OPEC+ sẽ đẩy mạnh các biện pháp chống đầu cơ trên thị trường dầu mỏ

07:46, 25/05/2023

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman ngày 23-5 cho biết Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn được gọi là OPEC+ sẽ triển khai các biện pháp hạn chế tình trạng đầu cơ trên thị trường dầu mỏ và phòng ngừa rủi ro trong tương lai. 

Tuyên bố này được đưa ra vài ngày trước khi OPEC+ tổ chức cuộc họp để quyết định chính sách dầu mỏ trong tương lai. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar ở Thủ đô Doha, Bộ trưởng Abdulaziz cho biết OPEC+ sẽ tiếp tục chủ động, triển khai các biện pháp phòng ngừa trước những nguy cơ có thể xảy ra trong thời gian tới.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia nhấn mạnh OPEC+ nên tích cực theo đuổi các mục tiêu quan trọng của khối này trong tương lai. Các thành viên OPEC+ dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 4-6 tại Thủ đô Vienna của Áo để quyết định về các hành động tiếp theo của khối. Hồi tháng 4 vừa qua, Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và các nhà sản xuất khác trong OPEC+ đã thông báo quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày. Động thái này khiến giá dầu tăng khá mạnh trong bối cảnh giá “vàng đen” sụt giảm do lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu.

6,6 triệu người Somalia mất an ninh lương thực

Ngày 22-5, các cơ quan nhân đạo đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp các nhà tài trợ tại New York trong tuần này để nhanh chóng giải quyết tình hình nhân đạo nghiêm trọng ở Somalia, nơi có khoảng 6,6 triệu người, tương đương gần một nửa dân số, bị mất an ninh lương thực.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các cơ quan viện trợ cho biết nhiều yếu tố, bao gồm hạn hán kéo dài do biến đổi khí hậu, xung đột tái diễn, tác động kinh tế - xã hội tiêu cực của đại dịch COVID-19 và giá lương thực toàn cầu tăng cao, tất cả đã tạo ra và duy trì một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Đông Phi này. Theo báo cáo Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) mới nhất, 6,6 triệu người trên khắp Somalia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ở mức độ cao, với 1,8 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Bộ Y tế nước này mới đây công bố ước tính có gần 43 nghìn trường hợp tử vong trong năm 2022 do tác động của hạn hán kéo dài, một nửa trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi.

Chính phủ Nga cân nhắc cấm xuất khẩu xăng dầu

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, các nguồn tin chính phủ và ngành xăng dầu cho biết Chính phủ Nga đang xem xét lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu nhiên liệu trong nước. Các nguồn tin trên nhận định biện pháp này cũng sẽ có thể góp phần ngăn chặn tình trạng giá cả leo thang sau khi Bộ Tài chính Nga quyết định giảm trợ giá nhiên liệu cho các nhà máy lọc dầu.

Bên cạnh việc xem xét lệnh cấm xuất khẩu, Chính phủ Nga cũng có thể tăng khối lượng tối thiểu xăng ô tô bắt buộc bán ra trên sàn giao dịch hàng hóa. Ngoài ra, Bộ Tài chính dự định giảm 50% mức trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu từ tháng 7 để bổ sung cho ngân sách quốc gia. Trước đó, Chủ tịch Liên minh nhiên liệu độc lập của Nga, ông Grigory Bazhenov cho biết giá xăng bán lẻ tại quốc gia Đông Âu này sẽ chỉ tăng nhẹ, bất chấp giá xăng A-95 trên sàn giao dịch tăng cao. Ông lưu ý rằng trong suốt năm 2022 và nửa đầu năm 2023, không có điều kiện tiên quyết nào để tăng giá bán loại nhiên liệu này. Giá xăng A-95 trong phiên giao dịch trước đó đã tăng lên mốc cao nhất kể từ năm 2021, vượt ngưỡng 60.608 ruble/tấn, tăng thêm 1,72%. Giá xăng A-92 lên tới 52.280 ruble/tấn, tăng 1,91%./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com