Nam Định là một trong 3 địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) giai đoạn 2023-2025. Theo đó, tỉnh có số lượng ĐVHC sắp xếp, sáp nhập lớn với 2 ĐVHC cấp huyện và 77 ĐVHC cấp xã. Sau khi có Nghị quyết của Trung ương, cả hệ thống chính trị của tỉnh với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nên đã triển khai quyết liệt, bài bản, khoa học, đúng lộ trình. Từ ngày 1/9/2024, tỉnh Nam Định đã hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC. Qua đó không chỉ tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị mà còn góp phần tập trung nguồn lực, mở rộng không gian phát triển, tạo động lực mới cho Nam Định “cất cánh”.
Trong quá trình phát triển, ĐVHC các cấp ở Nam Định đã được điều chỉnh, sắp xếp lại phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ năm 1996 (thời điểm tỉnh Nam Định được chia tách ra từ tỉnh Nam Hà) đến năm 2018, tỉnh Nam Định có 10 ĐVHC cấp huyện (9 huyện và 1 thành phố Nam Định) và 229 ĐVHC cấp xã (trong đó có 191 xã, 22 phường, 16 thị trấn). Bên cạnh kết quả đạt được, việc chia, tách ĐVHC các cấp thời gian qua đã nảy sinh một số bất cập và hạn chế: có ĐVHC cấp huyện, cấp xã quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, nguồn lực bị phân tán, đã ảnh hưởng trực tiếp tới thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; dẫn đến quy mô nền kinh tế còn nhỏ; tốc độ phát triển còn chậm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nam Định. |
Thành phố Nam Định là đô thị trung tâm của tỉnh với diện tích tự nhiên 46,41km2; quy mô dân số 280.136 người; trên địa bàn có Khu công nghiệp (KCN) Hòa Xá với quy mô 285,37 ha, đã lấp đầy 100% diện tích, với gần 120 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thành phố Nam Định có lịch sử trên 100 năm tuổi, vì vậy đã xuất hiện những khó khăn, bất cập nhất là trong công tác quản lý kinh tế; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư; phát triển nguồn thu. Thành phố có 25 ĐVHC cấp xã trực thuộc (gồm 3 xã và 22 phường); trong đó nhiều phường, xã có quy mô nhỏ, gây khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô. Điển hình như: phường Nguyễn Du có diện tích tự nhiên 0,21km2, quy mô dân số 6.362 người; phường Bà Triệu có diện tích tự nhiên 0,27km2, quy mô dân số 7.399 người… Không chỉ ở thành phố Nam Định, ĐVHC cấp xã của nhiều địa phương trong tỉnh cũng có quy mô nhỏ như: xã Xuân Trung có diện tích tự nhiên 2,21km2, quy mô dân số 9.497 người; xã Nam Toàn (Nam Trực) có diện tích tự nhiên 3,95km2, quy mô dân số 4.937 người; xã Hải Chính (Hải Hậu) có diện tích tự nhiên 3,47km2, quy mô dân số 6.279 người…
Đồng chí Phạm Gia Túc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025 phát biểu tại hội nghị. |
Thành phố Nam Định hiện nay. |
Các ĐVHC cấp xã với quy mô quá nhỏ đã ảnh hưởng trực tiếp tới huy động nguồn lực trong thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, Thành phố Nam Định với quy mô diện tích nhỏ, hẹp, không gian phát triển bị chia cắt, nguồn lực bị phân tán; nên việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng trở thành nhu cầu nội tại, cấp thiết, phù hợp quy luật trong bối cảnh đang phấn đấu trở thành thành phố trung tâm của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Do không gian phát triển của tỉnh bị chia cắt manh mún, nhỏ lẻ nên không có những không gian đủ lớn để thu hút được “đại bàng” về “xây tổ” để tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội. Thời điểm trước kia, do không có mặt bằng đủ lớn đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nên tỉnh đã để “lỡ” một số dự án lớn. Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh thu hút được 506 dự án đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng vốn (trong đó có 116 dự án đầu tư FDI và 390 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt 3,5 tỷ USD (FDI) và trên 32 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. So với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), quy mô kinh tế của tỉnh Nam Định còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỷ trọng GRDP của khu vực nông- lâm- thủy sản vẫn còn ở mức khá cao (trên 20%). Đến năm 2020, Nam Định là tỉnh có quy mô kinh tế đứng thứ 9/11 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSH với GRDP là 76,96 nghìn tỷ đồng (chiếm 3,05% tổng GRDP toàn vùng). Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Nam Định đạt trung bình 7,1%/năm, xếp thứ 9/11 tỉnh, thành phố vùng ĐBSH. Năm 2020, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.729 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, mức độ công nghiệp hóa của tỉnh còn chậm, các ngành công nghiệp mang hàm lượng giá trị công nghệ cao, giá trị tăng thêm lớn còn chưa nhiều; khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, động lực phát triển chính của nền kinh tế Nam Định giai đoạn này, chủ yếu là gia công thuộc phân khúc giá trị gia tăng thấp. Quy mô vốn còn thấp (chỉ chiếm gần 4% trong tổng vốn đầu tư của vùng ĐBSH). Số lượng dự án FDI còn khiêm tốn (chỉ chiếm 1,1% trong tổng số dự án của toàn vùng ĐBSH). Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa được cải thiện nhiều, hiệu quả sử dụng vốn và năng suất lao động còn thấp so với trung bình các tỉnh. Liên kết kinh tế còn yếu, vai trò của những nhóm ngành, nghề thế mạnh truyền thống như dệt may, dược phẩm, chế biến gỗ còn mờ nhạt trong chuỗi giá trị sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu...
Phối cảnh Tổ hợp Thép xanh Xuân Thiện Nam Định. |
Chính vì vậy, nền kinh tế của tỉnh đứng trước nhiều vấn đề cần giải quyết, đó là: quy mô GRDP còn thấp (khoảng 53% so với bình quân ĐBSH), chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, quy mô sản suất còn nhỏ; đóng góp vào tăng trưởng GRDP chủ yếu vẫn do yếu tố vốn quyết định, chưa thu hút được những dự án quy mô lớn, công nghệ cao, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Thu ngân sách từ kinh tế địa phương chưa có nguồn thu chủ lực, ổn định. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị với nhiều đô thị nhỏ, phân tán, dàn trải có hạ tầng dịch vụ thấp; nên ít tạo được sức hút, lực kéo dịch cư lớn nên tỷ lệ đô thị hóa chưa cao (20,3%); hệ thống đô thị chưa tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội. Cấu trúc tổng thể không gian kinh tế - xã hội phát triển với mật độ dân cư cao (1.067 ng/km2) phân bố dàn trải khắp bình diện lãnh thổ; đất đai bị chia cắt mạnh, gây khó khăn cho việc bố trí tập trung các cơ sở kinh tế lớn theo lãnh thổ; đặc biệt gây khó khăn cho phát triển hạ tầng…
Phối cảnh Khu Kinh tế Ninh Cơ. |
Yêu cầu “cấp thiết” và cũng là “mệnh lệnh” đặt ra từ thực tiễn là “giải bài toán” về mở rộng không gian để đón những “sếu lớn”, “đại bàng” về “xây tổ”, tạo đà cho Nam Định tăng tốc phát triển. Vì vậy, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định là cần thiết, là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh cần quyết tâm, quyết liệt, dồn lực thực hiện để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Việc thực hiện sắp xếp ĐVHC không phải là vấn đề mới mà trong nhiệm kỳ trước, nhiều địa phương trong cả nước cũng như tỉnh Nam Định đã thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021, nhưng trong giai đoạn này tỉnh Nam Định mới chỉ thực hiện ở mức rất “khiêm tốn”. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2021, thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã theo Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14, Nghị quyết 32/NQ-CP, tỉnh đã triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập các xã, gồm: Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng); Yên Xá, Yên Thành (Ý Yên); Hải Toàn (Hải Hậu) vào các xã, thị trấn liền kề đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Sau sắp xếp, tỉnh có 10 ĐVHC cấp huyện và 226 ĐVHC cấp xã (giảm 3 ĐVHC cấp xã).
Mỗi địa phương căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tiễn mà có những “lộ trình” và cách làm phù hợp trong thực hiện sắp xếp ĐVHC để phát huy hiệu quả cao nhất trên cơ sở bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, nhằm tạo giá trị mới, động lực mới cho sự phát triển đồng thời chú trọng giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, bản sắc của các địa phương, cộng đồng dân cư. Trong “dòng chung” đó, tỉnh Nam Định có “lối đi riêng” trong thực hiện sắp xếp ĐVHC phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để tạo động lực cho Nam Định “cất cánh” sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Theo đó, việc tìm ra “lời giải” cho “bài toán” về không gian phát triển mới là một nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết, Đảng bộ tỉnh Nam Định quyết tâm tập trung dồn lực thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, tạo thêm dư địa mới, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua xã Hải Đông (Hải Hậu). |
Cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị của tỉnh đều nhất quán chủ trương thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã nhằm tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, tạo không gian phát triển mới, tăng cường liên kết vùng; tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao quản lý Nhà nước.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định: “Sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước với mục tiêu nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy; mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương; giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”.
Khu công nghiệp Hoà Xá (TP Nam Định). |
Bên cạnh đó, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 được Đảng bộ tỉnh Nam Định xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg, ngày 28/12/2023) mở ra không gian phát triển mới cần quy mô đủ lớn để tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình tổ chức không gian "3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế". Từ đó thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, bổ sung cho nhau, cùng phát triển. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam ĐBSH. Trong đó, phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn có định hướng sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã với lộ trình cụ thể: Đến năm 2025, thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
(Còn nữa)
Thu Thủy - Hoa Xuân - Viết Dư
------------------