Khắc phục tình trạng thiếu nhân viên y tế trường học

08:11, 12/12/2022

Công tác y tế trường học có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này điều tiên quyết là phải có đội ngũ nhân viên y tế trường học cùng với cơ sở vật chất y tế tại các nhà trường.

Hoạt động ngoài trời của các cháu Trường Mầm non xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng).
Bài và ảnh: Minh Thuận
Hoạt động ngoài trời của các cháu Trường Mầm non xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng). 

Nhân viên y tế trường học có nhiệm vụ theo dõi sức khỏe học sinh hàng ngày, kiểm tra vệ sinh an toàn trường học, kiểm tra, lưu mẫu thực phẩm, vào sổ sách nếu trường có tổ chức ăn bán trú; khám sức khỏe định kỳ cho học sinh như: cân, đo chiều cao, thị lực, sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh nếu bị tai nạn thương tích, bị cảm sốt, đau đầu, đau bụng... Ngoài ra còn tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh; phòng chống ngộ độc thực phẩm; cung cấp kiến thức về dinh dưỡng hợp lý; xây dựng kế hoạch vệ sinh trường lớp, triển khai công tác phòng chống khi trong trường học có dịch bệnh... Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác y tế trường học, Ban Chỉ đạo y tế trường học từ tỉnh đến các huyện, thành phố hàng năm được kiện toàn tổ chức, nhân sự; xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai thực hiện. Các huyện, thành phố đã từng bước bố trí cán bộ thực hiện công tác y tế trường học. 

Toàn tỉnh hiện có 530/739 trường học có nhân viên y tế; trong đó, 79/230 (34,3%) trường mầm non; 226/226 trường tiểu học; 212/226 trường THCS; 57/57 trường THPT. Tại các trường có nhân viên y tế trường học đều có bố trí phòng y tế với các trang thiết bị, thuốc, tài liệu truyền thông theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn tỷ lệ lớn, 151/230 trường mầm non chưa có nhân viên y tế; các trường mầm non đã có nhân viên y tế thì cũng không phải là nhân viên y tế chuyên trách, mà do biệt phái hoặc kiêm nhiệm; trong khi đây là nơi nuôi dạy chăm sóc trẻ lứa tuổi còn nhỏ, giai đoạn quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển, có ảnh hưởng lớn đến thể trạng sức khỏe, trí tuệ khi trưởng thành, nên rất cần được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu. 

Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT của liên Bộ Y tế, GD và ĐT nêu rõ: “Đối với các cơ sở giáo dục mầm non cần có các trang bị, dụng cụ chuyên môn và thuốc thiết yếu phù hợp với lứa tuổi”. Tuy nhiên, kinh phí cho công tác y tế trường học còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào quỹ khám, chữa bệnh BHYT được trích lại nhà trường nên cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác y tế trường học ở khối mầm non còn thiếu. Để giải quyết vấn đề này, ngành GD và ĐT tỉnh đã phối hợp với các địa phương căn cứ thực tế tại các địa bàn để phân bổ, sử dụng nhân lực y tế trường học sao cho hợp lý. Chẳng hạn, nếu địa phương nào có trường mầm non, tiểu học hoặc THCS gần nhau sẽ bố trí một nhân viên chuyên trách đảm nhiệm công tác y tế cho cả 2-3 trường. Có địa phương thiếu nhân viên y tế thì kiến nghị chính quyền địa phương tăng cường nhân viên của trạm y tế sang hỗ trợ nhà trường theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT: “Căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương, các trường học bố trí nhân viên y tế trường học đáp ứng quy định (nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên) hoặc ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe học sinh”. Có nơi thì vận dụng linh hoạt: Sau khi sáp nhập các trường tiểu học, THCS trên cùng địa bàn 1 xã, thị trấn, nhân viên y tế dư ra từ các trường đã sáp nhập sẽ được “biệt phái” sang công tác tại các đơn vị còn thiếu. 

Năm học 2022-2023, huyện Nghĩa Hưng có 24 trường mầm non, 24 trường tiểu học, 25 trường THCS. Các trường mầm non của huyện chưa có nhân viên y tế, 22/24 trường tiểu học có nhân viên y tế; 22/25 trường THCS có nhân viên y tế. Để khắc phục tình trạng thiếu nhân viên y tế, Phòng GD và ĐT huyện phân công nhân viên y tế các trường lân cận xuống hỗ trợ các trường mầm non 2 buổi/tuần. Tại huyện Vụ Bản, 18 trường mầm non chưa có nhân viên y tế, 18 trường tiểu học và 19 trường THCS đã có đủ nhân viên y tế. Phòng GD và ĐT đã cử nhân viên y tế dôi dư của các trường tiểu học đã sáp nhập đến đơn vị thiếu. Cụ thể: biệt phái nhân viên y tế của Trường Tiểu học xã Đại Thắng xuống Trường Mầm non xã Vĩnh Hào; biệt phái nhân viên y tế của Trường Tiểu học Lương Thế Vinh xuống Trường Mầm non xã Liên Bảo. Tuy nhiên, theo quy định thì người được biệt phái sẽ chỉ công tác từ 12 tháng đến không quá 36 tháng. Do vậy, về lâu dài, các trường vẫn rất cần và có nguyện vọng xin biên chế nhân viên y tế. Mặt khác, nhiều trạm y tế địa phương lực lượng cũng mỏng nên công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh còn mang tính hình thức...

Cùng với việc thiếu nhân viên y tế trường học, theo khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT nêu rõ: “Nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Nhân viên y tế trường học phải được thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn y tế thông qua các hình thức hội thảo, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn do ngành Y tế, ngành Giáo dục tổ chức để triển khai được các nhiệm vụ quy định”. Tuy nhiên, thực tế nhiều nhân viên y tế trường học chưa đáp ứng chuẩn trình độ nghiệp vụ theo quy định tại Thông tư 13. Nhân viên y tế nhiều trường học cũng chưa được thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn.  

Việc quan tâm y tế trường học là hết sức cần thiết nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, nhất là trong tình hình hiện nay, khi các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong bữa ăn bán trú luôn hiện hữu, đe dọa an toàn sức khỏe cho học sinh. Ngoài ra học sinh hầu hết đều ở lứa tuổi đang phát triển thể chất và tinh thần, rất cần tư vấn, hỗ trợ y tế để các em có kiến thức, kỹ năng chăm sóc tốt hơn cho bản thân. Do vậy, để giải quyết việc thiếu nhân lực y tế học đường, về lâu dài vẫn cần phải có chính sách tuyển nhân viên y tế đủ cho các trường, nhất là các trường mầm non.

Theo Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 17-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021-2025 mục tiêu phấn đấu là 100% cơ sở giáo dục có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế ở địa phương; 95% cơ sở giáo dục được bảo đảm điều kiện làm việc tối thiểu cho công tác y tế trường học. Song hiện nay một số địa phương, trường học chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trên, trước hết cần tổ chức tập huấn, cung cấp kiến thức chuyên môn về y tế trường học cho đội ngũ nhân viên y tế trường học hiện có, hỗ trợ trang thiết bị y tế cho hoạt động y tế trường học. Về lâu dài có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Sở Y tế và Sở GD và ĐT trong chăm sóc sức khoẻ cho học sinh. Các nhà trường phối hợp tốt với các đơn vị y tế trên địa bàn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu học sinh. Bộ GD và ĐT và UBND tỉnh bổ sung vào định mức danh mục vị trí việc làm đối với nhân viên y tế, có chỉ tiêu biên chế cho nhân viên y tế trường học để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh và thực hiện các nội dung y tế học đường quy định tại Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT. Qua đó, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com