Hà Nội: Phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp

07:45, 22/03/2023

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp đến các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở TN và MT phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố theo quy định.

Thông báo, phổ biến nội dung Quyết định này đến UBND các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố và các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thuộc danh mục hồ, ao đầm không được san lấp trên địa bàn để biết và triển khai thực hiện. Các đơn vị kiểm tra, rà soát, đối chiếu danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp với quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt để tổng hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo thống nhất; kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm, sử dụng không đúng mục đích. UBND thành phố Hà Nội đề nghị cộng đồng dân cư không được tự ý san lấp, lấn chiếm trái phép hồ, ao, đầm và cần sử dụng đúng mục đích.

Quảng Ninh: Lên kế hoạch vận chuyển đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng

Việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng ở các dự án hạ tầng đô thị là một chủ trương lớn của tỉnh Quảng Ninh bắt đầu được thực hiện từ cuối năm 2022.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, để triển khai nhanh việc sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) căn cứ vào vị trí, địa điểm đã được quy hoạch chủ động phối hợp với các sở, ngành, nhà đầu tư có nhu cầu khai thác đất đá thải mỏ, lập hồ sơ báo cáo xin cấp phép Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, trung bình mỗi năm lượng đất đá bóc xúc, đổ thải của các đơn vị ngành than đạt trên 150 triệu m3, trên tổng diện tích bãi thải khoảng 4.000ha. Đến thời điểm này, phần lớn các bãi thải đạt cốt cao 200-300m, trữ lượng huy động khoảng 1,2 tỷ m3. Việc phát sinh khối lượng đất đá thải lớn hàng năm dẫn đến áp lực về diện tích đổ thải, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão. Trong khi đó, trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh cần khoảng 130 triệu m3 đất đá làm vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vật liệu san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh đăng ký khoảng hơn 1 tỷ m3. Thực tế hiện nay, nhiều dự án, công trình trọng điểm triển khai trên địa bàn tỉnh đang thiếu nguồn vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com