Trong 12 con giáp, con rồng (thìn) là chi thứ 5 và đứng đầu trong tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng). Rồng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử người dân Việt Nam với truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên”. Bởi vậy, rồng được sáng tạo ở đa dạng các loại hình nghệ thuật. Ở tỉnh ta, nhiều nghệ nhân với tâm huyết, tài năng và trí tuệ đã chế tác những linh vật rồng mang đậm hồn cốt dân tộc.
Ở xã Thành Lợi (Vụ Bản), nghề chế tác rồng mây được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ông Vũ Duy Vừng (72 tuổi) là người có kinh nghiệm làm rồng mây hàng chục năm cho biết: Quy trình làm rồng mây đòi hỏi sự công phu, khéo léo của nghệ nhân từ khâu chọn nguyên liệu đến khi hoàn thành. Nguyên liệu chính để chế tạo rồng là cây mây; phải chọn những cây có thân óng ả, lá to, xanh, dễ uốn cong để tạo dáng rồng. Đến khâu tạo hình, các nghệ nhân sẽ làm theo quy trình làm thân và đuôi trước, sau cùng mới làm đầu rồng. Thân rồng được bện chặt bằng dây thừng và cây mây, mỗi cây mây dài từ 60-70cm được nối liền mạch. Để tạo vảy cho thân rồng, nghệ nhân kết lá mây vào nhau tạo thành thân dày từ 10-15cm. Thân rồng sau khi hoàn thiện thường dài từ 9-11 khúc, tương đương hơn 30m. Sau khi xong phần thân, các nghệ nhân tiếp tục công việc chọn nguyên liệu để làm đuôi rồng. “Cốt” của đuôi rồng được làm từ 1 tàu dừa bánh tẻ để đảm bảo độ dẻo dai, chắc chắn. Các lá của tàu dừa được bện vào nhau theo kiểu đan lóng, càng đan xuống dưới càng nhỏ dần đến khi hết lá. Đầu rồng đòi hỏi độ kỳ công và tinh xảo cao nên rất “kén” người làm. Hiện nay, trên địa bàn xã chỉ còn 5 nghệ nhân làm đầu rồng gồm các ông: Phan Văn Thanh, Phan Văn Năng, Phan Văn Tác, Vũ Duy Vừng, Vũ Văn Hiền. Ông Vũ Văn Hiền cho biết: Làm đầu rồng đòi hỏi phải có kiến thức về tạo hình, kỹ năng đan lát, trang trí… các chi tiết thể hiện thần thái rồng được làm tỉ mẩn như: mũi dùng tàu dừa nhỏ để tạo hình, sừng rồng bằng thân và lá mây đan, cằm rồng được gắn lò xo để đàn hồi lên xuống, mắt rồng là 2 chiếc đèn pin sáng quắc… Rồng mây xã Thành Lợi có những đặc trưng mà các con rồng làm bằng chất liệu khác không có được; khi múa, các vảy lá của rồng mây óng ánh, mượt mà tạo cảm giác rồng đang bay trên không trung. Hàng năm, vào dịp xuân, đội múa rồng xã Thành Lợi lại tất bật chuẩn bị chế tác rồng mây để biểu diễn tại địa phương và lễ hội ở các xã lân cận. Đây là dịp để các nghệ nhân cao tuổi trực tiếp truyền thụ kinh nghiệm, kỹ năng làm rồng truyền thống cho thế hệ trẻ.
Biểu diễn rồng mây trong lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản). |
Ở làng Rạch, xã Hồng Quang (Nam Trực), anh Phan Văn Triển (45 tuổi) là người có tiếng trong chế tác các con trò rối nước. Anh Triển cho biết: Trong số các con trò rối nước, chế tác con rối rồng đòi hỏi sự kỳ công của người thợ hơn cả. Để có một con rối rồng hoàn chỉnh phải qua những công đoạn khắt khe. Đầu tiên, người thợ phải vẽ phác thảo. Nguyên liệu làm rồng là gỗ sung từ 10 năm tuổi trở lên đạt tiêu chí dai, bền khi ngâm trong nước. Sau đó, gỗ được đục tạo tác theo kích cỡ, hình dáng con rối như bản vẽ. Điểm đặc biệt khi chế tác rồng múa rối là gỗ được chia từ 7 đến 9 khúc. Mỗi khúc dài 12cm, sau đó lắp xích mềm để khớp các khúc gỗ. Ở công đoạn sơn, anh Triển sử dụng phương pháp sơn mài với 6-7 lớp sơn chồng nhau. Khi sơn đã khô, con rối được thếp bạc, vàng, trang trí và thêm các họa tiết. Con rối rồng được chia làm 2 loại: rồng phun nước và rồng phun lửa. Bí quyết gia truyền của anh Triển trong chế tác 2 loại rồng trên nằm ở bộ phận “máy” phun nước, lửa. Con rối rồng phun nước, lửa do anh Triển chế tác có lực phun ổn định và thời gian lâu hơn các con rối khác trên thị trường. Nhờ chủ động khâu chế tác con trò nên nghệ thuật múa rối ở làng Rạch phát triển mạnh mẽ với nhiều tích trò. Trong đó, tích trò “tứ linh”, “múa rồng”… là những tiết mục đinh của phường múa rối.
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Văn Đức (68 tuổi) làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) đã có gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề điêu khắc gỗ. Một trong những đề tài ông luôn đau đáu trong các sáng tác là hình tượng rồng trong các mảng chạm trổ. NNƯT Nguyễn Văn Đức cho biết: “Trong điêu khắc thời Lý, rồng có thân hình con rắn, với những đường nét đặc sắc mình trơn dài, không có sừng và tai… Sang thời Trần, “Hào khí Đông A” khí phách oai phong lẫy lừng đã ảnh hưởng tới văn học nghệ thuật nên hình tượng rồng thời Trần mang dáng chắc khỏe và hiện thực hơn. Rồng thời Lê sơ có dáng dữ tợn, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, lưng có nhiều vẩy nổi cao và sắc tượng trưng cho uy quyền của giai cấp phong kiến thống trị…”. Khi nắm vững đặc điểm của rồng ở từng thời kỳ, nghệ nhân mới chế tác chính xác ở từng tiểu tiết.
Một trong những công trình mang dấu ấn của NNƯT Nguyễn Văn Đức đó là các mảng họa tiết bức cửa, hoành phi, câu đối ở Đình Kiên Hành, xã Giao Hải (Giao Thủy). Bức cửa ở tiền tế ngôi đình được đục đề tài tứ linh, trong đó hình tượng cửu long tranh châu được chạm khắc kỳ công. Hiện nay, nghệ nhân đang hoàn thiện kiệu thất cống đình làng La Xuyên. Sản phẩm là bản mô phỏng theo nguyên mẫu kiệu cổ hiện đang lưu giữ tại đình. Đặc điểm kiệu có 7 thanh đòn, mỗi thanh là một con rồng được đục chạm tinh xảo theo phong cách rồng thời Nguyễn. Kiệu được nghệ nhân chế tác bằng phương pháp thủ công và thời gian lên đến 3 tháng để hoàn thành.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Đức, làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) chế tác hình tượng rồng kiệu thất cống. |
Ông Nguyễn Văn Đính (61 tuổi) ở xã Hải Minh (Hải Hậu) là người Công giáo nhưng lại có duyên nghiệp với chế tác đồ thờ, phục dựng những đình, chùa theo lối cổ truyền. Sinh ra trong gia đình có 4 đời sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, từ nhỏ ông đã làm quen với bút vẽ, cây đục. Thuở đó, nhìn những bức phù điêu rồng, phượng ở các mảng chạm trổ, cậu bé Đính không rời mắt và tốn nhiều giấy, bút phác họa lại. Có lẽ, đó cũng là duyên nảy mầm để đến nay, các công trình mà ông Đính nhận làm đều có nhiều cấu kiện, chi tiết gắn với linh vật rồng. Năm 2020, các công trình tâm linh lớn trên các đảo Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A… đều do ông Đính cùng hiệp thợ trực tiếp thi công. Cùng với công trình tâm linh trên đảo, ông Đính cũng là tác giả thi công nội thất cho nhiều ngôi chùa nổi tiếng miền Bắc như: Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Tam Chúc (Hà Nam). Trong đó, mỗi cửa võng ở 2 chùa với đường kính từ 100-500m2 do cơ sở của ông Đính thi công với đề tài tứ linh, hình tượng rồng ẩn trong mây, cá chép hóa rồng… mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn hiện lên sống động, có hồn.
Ông Nguyễn Văn Đính (61 tuổi), xã Hải Minh (Hải Hậu) hướng dẫn thợ làm các đục chạm các chi tiết rồng. |
Hình tượng rồng xuất hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Qua bàn tay, khối óc của các nghệ nhân, hình tượng rồng được sáng tạo ở nhiều loại hình, chất liệu khác nhau nhưng tựu chung đều góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhắc nhở thế hệ trẻ tích cực học tập, lao động xứng với nguồn cội Lạc Hồng - con Rồng, cháu Tiên./.
Bài và ảnh: Viết Dư