Mỗi khi Tết đến Xuân về, để làm mới, làm đẹp không gian ngày Tết, hầu hết mọi gia đình người Việt đều chọn mua cây, hoa tươi về chơi, cắm trang trí. Vài năm trở lại đây, cùng với đào, cúc, hồng, thược dược… người dân còn chọn mua thêm các loại hoa lan, hoa trà để thưởng lãm. Đáp ứng nhu cầu của người yêu hoa, thương lái trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng cung ứng nhiều giống hoa lan, hoa trà đẹp, mới lạ, điểm tô cho không khí ngày Xuân thêm rực rỡ.
Những cây trà được lên chậu phục vụ người chơi dịp Tết Nguyên đán. |
Nhà vườn Luân Hương, phố Hoa, xã Nam Điền (Nam Trực) có 3 sào trà với số lượng khoảng 700 cây, chủ yếu là trà cổ. Chủ nhà vườn, chị Nguyễn Thị Hương cho biết: “Đến nay, tôi đã trồng giống hoa này được mấy chục năm. Đối với tôi, trà không chỉ là cây kinh tế chủ đạo của gia đình mà còn là loài hoa tôi yêu thích nhất”. Cũng theo chị Hương, trà có nhiều loại, được phân theo các giống đơn và giống kép. Trà đơn có một hoa, trà kép gồm nhiều hoa trên một đài. Có loại có nhị dài, có loại nhị bị thoái hóa, không xác định được tâm hoa gọi là không tâm. Trong đó, giống trà bạch, trà thâm bát diện không tâm là quý nhất, sau đó là giống trà cung đình phấn màu hồng và trà lựu màu đỏ rực.
Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về người chơi trà có dịp được tìm hiểu và lựa chọn những cây trà mình yêu thích. |
Hiện nhà vườn Luân Hương vừa trồng vừa nhập thêm các loại trà có nguồn gốc từ Trung Quốc về bán. Tuỳ theo từng giống trà, độ tuổi mà cây được bán với các mức giá khác nhau. Trong đó, mỗi cây trà có chiều cao từ 40-60cm, nhiều hoa, tán đẹp sẽ có giá 2-3 triệu đồng/cây. Các cây nhỏ hơn có giá dao động từ 200-500 nghìn đồng/cây. Các cây trà cổ sâu tuổi, được uốn thế công phu sẽ có giá từ vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng/cây. “Mặc dù trồng trà đã vài chục năm nhưng ước mơ lớn nhất của tôi vẫn là sở hữu được những gốc trà cổ sâu tuổi. Trong vườn của tôi hiện cũng có vài cây, được khách xa gần trả giá cao nhưng tôi vẫn quyết định giữ lại làm “của riêng” vì đó là tâm huyết, kỳ công chăm sóc của bao người trong gia đình. Mỗi dịp Tết đến, từ các cành cây thâm sì, mốc meo, trà bung hoa rực rỡ. Nhìn những bông trà khoẻ mạnh, tươi thắm nở kín khắp cây, những mệt nhọc trong ngày của tôi tự nhiên tan biến. Chơi hoa cũng là một cách “dưỡng tâm” là vì thế”, chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ.
Những giò lan trong nhà vườn của chị Đặng Thị Vân Anh, khu vực chợ Hoa, thành phố Nam Định. |
Đã nhiều năm làm vườn, chị Đặng Thị Vân Anh, thành phố Nam Định có thu nhập ổn định từ nghề trồng và bán lan. Với diện tích nhà vườn hơn 2.000m2, chị Vân Anh hiện đang trồng hơn 1.000 giò lan đủ chủng loại như: giả hạc, ngọc điểm, đai châu, địa lan… Tâm huyết với lan, yêu thích, am hiểu từng giống lan, chị dành toàn bộ thời gian trong ngày để chăm sóc từng giò lan trong vườn. Theo chị Vân Anh, mỗi loại lan có vẻ đẹp khác nhau. “Cái hay của lan rừng là bên cạnh màu sắc thì thường có mùi hương rất tuyệt vời mà các loài lan ngoại không có được. Lan rừng thường có mùi hương nhẹ nhàng, thanh tao, thoang thoảng chứ không nồng và đậm. Tuy nhiên, nếu ai yêu thích các loại lan có màu sắc sặc sỡ thì có thể tìm đến các giống lan nhập ngoại”. Cũng theo chị Vân Anh, dựa theo màu sắc thì ý nghĩa của hoa lan cũng sẽ khác nhau, như hoa lan màu trắng đại diện cho sự tôn kính, khiêm nhường, thể hiện sự sang trọng và sắc đẹp trường tồn; màu tím thể hiện cho sự ngưỡng mộ, tôn trọng, quý phái; màu vàng là biểu tượng của tình bạn, niềm vui và cả khởi đầu mới tốt lành...
Chị Đặng Thị Vân Anh tư vấn cho khách hàng chọn lan. |
Thời điểm hiện tại, nhà vườn của chị Vân Anh đang chuẩn bị vài trăm chậu lan để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Mỗi loại lan có các mức giá khác nhau. Cụ thể, hồ điệp có giá khoảng 170 nghìn đồng/cây, lan vanda 150-200 nghìn đồng/cây… Tuy nhiên đây chỉ là giá chung cho các dòng lan “phổ thông”. Với những người chơi lan "có nghề" trong giới, họ thường chọn chơi những loại "hàng lạ, hàng hiếm". Nghinh xuân, loại lan nở đúng vào dịp Tết thường được đánh giá quý từ bàn đá (bệ đá) đến những phiến lá. Hoa của loài nghinh xuân mọc từ kẽ lá. Nghinh xuân có nhiều màu như: đỏ đốm (màu thuần chủng, phổ biến), sắc pháo, trắng, cam... Những cây nào lá to và xòe rộng, đẻ nhiều nhánh có giá dao động từ 2,5-3 triệu đồng/cây. Đặc biệt, với những tín đồ “chơi sâu” thì dòng địa lan truyền thống như: Đại Thanh, Đại Hoàng, Hoàng Vũ, Thanh Ngọc... được ưu tiên số 1 và có giá bán rất cao, thường từ vài triệu đồng trở lên.
Khách hàng tham quan vườn lan của gia đình chị Đặng Thị Vân Anh. |
Lan hồ điệp được các nhà vườn tạo hình cho lên chậu phục vụ nhu cầu khách hàng dịp Tết Nguyên đán. |
“Vua chơi lan, quan chơi trà”, những ngày Tết, cùng với nhành mai, cành đào, cây quất, một vài giò lan, chậu trà bung nở rực rỡ để trước hiên nhà càng tô điểm thêm cho không gian Tết mỗi gia đình thêm đẹp, sang trọng, tươi mới. Chơi hoa, thưởng thức vẻ đẹp của hoa cũng là một cách để nuôi dưỡng tâm hồn, hướng tới những điều "chân, thiện, mỹ". Vì vậy, thú chơi lan, chơi trà ngày Tết còn góp phần làm cho đời sống tinh thần của mỗi người, gia đình thêm phong phú, điểm tô hương sắc mỗi độ Tết đến Xuân về.
Tác phẩm hoàn thiện từ hoa lan hồ điệp. |
Bài và ảnh: Hoa Xuân, Văn Huỳnh