Sau 3 năm (từ năm 2020 đến năm 2022) không tổ chức để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão năm 2023 được tổ chức trở lại đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của các tầng lớp nhân dân.
Lễ Khai ấn đầu xuân là một phong tục có từ lâu đời, thể hiện lòng tri ân của nhân dân đối với các vị vua Trần bằng nghi thức mô phỏng nghi lễ triều chính-ban dấu Ấn tín. Từ năm 2014, thực hiện Đề án đổi mới công tác tổ chức Lễ hội Trần, theo chỉ đạo của Bộ VH, TT và DL và UBND tỉnh, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan tỉnh Nam Định triển khai nghiên cứu, khôi phục một số nghi thức truyền thống trong Lễ Khai ấn đầu xuân. Theo đó, Lễ hội Khai ấn Đền Trần có 3 nghi lễ chính, gồm: Lễ rước kiệu Ngọc Lộ, Lễ rước nước, tế cá và Nghi lễ Khai ấn.
Mở đầu cho Lễ hội Khai ấn là Lễ rước kiệu Ngọc Lộ tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng (rước chân nhang của Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Tháp sang đền Thiên Trường) thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân đối với các vị vua đời Trần và các vị tướng tài ba, anh hùng dân tộc của triều đại đã có công với dân, với nước, khơi dậy niềm tự hào về hào khí Đông A của quân dân Đại Việt trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII.
Nghi thức (lễ) rước Nước, tế Cá tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng là nghi lễ quan trọng mang nhiều ý nghĩa nhân văn và lịch sử; tái hiện các nghi lễ truyền thống được thực hiện từ xa xưa gắn với truyền thống xuất thân nghề sông nước, chài lưới của nhà Trần, nhằm tri ân công lao đối với triều đại nhà Trần, tôn vinh nền văn minh lúa nước và cư dân làng chài; là nghi lễ đầu năm mới cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Chính lễ Khai ấn Đền Trần diễn ra đêm 14 (giờ Tý), rạng sáng 15 tháng Giêng diễn ra nghi lễ rước kiệu Ấn từ đền Cố Trạch thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo sang đền Thiên Trường thờ 14 vị Hoàng đế thời Trần và trang trọng tổ chức nghi lễ Khai ấn.
Về dự Lễ hội Khai ấn Đền Trần, các du khách còn được tìm hiểu về lịch sử truyền thống Vương triều Trần, đặc biệt là Hành cung Thiên Trường với các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa, nơi có vị thế và được coi như kinh đô thứ hai của quốc gia Đại Việt sau kinh thành Thăng Long vào thế kỷ XIII-XIV; tìm hiểu về các nghi lễ biểu hiện cách trị quốc an dân, những định hướng tư tưởng chính trị, quân sự, các chính sách quan trọng về đào tạo, trọng dụng nhân tài, chính sách trọng nông, khai hoang lấn biển của nhà Trần./.
Việt Thắng