Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân

08:19, 13/01/2023

Mùa đông xuân, thời tiết thất thường, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, khi lạnh, khi ấm; lúc hanh khô, lúc lại mưa phùn ẩm ướt, là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển. Do đó làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người, nhất là với các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, bệnh sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu, bệnh khớp, bệnh ngoài da… Để chủ động phòng, chống dịch bệnh theo mùa, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội năm 2023, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân.

Trung tâm Y tế thành phố Nam Định tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết cho bệnh nhân.
Trung tâm Y tế thành phố Nam Định tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết cho bệnh nhân.

Theo thống kê của Sở Y tế, năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 1.148 ca mắc sốt xuất (chủ yếu ở thành phố Nam Định 792 ca) với 412 ổ dịch tại 181 xã, phường, thị trấn, có 7 trường hợp tử vong; 1.132 ca mắc và nghi mắc tay chân miệng (thành phố Nam Định 423 ca, huyện Nam Trực 180 ca, huyện Vụ Bản 164 ca, huyện Trực Ninh 88 ca…), không có trường hợp tử vong; 1 trường hợp viêm não Nhật Bản B và 1 trường hợp mắc liên cầu lợn. Thời gian ghi nhận các ca bệnh tập trung vào các tháng cuối năm (từ tháng 8 trở đi). Riêng trong 2 tuần qua (từ 26-12-2022 đến 8-1-2023), toàn tỉnh không ghi nhận ca mắc tay chân miệng; có 15 ca mắc sốt xuất huyết lâm sàng, giảm 40 ca so với 2 tuần trước đó. Hiện toàn tỉnh có 26 ca bệnh sốt xuất huyết với 44 ổ dịch đang hoạt động. Tình hình dịch COVID-19, trong 2 tuần qua, toàn tỉnh tiếp tục ghi nhận 31 ca bệnh. Các ca bệnh ghi nhận trong ngày có xu hướng giảm dần, trong tuần qua có nhiều ngày không ghi nhận ca mắc. Hiện toàn tỉnh đang cách ly điều trị 9 ca bệnh COVID-19.

Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tập trung giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các ca bệnh có nguy cơ lây truyền cao tại các cơ sở điều trị. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch của các đơn vị tuyến dưới; thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trong nước và trên địa bàn tỉnh để triển khai kịp thời công tác phòng, chống dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch, bệnh; tập trung vào các loại bệnh: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, tả, cúm A (H5N1, H7N9, H1N1) và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hoá có nguy cơ xảy ra trong mùa đông xuân; vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp chủ động phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng, thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh nước, vệ sinh an toàn thực phẩm,... Các địa phương, đơn vị duy trì và phát động phong trào toàn dân làm vệ sinh môi trường, xử lý các chất thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường ở những nơi tập trung đông người (bến tàu, bến xe, chợ...), duy trì và thực hiện tốt chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng định kỳ hàng tuần. Thành lập các tổ vệ sinh môi trường, tuyên truyền hàng ngày tới toàn thể người dân về công tác vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch; tổ chức giám sát véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại các ổ dịch cũ và các địa phương có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh; phun hoá chất theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Sở Y tế đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn cho hơn 100 cán bộ y tế thực hiện công tác phòng chống dịch thuộc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố về giám sát, phòng chống dịch tại cộng đồng, điều trị bệnh nhân…; 10 hội nghị tập huấn tại các huyện, thành phố cho cán bộ trạm y tế tham gia công tác phòng chống dịch. Các huyện, thành phố tổ chức 20 lớp tập huấn, mỗi lớp 25-30 người là cán bộ y tế và cộng tác viên tham gia phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng. Với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, tỉnh ta đã kiểm soát được các dịch bệnh: COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng; triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: Sốt rét, phòng chống bệnh lao, phòng chống bệnh phong… Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, một bộ phận người dân chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ loăng quăng (bọ gậy), chưa đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch hướng dẫn của ngành Y tế.

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên cả nước nói chung diễn biến phức tạp. Dịch COVID-19 vẫn chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, vi-rút liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị. Các dịch bệnh khác trên thế giới như đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào nước ta. Nhận định những tháng đầu năm 2023, tình hình dịch bệnh có nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp, để chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội năm 2023, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tập trung vào việc giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các ca bệnh có nguy cơ lây truyền cao tại các cơ sở điều trị. Tăng cường và mở rộng tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch. Tổ chức thường trực dịch 24/24h đảm bảo nắm bắt diễn biến dịch bệnh một cách nhanh nhất, dự báo khả năng và mức độ nguy hiểm của dịch tại địa phương; phối hợp với tuyến bệnh viện tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh. Các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học; y tế phối hợp với cơ quan thú y kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, xử lý triệt để ổ dịch và thông báo kịp thời cho y tế cấp trên để phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây lan từ động vật, thực phẩm sang người. Các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, lưu thông lương thực, thực phẩm, các nhà hàng ăn uống, giải khát. Tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh nước, kiểm tra chất lượng các nhà máy nước đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển theo đúng quy định. Hướng dẫn người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; ăn chín, uống sôi; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm... bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com