5 bí quyết hạn chế tóc bết khi đội mũ bảo hiểm

09:07, 07/04/2023

Tóc bết dầu sau khi đội mũ bảo hiểm không còn là một vấn đề của riêng ai. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

1. Nguyên nhân khiến tóc bị bết khi đội mũ bảo hiểm

‏Các loại mũ bảo hiểm sử dụng chất liệu lót không đảm bảo chất lượng, không thoáng khí, thấm hút kém… là nguyên nhân khiến da đầu bị bí bách, tiết nhiều dầu nhờn và mồ hôi. Ngoài ra, các thiết kế mũ bảo hiểm trùm kín mặt, mũ mô-đun… có lực tác động lớn cũng dễ khiến tóc bết sau khi tháo mũ.‏

‏Bên cạnh đó, sử dụng loại gel vuốt tóc không phù hợp trước khi đội mũ bảo hiểm cũng dễ làm tóc bị bết, xẹp, không còn độ bồng bềnh.

Đầu tư các sản phẩm chăm sóc tóc chất lượng ngăn ngừa tình trạng bết dầu.
Đầu tư các sản phẩm chăm sóc tóc chất lượng ngăn ngừa tình trạng bết dầu.

2. Cần làm gì để hạn chế tóc bết khi đội mũ bảo hiểm?

2.1. Dùng các sản phẩm chăm sóc tóc có chất lượng

‏Sử dụng các loại dầu gội, dưỡng tóc có hàm lượng dưỡng chất vừa đủ để tạo độ ẩm cho tóc và ngăn ngừa tình trạng bết dầu. Bạn nên tìm đến các sản phẩm chuyên dụng dành cho tóc dầu hoặc các sản phẩm có chứa các thành phần lành tính có chiết xuất từ thiên nhiên. ‏

‏Bên cạnh đó, thói quen gội đầu, chăm sóc tóc cũng đóng vai trò quan trọng nếu muốn sở hữu mái tóc đẹp, bồng bềnh. Nếu đang sở hữu một mái tóc bóng dầu, hãy thử điều chỉnh số lần gội và khoảng thời gian cách nhau giữa các lần gội của bạn. ‏

‏Theo Viện Da liễu Hoa Kỳ, bạn có thể gội đầu nhiều hơn để loại bỏ dầu thừa khỏi mái tóc, có thể là 1 lần/ngày, nếu cần thiết. Nên gội đầu bằng nước mát, tạo bọt cho dầu gội trước khi sử dụng, đồng thời hạn chế dùng móng tay tạo ma sát quá mạnh để bảo vệ da đầu khỏi kích ứng.

2.2. Ưu tiên chọn mũ bảo hiểm phù hợp

‏Người dùng có thể lựa chọn mũ bảo hiểm nửa đầu hoặc mũ che 3/4 đầu. Đây là những dáng mũ được thiết kế gọn nhẹ, che nửa phần trán và đảm bảo sự thông thoáng, hạn chế tiết mồ hôi giúp tóc mái không bị xẹp hoặc bết dầu sau khi sử dụng. ‏

2.3. Vệ sinh mũ bảo hiểm thường xuyên

‏Vệ sinh mũ bảo hiểm thường xuyên hơn để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn, tránh tình trạng tóc bết và các bệnh như nấm, mốc hay mùi khó chịu. Đặc biệt, trong thời tiết nồm ẩm, mưa phùn trong mùa đông xuân, mũ bảo hiểm dễ bị ẩm, nếu sử dụng ngay mà không hong khô sẽ khiến tóc ẩm theo, đồng thời tóc mái rất nhanh bết. ‏

‏Do đó, cần giữ mũ bảo hiểm luôn khô ráo và không nên đội mũ bảo hiểm khi tóc còn ướt. Thói quen này cũng khiến mái tóc của bạn bị ẩm và bết lại, khó vào nếp sau khi tháo mũ. ‏

2.4. Chuẩn bị dầu gội khô hoặc phấn rôm

Dầu gội khô, phấn rôm… sẽ mang lại hiệu quả tức thời trong việc khắc phục tình trạng tóc bết. Bạn có thể mang theo những sản phẩm này trong túi xách để loại bỏ dầu nhờn nhanh chóng khi cần thiết. ‏

‏‏Dầu gội khô giúp làm sạch tóc mà không cần sử dụng cùng nước, có khả năng hút lượng dầu thừa tiết ra ở da đầu, tóc và vùng trán.

Sử dụng dầu gội khô đúng cách chắc chắn sẽ giúp mái tóc của bạn trở nên bồng bềnh hơn. Tuy nhiên, tránh lạm dụng, sử dụng quá nhiều vì có thể gây kích ứng cho da đầu.‏

‏Phấn rôm cũng có tác dụng tương tự, chỉ cần một lượng phấn rôm vừa đủ thoa lên chân tóc, tình trạng tóc bết dầu sẽ được khắc phục hiệu quả nhờ khả năng hút dầu thừa nhanh chóng.‏

2.5. Sử dụng kẹp tóc

‏Dùng kẹp tóc cố định giúp tóc vào nếp cũng là một cách hữu hiệu giúp bạn đi đường xa mà không phải lo ngại đến tình trạng bết tóc. Tuy nhiên, cách này chỉ giúp mái tóc giữ được độ phồng tự nhiên chứ không loại bỏ được tình trạng bết tóc nặng do dầu tiết ra. ‏

‏Bạn có thể lựa chọn sản phẩm kẹp tóc phù hợp với độ dài mái tóc và mục đích sử dụng để thoải mái hơn khi di chuyển. Đừng quên vuốt phần tóc mái về phía sau để tránh bị bết dính hoặc xẹp sau khi đội mũ bảo hiểm./.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com