Độc đáo múa rối nước làng Rạch
.

Độc đáo múa rối nước làng Rạch

07:40, 01/11/2023

Từ lâu, với người dân làng Rạch, xã Hồng Quang (Nam Trực), nghệ thuật múa rối nước đã trở thành niềm tự hào và là "món ăn tinh thần" từ đời này qua đời khác. Đây cũng được xem là nơi có nghệ thuật múa rối nước lâu đời nhất tỉnh.

 

Theo các cụ cao niên trong làng truyền kể, năm 1755, cụ Mai Văn Kha làm nghề thợ chạm đứng ra tập hợp những người biết múa rối trong thôn lập nên phường rối nước Nam Chấn (làng Rạch trước kia còn có tên là vùng Nam Chấn). Sẵn nghề tạc tượng, sơn mài, người dân đã tự tạo nên các con trò như: chú tễu, các tiên nữ, con rối long, ly, quy, phượng…

 

Các con trò dùng để biểu diễn của các nghệ nhân múa rối nước ở làng Rạch.
Các con trò dùng để biểu diễn của các nghệ nhân múa rối nước ở làng Rạch.

 

Trước đây, phường rối làng Rạch thường biểu diễn ở ao làng. Buồng trò được làm bằng tre nứa, mành che là vải xanh thêu bốn chữ “Quốc trung hữu Thánh”, tức là "trung với nước và cung phụng Thánh". Tới năm 1987, làng đã xây dựng được ngôi thủy đình rộng hơn 2.000m2 để thuận tiện cho việc biểu diễn. Bên cạnh thủy đình là một nhà trưng bày và bảo quản các con trò.

 

 Hàng năm, cứ đến ngày 16 tháng Giêng mở hội làng, làng lại tổ chức biểu diễn múa rối tôn vinh công đức Thành hoàng làng, cũng là dịp nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn những vị tổ nghề. Cứ mỗi khi phường rối biểu diễn, mọi người từ già, trẻ, gái, trai lại gọi nhau đi xem khiến cho không khí làng quê nhộn nhịp hơn thường lệ.

 

Các con trò dùng để biểu diễn của các nghệ nhân múa rối nước ở làng Rạch.
Các con trò dùng để biểu diễn của các nghệ nhân múa rối nước ở làng Rạch.

 

Dưới bàn tay khéo léo điều khiển của người làng Rạch, những vũ điệu rối sinh động như được thổi hồn. Người dân làng Rạch khéo léo khai thác tính động của nước hỗ trợ cho quân rối trở nên tinh tế, xóa đi sự thô cứng của gỗ, tạo nên màn diễn rối tưng bừng, náo nhiệt.

 

 Hiện tại, đoàn múa rối của làng đã dựng được 18 tiết mục, chủ yếu tái tạo những sinh hoạt nông nghiệp và đời sống văn hóa của cư dân Đồng bằng Bắc Bộ: cày cấy, chăn nuôi, săn bắt, dệt vải hay những hoạt động hội hè như rước sách, chọi trâu, đánh đu hoặc những trò ca ngợi tín ngưỡng vật linh như: múa rồng, múa lân…

 

Cùng với múa rối, làng Rạch được biết đến là nơi tạc con trò đẹp và có hồn nhất miền Bắc.

 

Cùng với múa rối, làng Rạch được biết đến là nơi tạc con trò đẹp và có hồn nhất miền Bắc. Từ trước đến nay, nhiều phường rối ở Thái Bình, Hà Nội, Nhà hát múa rối Trung ương và một số đơn vị nghệ thuật đã tìm đến làng Rạch để đặt hàng mua con trò. Những con rối được các nghệ nhân làm bằng gỗ, được đục đẽo với những đường nét cách điệu riêng sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét, tính cách cho từng nhân vật.

 

Chất liệu làm nên con rối thường là loại gỗ sung, một loại gỗ dai, nhẹ, dẻo để con rối có thể nổi trên mặt nước và người điều khiển con rối có thể dễ dàng biểu diễn. Dù tạc liền một khối gỗ hay chắp lại đều có hai phần gắn liền nhau đó là phần thân và phần đế. Phần thân là phần nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp máy điều khiển cho quân rối cử động.

 

Các nghệ nhân múa rối nước làng Rạch kiểm tra lại các con trò trước và sau mỗi buổi biểu diễn.
Các nghệ nhân múa rối nước làng Rạch kiểm tra lại các con trò trước và sau mỗi buổi biểu diễn.

 

Trải qua thời gian, nghệ thuật múa rối có lúc thăng, trầm song người dân làng Rạch vẫn cố gắng gìn giữ vẹn nguyên những giá trị văn hóa cha ông để lại. Hiện tại, đoàn rối nước làng Rạch có 18 người gồm diễn viên, phụ trách âm thanh ánh sáng, đạo diễn, tạo hình. Lãnh đạo địa phương đã tạo mọi điều kiện giúp phường rối. Đầu năm 2023, UBND xã đã hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng để tôn tạo thủy đình; đồng thời tạo mọi điều kiện giúp các phường rối tham gia biểu diễn phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài xã, giúp duy trì hoạt động bảo tồn văn hóa lâu đời.

 

Hàng năm, đoàn biểu diễn múa rối của làng có hàng chục buổi lưu diễn tại các lễ hội và trường học ở các địa phương trong và ngoài tỉnh giúp thế hệ trẻ Nam Định ý thức hơn trong việc gìn giữ nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đồng thời góp phần nuôi dưỡng nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ, đào tạo thế hệ kế cận cho từng thể loại nghệ thuật và sân khấu truyền thống. Bên cạnh đó, các phường rối đã góp phần giới thiệu, quảng bá nét văn hóa của địa phương tới du khách; nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đã tìm đến làng Rạch để tìm hiểu sâu hơn về môn nghệ thuật này./.

Bài và ảnh: Hồng Minh - Thanh Hoa
Ngày xuất bản: 1-11-2023

 



Xem thêm bình luận