ, ra sức thi đua thực hiện tốt các nghị quyết của đại hội Đảng bộ tỉnh, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1963.
Bà Vũ Thị Bích Liên- Người đạt danh hiệu Thợ giỏi miền Bắc "Những con thoi nhanh nhất" năm 1971. |
Thực hiện những lời căn dặn và chỉ bảo của Người, trong suốt 60 năm qua, cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực, đoàn kết, thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước, theo đúng niềm mong ước của Bác: Xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu.
Cho chúng tôi xem những tư liệu, hình ảnh Bác Hồ về thăm Nam Định năm 1963 mà bà sưu tầm và cất giữ; những bức ảnh quý bà vinh dự được chụp với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Vũ Thị Bích Liên nhớ lại:
Bà Vũ Thị Bích Liên, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (người đứng thứ 2 từ trái sáng) vinh dự được chụp ảnh với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch tháng 12-1966. |
Thời kỳ đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, thành phố Nam Định là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt. Khắc ghi lời Bác dạy, ngày ấy, cùng với nhân dân địa phương trong tỉnh, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt Nam Định sôi sục khí thế thi đua, đẩy mạnh sản xuất với các phong trào: “Tay búa, tay súng”, “Tay thoi, tay súng” và những khẩu hiệu hành động “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt”…
Với ý chí “địch đến là đánh, địch chạy lại sản xuất”, trong điều kiện gần 80% nhà xưởng, hầm hào; 20% thiết bị máy móc bị phá hủy… trong 168 nghìn ngày công "vừa sản xuất vừa chiến đấu", tổ B2 của bà vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất. Năm 1967, nhà máy đã hoàn thành vượt chỉ tiêu trên 81,5 nghìn mét vải; năm 1968 hoàn thành vượt mức kế hoạch 10,2%. Trong giai đoạn này, hưởng ứng phong trào “Một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt”, nhà máy đã phát động phong trào thi đua, đẩy mạnh sản xuất bất kể ngày, đêm và đã hoàn thành 1,74 triệu mét vải trước thời gian quy định. Trong quá trình vừa sản xuất, vừa chiến đấu, nhà máy đã xuất hiện hàng trăm tổ, đội lao động xung kích; hàng trăm công nhân điển hình được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
Bà Vũ Thị Bích Liên kể chuyện với thầy và trò trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành về kỷ niệm cao đẹp được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch năm 1966
Bà Liên kể, thời ấy, công nhân Nhà máy Dệt không chỉ thi đua sản xuất mà cả bảo vệ sản xuất (bảo vệ máy móc, bảo vệ nguyên vật liệu). Mỗi khi máy bay giặc ném bom, công nhân, tự vệ nhà máy, phân xưởng bất chấp nguy hiểm để cứu nguyên liệu sản xuất là các kho bông, sợi. Có những chị em đồng nghiệp của bà tham gia chiến đấu và đã hy sinh. Đó là những ký ức không thể quên về một thời "gian lao mà anh dũng", mỗi công nhân sống với tinh thần “máy ngừng chạy như tim ngừng đập”, biến những mất mát, đau thương thành động lực, sức mạnh.
Ký ức vinh dự, tự hào nhất đối với bà Liên là lần được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch tháng 12-1966. Bà bồi hồi nhớ lại: Tháng 5-1966, cô thợ trẻ Vũ Thị Bích Liên là thợ dệt giỏi của Nhà máy Dệt Nam Định vinh dự được chọn là thành viên của đoàn Việt Nam sang Triều Tiên để trao đổi kinh nghiệm về nghề dệt. Trong thời gian công tác ở nước bạn, bà đã trực tiếp đứng máy dệt cùng những công nhân người Triều Tiên. Đặc biệt, bà cùng với bà Lý Hoa Xuân - người thợ dệt giỏi nhất Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng đã trao đổi những kinh nghiệm về thao tác của người thợ dệt. Đến cuối năm 1966, đoàn Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng cũng đã cử đoàn đại biểu sang để trao đổi kinh nghiệm với Nhà máy Dệt Nam Định; đồng thời để báo cáo kết quả cuộc giao lưu, học hỏi giữa hai phía với Bác Hồ.
Bà Vũ Thị Bích Liên kể chuyện với thầy và trò trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành về kỷ niệm cao đẹp được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch năm 1966. |
Ngày 22-12-1966, bà Liên cùng đoàn đại biểu Triều Tiên đến Phủ Chủ tịch để báo cáo với Bác. Khi ấy bà rất vinh dự được ngồi đối diện với Bác và được Bác hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, về công việc tại Nhà máy Dệt. Bác đã căn dặn bà cố gắng thi đua với công nhân Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng để có năng suất cao, dệt ra thật nhiều vải để đồng bào sử dụng và phục vụ bộ đội. Rồi khi biết hoàn cảnh, Bác bảo người cảnh vệ lấy gói kẹo để bà mang về làm quà cho con nhỏ. “Lúc cả đoàn ra trước Phủ Chủ tịch để chụp ảnh lưu niệm, thấy tôi đứng tay không, Bác lại nói chú cảnh vệ lấy cho tôi bát hoa hồng, cầm chụp ảnh cho đẹp” - bà Liên tiếp lời.
Đầu năm 1970, Nhà máy Dệt Nam Định tiếp tục phát động thi đua đẩy mạnh sản xuất khi giặc Mỹ leo thang mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 ra miền Bắc. Công nhân các phân xưởng thực hiện khẩu hiệu “ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thao diễn kỹ thuật, bật điển hình, trở thành thợ giỏi”. Qua các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi từ cấp tổ, buồng máy, xưởng và toàn nhà máy, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch 1 triệu mét vải để phục vụ tiền tuyến giành thắng lợi cuối cùng. Thời gian này, bà Liên luôn phấn đấu, tự nguyện “tăng ca, tăng giờ”; nằm trong số ít thợ dệt của nhà máy đảm nhiệm từ 8-12 máy/ca sản xuất; đạt danh hiệu Thợ giỏi miền Bắc năm 1970, 1971 “Những con thoi nhanh nhất”.
Đã quá tuổi “xưa nay hiếm”, niềm vui hiện rõ trong đôi mắt làm bừng sáng gương mặt khi bà Liên nhớ lại và mô tả về công việc của một người thợ dệt ngày ấy: “Chân phải thoăn thoắt bước giữa dàn máy, mỗi buổi làm việc đi bộ hơn 20km. Mắt và tay phải thật nhanh để phát hiện máy lỗi và nối sợi siêu tốc. Chậm một tí là hỏng ngay.”
“Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chồng đi chiến đấu, tôi vừa đi làm, vừa chăm sóc mẹ già, con thơ, vậy nhưng không dám xin nghỉ buổi nào. Đất nước có chiến tranh, những người thợ như chúng tôi nguyện một lòng ra sức thi đua làm theo lời Bác dạy, làm việc bằng 2 bằng 3 với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”…” - Bà Vũ Thị Bích Liên kể.
Bài: Việt Thắng
Ảnh: Việt Thắng và Tư liệu
Đồ họa: Trường Vinh