Điểm hẹn du lịch hấp dẫn - Nhà thờ đổ xã Hải Lý
.

Điểm hẹn du lịch hấp dẫn - Nhà thờ đổ xã Hải Lý

10:02, 28/07/2024

Nhà thờ đổ Hải Lý (Hải Hậu) – chứng tích về hệ quả của biến đổi khí hậu (BĐKH); hiện là “điểm đến” thu hút du khách khi về thăm quê biển Nam Định.

Tháng 2/2017, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Nam Định tổ chức hội thảo khoa học “Khu chứng tích BĐKH Hải Hậu - biện pháp bảo tồn và khai thác phát triển”. Các tham luận của nhà khoa học và quản lý trình bày tại Hội thảo đều tập trung nêu bật vấn đề: “Nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là chứng tích duy nhất ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới cần được giữ gìn, bảo vệ và khai thác nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH”.

Những tham luận tại Hội thảo nêu rõ hiện trạng xâm thực đất ven biển, quá trình quai đê lấn biển, tác động của BĐKH làm xói lở bờ biển huyện Hải Hậu, gây nguy cơ sụp đổ Khu chứng tích. Đồng thời, các nhà khoa học, nhà quản lý cũng đưa ra những giải pháp để bảo vệ và phát triển Khu chứng tích BĐKH huyện Hải Hậu ở cả góc độ tổ chức, cơ chế chính sách, biện pháp ứng dụng công nghệ và khai thác, quản lý khu vực này; những vấn đề mà tỉnh và huyện Hải Hậu cần giải quyết trước mắt để bảo tồn Khu chứng tích biến đổi khí hậu quý hiếm này cho toàn thể cộng đồng dân cư địa phương, quốc gia và cho toàn thế giới.  

Nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là chứng tích duy nhất ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới cần được giữ gìn, bảo vệ và khai thác nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là chứng tích duy nhất ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới cần được giữ gìn, bảo vệ và khai thác nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Huyện Hải Hậu được bao bọc bởi 2 nhánh của sông Hồng (là sông Ninh Cơ và sông Sò) và Vịnh Bắc Bộ; là vùng đất được khai phá, bồi đắp từ 500-600 năm trước. Trải qua nhiều thế hệ, người Hải Hậu đã hợp sức khai hoang, quai đê lấn biển, trị thủy; đến thế kỷ XIX nhiều làng xã mới được hình thành. Cách đây hơn 130 năm, địa giới hành chính của huyện Hải Hậu được thành lập. Thời kỳ trước năm 1920, nhân dân huyện tích cực quai đê lấn biển, lập làng, cải tạo đất đai để canh tác đã có một hệ thống đê biển đơn giản nhưng được bảo vệ bởi hệ thống bãi bồi, rừng ngập mặn, nên nhiều làng ấp đã được thành lập, dân cư sinh sống cách biển 1km như làng Doanh Châu và Văn Lý (thuộc xã Hải Lý hiện nay). Thời kỳ năm 1920-1985, do tác động của BĐKH, dòng hải lưu thay đổi, từ một vùng đất thường xuyên được bồi đắp Hải Hậu trở thành vùng đất "biển lấn bãi thoái".

Sau Cách mạng Tháng Tm năm 1945, hệ thống đê biển Hải Hậu từng bước được đầu tư nâng cấp, đủ khả năng chống được gió bão cấp 5, cấp 6. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ năm 1920 đến nay thống kê sơ bộ mỗi năm ở huyện Hải Hậu biển lấn 15-20m, đã mất trên 6 triệu m2 đất, trong đó từ năm 1985 đến nay là 3 triệu 410 nghìn m2 (trong đó khoảng 100ha đất làm muối). Huyện đã phải tiến hành di chuyển nhân dân tại 5 xóm của 3 xã gồm: Hải Lý (3 xóm), Hải Triều (1 xóm) và thị trấn Thịnh Long (1 xóm). Những bãi hiện tại nhìn thấy còn lại là bãi nằm trong khoảng cách giữa 2 tuyến đê (tuyến 1 và tuyến 2) trước khi tuyến 1 cũ bị tàn phá. Hiện nay đê đã nằm sát các khu dân cư nên phải giữ đê hiện tại bằng biện pháp công trình.

Bình minh nơi Nhà thờ đổ Hải Lý
Bình minh nơi Nhà thờ đổ Hải Lý.

Chứng tích Nhà thờ đổ trên bãi biển Văn Lý, xã Hải Lý ngày nay là dấu tích còn lại của nhà thờ Trái Tim Chúa được hình thành cùng với làng chài Xương Điền thuộc xã Hải Lý ngày nay. Đây là vùng đất nằm ở giữa 2 làng Doanh Châu và Văn Lý, là kết quả của công cuộc quai đê lấn biển của nhân dân từ những năm đầu thế kỷ XVIII, ban đầu được nhân dân gọi là "Cồn Cát Bể“, sau hình thành làng chài Xương Điền. Đến năm 1920, xã Xương Điền được thành lập thuộc Tổng Tân Khai. Năm 1948, xã Xương Điền hợp với lý Hòa Định và lý Văn Lý thành xã Tân Hưng thuộc khu III, huyện Hải Hậu.

Từ 4 giờ sáng, ngư dân vùng biển Hải Lý nô nức ra khơi đánh bắt, khai thác thủy sản gần bờ.
Từ 4 giờ sáng, ngư dân vùng biển Hải Lý nô nức ra khơi đánh bắt, khai thác thủy sản gần bờ.

Năm 1952 xã Tân Hưng đổi tên là xã Hải Lý cho đến ngày nay. Trong quá trình khai hoang mở đất, lấn biển, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân cũng được phát triển. Năm 1797 giáo xứ Xương Điền được thành lập. Đến năm 1877, xứ Xương Điền lập thêm và xây dựng nhà thờ họ Trái Tim Chúa lần thứ nhất, khi đó nhà thờ còn đơn sơ, được xây dựng trên diện tích 14m x 7m và được lợp mái bổi. Từ thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XX, khu "Cồn Cát Bể" đã rơi vào tình trạng bị biển lấn, bãi thoái nhanh, do đê biển được đào đắp bằng đất nên không chịu được với sóng lấn và sự xâm thực của biển. Năm 1917, nhân dân đã bắt tay vào xây dựng tái thiết nhà thờ giáo họ lần thứ 2 lùi sâu vào phía trong khoảng 3.000m so với vị trí cũ với bản thiết kế của một kiến trúc sư người Pháp. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927 trên khuôn viên rộng 9.330m2, có chiều dài 47m, rộng 15m, tháp chuông cao 27m, vòm thánh giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí tỉ mỉ mang phong cách châu Âu. Ngoài ra nhà thờ còn có nhà quán dài 29m, rộng 6,4m, cao 4,5m.

Ngư dân các xã Hải Lý, Hải Đông, Hải Triều khai thác thủy sản bằng phương pháp cất Te.
Ngư dân các xã Hải Lý, Hải Đông, Hải Triều khai thác thủy sản bằng phương pháp cất Te.

Trong quá trình sử dụng, với sự xâm lấn không ngừng của biển, năm 1998 giáo họ Trái Tim Chúa tiếp tục phải di chuyển vào trong nội địa xây dựng nhà thờ lần thứ 3. Năm 2003, nhà thờ Trái tim Chúa lần thứ 3 được hoàn thành với khuôn viên rộng 3.700m2, nhà thờ dài 47m, rộng 15m, tháp chuông cao 37m, thiết kế kiểu 4 mái, bằng bê tông kiên cố. Năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá lớn, đã phá hủy toàn tuyến đê bao phía ngoài, "xóa sổ” làng chài dọc bãi biển Xương Điền - Văn Lý; nền móng, tháp chuông còn để lại của một số nhà thờ cũ sau khi đã được di chuyển cũng bị đánh đổ hoàn toàn như: Nhà thờ giáo họ Thánh Phê-rô, giáo họ Thánh Madalena... Riêng nhà thờ giáo họ Trái Tim Chúa (dấu tích còn lại của nhà thờ được tái thiết, xây dựng lần thứ 2) vẫn còn lại tháp chuông và nền nhà thờ và một phần tường phía bắc của nhà thờ, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Những năm qua, thực hiện Công văn số 162/UBND-VP7 ngày 30/6/2015 của UBND tỉnh về việc nghiên cứu, bảo tồn nhà thờ đổ Hải Lý, huyện Hải Hậu phối hợp với sở, ngành tổ nhiều hội nghị bàn các biện pháp để bảo tồn lâu dài di tích nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý. Thông qua các hội nghị, đều nêu rõ việc bảo tồn di tích tháp chuông là rất cần thiết, vì Nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là chứng tích duy nhất ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới cần được giữ gìn, bảo vệ và khai thác nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Việc bảo tồn di tích tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là sự ghi nhận công lao to lớn của nhân dân Hải Hậu nói riêng và của nhân dân trong tỉnh nói chung trong công cuộc khai hoang, lấn biển, chống biển lấn bảo vệ sản xuất trong lịch sử. Đồng thời, nếu được tổ chức bảo tồn tốt, nơi đây sẽ là thắng cảnh thu hút du khách về tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học..., góp phần phát triển du lịch địa phương. 

Nhà thờ đổ Hải Lý ngày càng thu hút du khách về tham quan, tắm biển
Nhà thờ đổ Hải Lý ngày càng thu hút du khách về tham quan, tắm biển.

Đồng chí Trần Minh Hải, TUV, Bí thư Huyện ủy Hậu Hậu cho biết: Hải Hậu có nhiều tài nguyên có thể khai thác để phát triển các loại hình du lịch, trong đó phải kể đến bờ biển kéo dài (32km) là cơ sở phát triển du lịch biển gắn với du lịch bảo tồn chứng tích BĐKH; sự đa dạng, phong phú của các thắng tích, các lễ hội truyền thống; bước đầu hình thành thương hiệu “miền quê đáng sống”, là cơ sở để xây dựng tour du lịch trải nghiệm đồng quê nông thôn. Điểm nhấn về thiên nhiên của huyện Hải Hậu đã và đang hình thành nên 4 điểm có tiềm năng khai thác du lịch biển là: Bãi biển thị trấn Thịnh Long, khu vực nhà thờ đổ xã Hải Lý, bãi biển xã Hải Đông, Hải Chính. Những bãi biển của Hải Hậu trải dài thoải, cát mịn; bên cạnh đó, khu vực xã Hải Lý, Hải Hòa, Hải Đông, thị trấn Thịnh Long… có rừng ngập mặn sú vẹt và rừng phi lao thu hút chim di trú mỗi năm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra: “… Phát triển du lịch biển gắn với du lịch bảo tồn chứng tích BĐKH, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đồng quê nông thôn mới; hình thành các khu du lịch và tua du lịch kết nối Hải Đông - Nhà thờ đổ Hải Lý - Thịnh Long, khu di tích lịch sử cầu Ngói - chùa Lương, làng nghề...”, tạo cơ sở pháp lý phát triển du lịch - dịch vụ thành một trong những ngành kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu Trần Thế Anh: Ngày 29/2/2024, UBND huyện Hải Hậu ban hành Quyết định số 1252/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch huyện Hải Hậu đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Việc xây dựng Đề án là cụ thể hóa các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo tỉnh thần: Nghị quyết của Bộ Chính trị số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 16/8/2021 của BaCH Đảng bộ huyện Hải Hậu khóa XXVII về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển giai đoạn 2021-2025.

Nghề làm muối và sản phẩm Muối sạch xã Hải Đông đạt OCOP3 sao
Nghề làm muối và sản phẩm Muối sạch xã Hải Đông đạt OCOP3 sao.

Hiện, hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng trên địa bàn Hải Hậu được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ: Các tuyến đường quốc lộ 21A, 21B, 37B, đường bộ ven biển, tỉnh lộ; riêng đường sông, đường huyện, liên xã được quy hoạch theo ô bàn cờ thuận lợi cho việc di chuyển. nhiều tuyến đường kết nối liên vùng, vùng đi qua địa phận huyện Hải Hậu (đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển) và các tuyến tỉnh, huyện lộ (đường Trung - Hòa (giai đoạn III), đường Tây sông Múc, đường Nam - Trung) tạo ra nhiều lợi thế cho huyện phát triển, thu hút khách du lịch. Năm 2023, có 100 nghìn lượt khách đến với Hải Hậu, tổng thu từ khách 40 tỷ đồng; trên địa bàn huyện có 178 cơ sở lưu trú với trên 1.200 phòng phục vụ khách du lịch.

Nghề làm kèn tây làng Phạm Pháo, xã Hải Minh thu hút đông đảo du khách theo mô hình du lịch đồng quê
Nghề làm kèn tây làng Phạm Pháo, xã Hải Minh thu hút đông đảo du khách theo mô hình du lịch đồng quê.

Huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư để khảo sát, xây dựng Khu bảo tồn chứng tích BĐKH nhà thờ đổ xã Hải Lý. Tập trung hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển tại Hải Hòa và thị trấn Thịnh Long; các xã ven biển Hải Đông, Hải Chính, Hải Triều cũng tiến hành tu sửa, xử lý một số điểm đê xung yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, góp phần ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp phát triển du lịch - dịch vụ. Bước đầu, huyện mới hình thành một số nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu, gồm: Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển: Du lịch biển Thịnh Long, khu chứng tích BĐKH nhà thờ đổ xã Hải Lý, bãi biển xã Hải Đông, Hải Chính. Hình thành được các điểm du lịch gắn với văn hóa tâm linh tại các cơ sở thờ tự (đền, đình, chùa, giáo xứ, nhà thờ,...) như: Cầu Ngói - Chùa Lương (xã Hải Anh), chùa Phúc Sơn (xã Hải Trung), đền Bảo Ninh (xã Hải Phương), chùa Quy Hồn (thị trấn Cồn), chùa Phúc An (thị trấn Yên Định), chùa Xã Hạ (xã Hải Bắc); giáo xứ Tân Bồi (xã Hải Minh), đền thánh Hưng Nghĩa (xã Hải Hưng), giáo xứ Xương Điền (xã Hải Lý), giáo họ Đông Biên (thị trấn Yên Định),…

Biểu diễn nhạc kèn trong Ngày hội Văn hóa - thể thao truyền thống huyện Hải Hậu
Biểu diễn nghệ thuật Cà kheo và nhạc kèn trong Ngày hội Văn hóa - thể thao truyền thống huyện Hải Hậu.

Hải Hậu tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có giá trị kinh tế cao, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương, tạo ưu thế nâng cao năng lực cạnh tranh. Tham gia các chương trình giới thiệu du lịch Hải Hậu, du lịch Nam Định ở trong nước, các tỉnh, thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…) và nước ngoài, đặc biệt là ở những thị trường mục tiêu như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp… Xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH, lồng ghép các phương án thích ứng với BĐKH trong quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư du lịch; Xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ở những khu vực có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của BĐKH cần được tính toán kỹ lưỡng để hạn chế tới mức thấp nhất tác động của BĐKH đảm bảo việc chống chịu và ứng phó lâu dài.

Bài: Việt Thắng
Ảnh: Việt Thắng, Hòa Vương

 

 



Xem thêm bình luận