Rộn ràng mùa lễ hội
.

Rộn ràng mùa lễ hội

15:07, 19/10/2024

Theo thông lệ, cứ vào ngày 12 đến 16/9 âm lịch hàng năm, người dân thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) và làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) lại tổ chức lễ hội chùa Cổ Lễ và lễ hội chùa Keo Hành Thiện cầu mong trời đất thuận hoà, đời sống nhân dân  ấm no, hạnh phúc, bình an.

Chùa Keo Hành Thiện và chùa Cổ Lễ là hai nơi tổ chức lễ hội vào dịp tháng 9 âm lịch. Dù quy mô tổ chức khác nhau nhưng đều có các phần lễ gồm: dâng hương, rước kiệu... Chùa Cổ Lễ (Thần Quang Tự) là công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo nằm ở phía tây thị trấn Cổ Lễ. Được xây dựng từ thế kỷ XII, chùa Cổ Lễ ngoài thờ Phật còn thờ Đức Thánh Tổ Thiền sư Nguyễn Minh Không - ngài được mệnh danh là “Nam Thiên Tam Vị Thánh Tổ”. Chùa Cổ Lễ trước đây được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, trải qua thời gian bị xuống cấp. Năm 1902, Đệ Nhất Sư Tổ Phạm Quang Tuyên đã cho trùng tu tái thiết ngôi chùa này theo kiến trúc mới “Nhất Thốc Lâu Đài”, sử dụng những nguyên liệu như: vôi, gạch, cát, mật, muối để xây dựng. Với kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa văn hoá Đông – Tây, chùa Cổ Lễ từ lâu đã trở thành một danh lam ở vùng đồng bằng sông Hồng. Lễ hội chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 9 âm lịch hàng năm. Đó là ngày hội tưởng niệm Đức Thánh tổ hóa thân (14/9), một ngày trọng đại đã đi vào tiềm thức nhân dân trong vùng: “Dù ai buôn bán trăm nghề. Mười tư tháng Chín thì về hội Ông”.

Ông Nguyễn Quang Trình, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội chùa Cổ Lễ cho biết: Đây là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định còn bảo lưu được nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người... phản ánh đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đặc biệt, một trong những hoạt động thu hút được đông đảo bà con và du khách gần xa là cuộc thi bơi chải truyền thống, tổ chức ngay trên dòng sông uốn lượn quanh chùa, thể hiện sự gắn bó của Thánh với đồng đất, kênh rạch nơi đây.

" Hễ mà bơi chải râm ran
Thánh cho đôi chữ bình an đời đời "

Có mặt thăm quan, dâng hương cúng Phật tại Chùa Cổ Lễ vào ngày 15/9, ông Nguyễn Văn Chiến, tổ dân phố Đông Đò cho biết: “Đi lễ chùa ngày hội không chỉ để ước nguyện, mà còn là khoảnh khắc con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Chính vì vậy, hàng năm dù bận rộn đến đâu thì vào dịp tháng 9 lễ hội chùa Cổ Lễ tôi và gia đình đều thu xếp công việc để về dâng hương, vãn cảnh chùa, cầu an lành”.

Chùa Keo Hành Thiện thờ Đức thánh tổ Thiền sư Dương Không Lộ - vị Quốc sư thời Lý có nhiều công lao cứu nước giúp dân, dạy dân nghề chài lưới, nông nghiệp, đúc đồng, làm thuốc… Hàng năm, tại Chùa Keo diễn ra 2 kỳ lễ hội vào mùa xuân và mùa thu. Lễ hội mùa xuân được tổ chức từ ngày 12 đến 15/2 âm lịch tại chùa Đĩnh Lan (Keo ngoài) với các các nghi lễ: Dâng hương, rước kiệu, yến lão… Trong đó, đặc sắc nhất là lễ “Yến lão” - mừng thọ các cụ ông, cụ bà từ 70 tuổi trở lên vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Lễ hội mùa thu trước kia được nhân dân làng Hành Thiện tổ chức từ ngày 10 đến 16/9 âm lịch. Hiện nay, các nghi lễ chính trong lễ hội được tổ chức trong các ngày từ ngày 12 đến 15/9.

Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện vẫn bảo tồn được các nghi lễ cổ như: trình Phật, Thánh, Phụng nghinh, phục miều (triều y), dựng phan (phướn), Thánh đản và khoa giáo rối, lễ tạ; đồng thời duy trì nhiều trò chơi, loại hình diễn xướng dân gian như: Bơi chải, cò cốc, rước đèn kéo quân, cờ tướng, leo cầu ngô bắt vịt, múa sư tử… Trong đó độc đáo nhất là môn thể thao dân gian bơi chải đứng, tổ chức vào các ngày 12 và 15/9. Tham gia cuộc thi là các chân chèo nam giới, độ tuổi từ 20-30, có sức khỏe dẻo dai, thạo nghề sông nước, có thể đứng chải suốt quãng đường đua dài hơn 60km. Bên cạnh thể lực, cuộc thi cũng đòi hỏi các đội chơi phải có sự phối hợp ăn ý, khả năng tính toán chính xác hướng gió, hướng nước cho phù hợp.

Đối với người Việt, đi trảy hội là nét văn hóa truyền thống được hình thành lâu đời. Thông qua hoạt động trong các lễ hội còn thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ, hướng con người tới chân - thiện - mỹ; đồng thời giúp mỗi người dân thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn.

Bài và ảnh: Hoa Xuân - Văn Huỳnh

 



Xem thêm bình luận