Làng chài nhỏ Xương Điền, xã Hải Lý (Hải Hậu) được hình thành từ rất lâu. Trải qua bao sóng gió thăng trầm, làng chài vẫn tồn tại và phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Ngư dân chuẩn bị lưới cho chuyến vươn khơi. |
Làng chài hiện có khoảng hơn 100 thuyền (mủng) lớn nhỏ và chủ yếu đánh bắt gần bờ. Do những phương tiện đánh bắt thô sơ nên các thuyền nhỏ chỉ đủ vừa một, hai người ra khơi. Thông thường, ngư dân ra khơi vào 2 khung giờ (lúc 1 giờ và 4 giờ sáng) tùy theo thuyền đánh bắt loại hải sản nào. Đến khoảng 6 giờ sáng, không khí nhộn nhịp của "kẻ bán, người mua" phủ kín bãi biển. Cuộc sống và thu nhập của họ phụ thuộc vào những ngày ra khơi nên mỗi chuyến thuyền cập bến, nhìn nét mặt của mỗi ngư dân có thể đoán được kết quả sau thời gian lênh đênh trên biển. Mỗi thuyền, mủng trở về dù ít nhiều cũng có thu nhập.
Đưa thuyền vào bờ sau chuyến vươn khơi. |
Anh Nguyễn Văn Toàn ở xóm 5 vừa trở về sau chuyến ra khơi lúc 4 giờ sáng chia sẻ: "Tôi thường ra khơi vào khung giờ này để đánh bắt tôm, cá nhỏ và trở về vào khoảng 9 giờ. Hôm nay do thời tiết thuận lợi nên lượng tôm, cá đánh bắt được cũng tương đối. Sau mỗi chuyến đi trở về, hải sản sẽ được người dân thu mua ngay sau khi thuyền cập bến. Nếu thời tiết thuận lợi, gặp được luồng cá tôm thì sẽ bán được từ 1 đến 3 triệu đồng, chuyến ít cũng được 500 nghìn đến 1 triệu đồng, trừ mọi chi phí sẽ được 300 nghìn đến trên dưới 1 triệu đồng".
Những thành quả sau một chuyến biển. |
Trước đây anh Toàn chuyên đánh bắt xa bờ nhưng hơn chục năm nay do chi phí nhiên liệu cao, hải sản ít dần cùng với những rủi ro khi lênh đênh xa bờ nên anh chuyển qua đánh bắt gần bờ, khoảng 3 hải lý, vừa ít thời gian trên biển lại an toàn hơn. Tuy đánh bắt khu vực cận bờ nhưng cũng đầy vất vả, hiểm nguy. Bình thường mỗi chiếc thuyền ra khơi chỉ có một mình anh, vừa là người điều khiển thuyền, thả lưới, thu lưới và ứng phó với tình huống bất thường trên biển.
Những đôi tay khéo léo gỡ lộc biển. |
Cũng như anh Toàn, đàn ông ở xóm 5 cũng chọn đánh bắt gần bờ, với khoảng 30 chiếc thuyền, mủng nhỏ. Mỗi thuyền chuyên đánh bắt một loại hải sản nhất định: Cá, tôm, bề bề, ghẹ..., bởi vậy, việc dùng lưới đánh bắt cũng được chuẩn bị sao cho phù hợp. Sau mỗi lần ra khơi, lưới đánh cá tôm thường bị rách, mỗi năm phải thay 2 lần. Mỗi lần thay giá xấp xỉ từ 5 đến 10 triệu đồng. Chỉ những ngày thời tiết xấu các thuyền viên mới nghỉ không ra khơi bởi thu nhập của cả gia đình đều phụ thuộc hết vào những chuyến đi này. Khi những người đàn ông ra khơi, phụ nữ Xương Điền thường ở nhà chăm con và ra bãi chờ thuyền về từ sớm. Có người chờ thu mua, có người chờ chồng về để phụ tay gỡ cá. Nhưng dù người đi hay người ở lại, tất thảy đều mang hy vọng về một ngày mới tươi sáng từ biển cả.
Những thành quả sau một chuyến đi biển. |
Thoăn thoắt gỡ những con cá, con ghẹ đang quẫy ra khỏi mắt lưới, chị Nguyễn Thị Hằng ở xóm 7 hứng khởi cho biết: “Là người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, trước đây tôi hay phụ giúp bố mẹ ra biển gỡ lưới, đến khi lấy chồng lại phụ giúp chồng. Dù chồng tham gia đánh bắt gần bờ, “có hội, có thuyền” nhưng thời gian chờ chồng quay về sau mỗi chuyến ra biển cũng xa vời vợi bởi thuyền thường đi lúc 1 giờ đêm, không thiết bị hiện đại, tất cả chỉ nhờ vào kinh nghiệm. Việc đánh bắt vì thế cũng đầy vất vả, hiểm nguy, nhất là những khi gặp sóng to, gió lớn. Hôm nay gặp luồng ghẹ nên thuyền của gia đình tôi đánh bắt được khá hơn mọi khi”. Nhà chị Hằng cũng như nhiều gia đình trong xứ Xương Điền này, bấy lâu nay chỉ trông vào nghề biển. Cá tôm thì ở đâu cũng ít dần, giá dầu, ngư cụ lên cao, thêm nỗi lo vì chuyện mất lưới, mất chỗ đánh bắt nên thu nhập của các thuyền không được là bao. Sau mỗi chuyến ra khơi trở về, hải sản được mua bán ngay trên bờ biển và diễn ra rất nhanh chóng bởi các chủ thuyền hầu như không nói thách. Những người dân xung quanh muốn dạo chợ bãi biển buổi sáng sớm cũng có thể mua tôm, cua, mực, cá tươi ngon ở ngay chân sóng để có một bữa hải sản đậm vị đại dương. Khoảng 9 giờ sáng khi hoạt động mua bán đã xong, những ngư dân lại cùng vợ, con gỡ lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào sáng sớm hôm sau.
Hoạt động mua bán diễn ra ngay bên bờ biển. |
Không khí lao động luôn rộn ràng, hối hả nhưng đầy ắp tiếng cười rộn rã. Với những người dân nơi đây, biển là nguồn sống, dù nghề khai thác biển bấp bênh, nguy hiểm nhưng vẫn một lòng gắn bó với biển, với quê hương./.
Bài và ảnh: Hồng Minh - Thanh Hoa