Trong 12 con giáp, rồng là con vật huyền thoại nhưng lại vô cùng gần gũi, gắn bó với đời sống, tình cảm, tâm hồn con người Việt Nam. Mỗi người dân đất Việt luôn tự hào về dòng giống “con Rồng, cháu Tiên” qua truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ. Hình tượng rồng đã đi vào nghệ thuật, đời sống văn hóa tinh thần và trong cả cuộc sống đời thường của nhân dân, luôn nhắc nhở mỗi người về truyền thống, cội nguồn dân tộc.
Trong tứ linh: Long, Lân, Quy, Phượng thì Long - rồng là con vật đứng đầu tiên. Rồng còn là biểu tượng tâm hồn, tình cảm, sức mạnh, sự phồn vinh của dân tộc, cộng đồng, xã hội, con người. Vì vậy, ở hầu hết các di tích, công trình kiến trúc thường có hình ảnh con rồng với những mô típ chạm khắc quen thuộc như: rồng chầu mặt nguyệt, lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều dương, trúc hóa long… Ngay từ thời Lý, Trần, rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng nhất trong các công trình nghệ thuật. Không chỉ xuất hiện trong các kiến trúc cung đình, tượng trưng cho uy quyền của vương triều, hình tượng rồng còn có mặt trong nhiều kiến trúc dân dã như đền, chùa.
Vùng đất Tức Mặc (thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định ngày nay) tự hào là quê hương, nơi phát tích của vương triều Trần, theo thuyết phong thuỷ xưa có thế “ngoạ long” (rồng nằm) là thế đất đẹp, phát về đường đế vương, khanh tướng. Trong suốt 175 năm trị vì (1225-1400), nhà Trần đã xây dựng Đại Việt thành một quốc gia cường thịnh với những đỉnh cao về võ công, văn trị, tạo nên một nền văn hóa, văn minh rực rỡ với hào khí Đông A tỏa sáng. Thông qua những cuộc khai quật khảo cổ học, diện mạo hành cung Thiên Trường xưa đã xuất lộ với hàng vạn di vật có niên đại và tầng văn hoá kéo dài từ thế kỷ XIII đến XIV, phản ánh lịch sử văn hoá phồn thịnh của đất thành đô, trong đó có nhiều vật liệu kiến trúc trang trí đầu rồng bằng đất nung. Nằm trong Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, Chùa Phổ Minh được du khách thập phương biết đến bởi cảnh quan đẹp, có ngọn tháp 14 tầng được xây dựng từ năm 1308 và bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ đã được công nhận Bảo vật quốc gia.
Độc đáo nhất là bộ cánh cửa Chùa Phổ Minh (bộ cánh cửa gốc) gồm có bốn cánh, hai cánh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, hai cánh còn lại được Bảo tàng Lịch sử quốc gia sưu tầm và đưa về lưu giữ từ năm 1961. Hai cánh cửa nằm ở gian giữa của tiền đường được tạo bằng 2 tấm gỗ lim lớn, to dày, nguyên khối, gồm 2 cách trang trí đối xứng. Ô trên được chạm trang trí 4 con rồng chia làm 2 cặp đối xứng nhau, 2 cặp rồng lớn trong ô lá đề và 2 cặp rồng nhỏ. Các con rồng trang trí trên cánh cửa Chùa Phổ Minh đều có đặc điểm đầu ngẩng cao, thân uốn khúc, đuôi chụm về phía đỉnh lá đề. Thân rồng hình tròn, thon, không có vảy, mào lửa dài. Hai rồng lớn thắt túi, miệng há, bờm và râu bay lên tạo mây lửa, thân rồng mập tròn cuốn thành khúc nhỏ dần về đuôi. Cả 2 rồng trong tư thế cuộn trong hình lá đề, xung quanh chấm mây lửa, giữa là bông sen nở. Hiện nay, bộ cửa gian giữa tiền đường của Chùa Tháp Phổ Minh là bộ cửa phiên bản được dựng theo tỉ lệ 1:1 so với bản gốc, gồm 4 cánh làm bằng gỗ lim, có chạm rồng, sóng nước, hoa văn... Hai cánh cửa ở giữa chạm đôi rồng lớn chầu mặt trời, khi đóng cửa lại thì 2 con rồng tạo thành hình lá đề là biểu tượng của Phật giáo.
Xã Yên Lợi (Ý Yên) là vùng quê giàu di sản văn hóa, có quần thể di tích Đình - Chùa Ngô Xá, Chùa Nề và phế tích Bảo tháp Chương Sơn được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2012. Dưới thời Vua Lý Nhân Tông, trên đỉnh núi Ngô Xá có một toà bảo tháp tên là Vạn Phong Thành Thiện, dân gian vẫn gọi là Tháp Chương Sơn. Sách “Việt sử thông giám cương mục” ghi một loạt sự kiện xảy ra quanh núi Chương Sơn: Vua ngự chơi Chương Sơn năm 1106; ba lần rồng vàng hiện lên ở đây vào những năm 1107, 1114, 1117. Điều đó cho thấy đây là vùng đất thiêng và các vua nhà Lý thường lui tới. Yên Lợi cũng là xã duy nhất trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận có 2 bảo vật quốc gia gồm Tượng Phật A Di Đà (niên đại thời Lý, hiện lưu giữ tại Chùa Ngô Xá), Lan can thành bậc (niên đại đầu thế kỷ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định). Trong đó, tượng Phật A Di Đà được tạc từ chất liệu đá xanh, bao gồm phần bệ và thân tượng. Bệ đá kết cấu 4 phần được khớp nối với nhau bằng mộng và ngõng. Trên cùng là tòa sen mãn khai tỏa tròn 2 lớp cánh chính, họa tiết trên mỗi cánh sen được chạm khắc vô cùng tinh xảo với những đôi rồng chầu vào lá đề. Đế sen đặt trên một thớt tròn tạc đôi rồng uốn lượn. Phía dưới thớt là bệ đá bát giác giật cấp 3 tầng, được trang trí phủ kín bề mặt là những hình rồng vờn đuổi nhau trong dày đặc mây lửa.
Bên cạnh hình tượng rồng xuất hiện trong các kiến trúc, các mảng chạm khắc, trong các lễ hội văn hóa dân gian, những sự kiện quan trọng cũng có tiết mục múa rồng. Tiêu biểu như lễ hội Thái bình xướng ca thôn Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) đặc biệt hấp dẫn du khách gần xa với màn biểu diễn múa song long gồm rồng xanh và rồng vàng. Người dân Quả Linh tin rằng đó là biểu tượng cho tình đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới. Bởi rồng vàng hay màu vàng là biểu tượng của sự thịnh vượng, của người lãnh đạo sáng suốt, màu xanh là biểu trưng cho ước vọng hòa bình của người dân. Vì thế, khi hai con rồng song hành cùng nhau, uốn lượn bên nhau chính là biểu trưng cho tình đoàn kết dân tộc. Ngoài ra, với nhiều nghi lễ, trò chơi và hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc mang đậm dấu ấn lịch sử thời Trần, lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Không chỉ có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc, ngày nay, hình tượng con rồng vẫn được đưa vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Rồng xuất hiện trong các tác phẩm cây cảnh, đồ gỗ, gốm sứ, sơn mài, đồ đồng mỹ nghệ, áo dài truyền thống, trong các công trình phục dựng nhà cổ... Người dân các làng nghề nổi tiếng của Nam Định như làng hoa cây cảnh Điền Xá (Nam Trực), làng nghề sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá, đồ gỗ La Xuyên (Ý Yên) với sự tài hoa, đôi tay khéo léo đã kỳ công sáng tạo nhiều tác phẩm có hình tượng rồng. Với biểu trưng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, hình tượng rồng sẽ mãi là cảm hứng nghệ thuật trong kiến trúc, điêu khắc, hội họa, mỹ nghệ, hiện hữu trong đời sống hôm nay và mai sau./.
Bài và ảnh: Lam Hồng