Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng mạnh bất chấp lệnh cấm vận

08:22, 17/01/2023

Xuất khẩu dầu thô của Iran đạt mức cao kỷ lục trong hai tháng cuối của năm 2022 bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ, nhờ các đơn hàng xuất sang Trung Quốc và Venezuela.

Thống kê của công ty tư vấn năng lượng SVB International cho biết xuất khẩu dầu thô của Iran đạt trung bình 1,137 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 12-2022, tăng 42 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó và là mức cao nhất trong năm. Công ty tư vấn Petro-Logistics chuyên theo dõi thị trường dầu mỏ cũng cho biết xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng lên trung bình 1,27 triệu thùng/ngày trong tháng 11-2022, mức cao nhất kể từ năm 2019.

Trung Quốc phóng 14 vệ tinh mới vào quỹ đạo

Ngày 15-1, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa đẩy Trường Chinh-2D đưa 14 vệ tinh mới vào vũ trụ.

Tên lửa Trường Chinh-2D được phóng vào lúc 11h14 theo giờ địa phương từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc. Các vệ tinh, trong đó có Qilu-2 và Qilu-3, hiện đã đi vào quỹ đạo. Qilu-2 là vệ tinh quang học có độ phân giải cao, trong khi Qilu-3 là vệ tinh quang học có góc chụp rộng. Hai vệ tinh này đều được trang bị các thiết bị quang học để quan sát Trái Đất và sẽ cung cấp cho tỉnh Sơn Đông các dịch vụ cảm biến từ xa nhằm khảo sát đất đai và phục vụ cho nông nghiệp, lâm nghiệp cũng như bảo vệ môi trường và ngăn ngừa, giảm thiểu thiên tai. Hai vệ tinh này sẽ phối hợp với vệ tinh Qilu-1 đang bay quanh quỹ đạo.

Đây là vụ phóng thứ 462 sử dụng dòng tên lửa đẩy Trường Chinh. Tên lửa Trường Chinh-2D do Học viện Công nghệ du hành vũ trụ Thượng Hải, thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc, phát triển. Tên lửa này có thể đáp ứng nhu cầu phóng 1 vệ tinh hoặc nhiều vệ tinh cùng lúc. Trong nhiệm vụ mới nhất này, tên lửa đã chở 14 vệ tinh của 7 nhà phát triển khác nhau.

Nhật Bản dự chi 280 triệu USD khắc phục sai sót lưu trữ chất thải hạt nhân

Ngày 15-1, một quan chức Nhật Bản cho biết Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) dự chi 36,1 tỷ yen (tương đương 280 triệu USD) để khắc phục sai sót trong công tác lưu trữ tại bể chứa chất thải hạt nhân ở nhà máy Tokai, cơ sở tái chế năng lượng nguyên tử đầu tiên tại nước này.

Theo Kyodo, gần 800 container chứa chất thải có tính phóng xạ cao, hay rác thải TRU, đã được “thả” bằng cáp vào bể chứa này trong giai đoạn 1977-1991, trong số đó nhiều container bị đặt sai tư thế hoặc chịu va đập do kỹ thuật vận chuyển này. Hiện tại nhà máy Tokai, nằm tại tỉnh Ibaraki phía Đông Bắc Tokyo, đã không còn hoạt động. Khối chất thải này bao gồm các ống kim loại chứa năng lượng hạt nhân đã được sử dụng, sản phẩm của quá trình tái chế và được cho là vẫn có khả năng tán xạ. JAEA kết luận rằng số rác thải này đáng lẽ phải được chôn ở độ sâu 300m dưới lòng đất.

Tokai là nhà máy đầu tiên ở Nhật Bản tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng từ các lò phản ứng hạt nhân để thu hồi uranium và plutonium. Từ năm 1977 đến năm 2007, khoảng 1.140 tấn nhiên liệu đã được tái chế. Việc tháo dỡ nhà máy này đã bị trì hoãn khoảng 10 năm so với kế hoạch ban đầu và dự kiến sẽ được thực hiện vào giữa những năm 2030. Thời gian thực hiện dự kiến mất khoảng 70 năm với chi phí 1.000 tỷ yên./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com