Nét đẹp trò chơi dân gian trong các lễ hội
.

Nét đẹp trò chơi dân gian trong các lễ hội

17:07, 02/08/2024
 

 

Nam Định là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống mà ở phần hội, nhiều trò chơi dân gian được duy trì, khôi phục. Trong đó, tiêu biểu là trò chơi vật cầu, cướp trái thể hiện sự kết tinh những giá trị văn hoá, tính cố kết cộng đồng, thu hút đông đảo sự tham gia của người dân.

 

 

 

Lễ hội Đền thờ Đức Thánh Tổ nghề đúc đồng Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên) được tổ chức 3 năm 1 lần vào các ngày 10, 11 và 12-2 âm lịch gồm các nghi lễ trang trọng như: lễ mộc dục, lễ cầu an, lễ rước kiệu, tế nam quan, tế nữ quan... Năm 2019, lễ hội đã được Bộ VH, TT và DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điểm nhấn trong phần hội đó là trò chơi vật cầu bùn. Ông Nguyễn Văn Sơn, người phụ trách trò chơi vật cầu bùn trong Lễ hội cho biết: Trò chơi được tổ chức trong 2 ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch. Để tạo thuận lợi cho nhân dân đến xem và cổ vũ, từ nhiều ngày trước khi vào lễ hội, Ban tổ chức đã quy hoạch khoảnh ruộng vuông rộng gần 1.000m2 có bùn nước tại cạnh hồ Tống Xá để tổ chức trò chơi vật cầu bùn.

 

 

 

Trò chơi vật cầu bùn ở Tống Xá không phân biệt nam nữ, độ tuổi; tham gia trò chơi có từ 8 đến 10 đội, mỗi đội chơi có 10 người và được chia theo từng xóm. Quả cầu trong lễ hội được chế tạo từ củ chuối tiêu, hình cầu, có đường kính từ 35-40cm, được gọt mài nhẵn, rất trơn, vì vậy người tham gia trò chơi này ngoài sức khỏe còn cần sự khéo léo. Thời gian thi đấu không quy định cụ thể, có thể kéo dài từ 30 phút đến hàng tiếng đồng hồ tùy theo sự tranh cướp cầu giữa hai đội. Trước khi bắt đầu cuộc chơi, quả cầu bùn đặt ở giữa hố lớn nằm ở trung tâm, hai đội tập trung ở hai góc ruộng, sau hiệu lệnh phất cờ của trọng tài, hai đội đua nhau tranh quả cầu đặt ở giữa. Trong đội lựa chọn những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn để cướp cầu, những thành viên còn lại có nhiệm vụ che chắn, bảo vệ cho thành viên cầm và ném quả cầu vào hố của đối phương là chiến thắng. Anh Nguyễn Hữu Thưởng, làng Tống Xá cho biết: “Ngoài thể lực cần sự tính toán chi tiết thời điểm cướp cầu, kỹ thuật tỳ, đè và sự kết hợp ăn ý của cả tập thể mới có cơ hội cao để giành chiến thắng”.

 

 

 

Chị Hà Thị Lương, đội nữ tổ 12 làng Tống Xá là đội giành chiến thắng trong vật cầu bùn nữ lễ hội năm 2024 chia sẻ: “Trò chơi vật cầu bùn là hoạt động thể thao dân gian được duy trì từ lâu tại địa phương. Năm nay, hàng trăm khán giả cổ vũ đã tiếp sức mạnh để toàn đội thi đấu hết mình. Nhờ chiến thuật hợp lý nên đội chúng tôi chiếm ưu thế và giành chiến thắng chung cuộc. Chúng tôi tự hào vì đã góp phần vào thành công chung của lễ hội”.

 

 

 

Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua các trò chơi dân gian, những năm qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn Lâm đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao trách nhiệm, năng lực tổ chức, quản lý lễ hội. Đồng chí Dương Doãn Nhưỡng, Chủ tịch UBND thị trấn Lâm, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: “Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định, thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Ban tổ chức đã xây dựng kịch bản các trò chơi dân gian khoa học, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và nét đẹp văn hóa truyền thống địa phương, tạo sức hấp dẫn cho du khách tham dự lễ hội. Việc duy trì các trò chơi vật cầu bùn trong lễ hội đã góp phần động viên người dân rèn luyện thể chất, tinh thần; giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho thế hệ trẻ”.

 

 

 

 

 

 

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Tuân Lục, xã Liêm Hải (Trực Ninh) thờ Quan huấn đạo Đỗ Công Hạo (1460-1516) thời Lê sơ. Theo các tài liệu lịch sử, ông Đỗ Công Hạo là người thông minh, học giỏi từ nhỏ. Năm 1495, ông mở trường dạy học tại làng. Năm Mậu Thìn (1508), đời Vua Lê Uy Mục, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, được phong chức quan kỳ hiệu huấn đạo quan (quan huấn luyện quân sự cấp cao). Thời kỳ đó, các vua quan nhà Lê bỏ bê việc triều chính, bất mãn, ông xin từ quan về quê dạy học. Ngoài việc dạy kinh sách, ông còn dạy học trò về chiến thuật, chiến lược quân sự theo binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo. Ông tập trung khoảng 100 học trò, chia ra làm 2 đội dạy về kỹ thuật chiến đấu. Năm 1516, giặc cướp nổi lên cát cứ nhiều nơi, ông tiếp Chiếu chỉ đi đánh giặc. Trong một trận chiến đấu quyết liệt, ông đã hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương. Khi ông mất, nhân dân tổ chức mai táng trọng thể, tôn ông là Thành hoàng làng và lập đền thờ ngay trên mảnh đất nơi ông đã ngã xuống. Hàng năm vào sáng mùng 4 tết, tại đền Tuân Lục tưng bừng mở hội để tưởng nhớ tới vị Thành hoàng làng Đỗ Công Hạo.

 

 

 

 

Lễ hội được tổ chức hàng năm nhưng hội cướp trái chỉ tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Quả trái được làm bằng gốc dứa dại, gọt thành hình bầu dục. Ngày 23 tháng Chạp người dân trong làng chuẩn bị các lễ vật ra đền làng trình Thánh rồi đem quả trái vào hậu cung. Đến ngày lễ hội, quả trái được các cụ cao niên trong làng rước từ hậu cung ra hương án làm lễ Thánh trước sân đền. Sau đó, tổ chức giao trái, cướp trái khai hội. Hội cướp trái gồm 2 đội chơi, mỗi đội 30 nam giới. Tại địa điểm tổ chức cướp trái, người dân rước kiệu chọn lò cái. Khi chọn được lò cái, Ban tổ chức cắm cờ đào hố, theo mỗi hướng đông và tây cách nhau 50m, mỗi đội chơi sẽ tự đào hố lò con của bên mình. Hố của lò cái được Ban tổ chức tiến hành đào rộng, hình tròn hàm ếch. Khi đội hình được sắp xếp theo quy định, lệnh cướp trái vang lên bằng tiếng trống, sau đó Trưởng ban tổ chức ném trái xuống để hai đội cùng chơi cướp trái. Theo luật, người chơi chỉ được nắm vào khố của nhau để kéo, ngoài ra không được ôm, cầm tay chân và tuyệt đối không được đánh nhau. Bên nào cướp được trái nhanh nhất là thắng cuộc. Kết thúc cuộc chơi, Ban tổ chức lấy trái để lên kiệu Thành hoàng làng rước về đền và tạ ơn. Khác với lễ hội ở các nơi, hội cướp trái ở làng Tuân Lục không có giải nhất, nhì. Tham gia cướp trái, người thắng người thua đều vui vẻ, cùng được nhận lộc Thánh lấy may.

 

 

 

Trò chơi vật cầu bùn tại làng nghề đúc đồng Tống Xá và Hội cướp trái ở làng Tuân Lục là một nét đẹp văn hóa độc đáo được người dân duy trì, bảo tồn qua thời gian. Dù cách thức tổ chức, luật chơi khác nhau nhưng đều là điểm nhấn quan trọng của lễ hội. Bên cạnh đó, vật cầu, cướp trái cho thấy từ xưa các thế hệ cha ông đã coi trọng việc rèn luyện sức khỏe để bảo vệ đất nước, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau vượt lên những khó khăn xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh./.

Viết Dư



Xem thêm bình luận