Năm 2019, tỉnh ta bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Với lợi thế là tỉnh có vùng nông thôn trù phú, nền nông nghiệp lâu đời, nhiều làng nghề, xã nghề truyền thống, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chương trình, từ đó ngày càng có nhiều sản phẩm được xếp hạng. Nam Định được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá cao và xếp vào tốp 10 tỉnh tiêu biểu trong triển khai chương trình OCOP.
HTX Nấm và TTCN Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. |
Đến nay, toàn tỉnh đã có 330 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, có 2 sản phẩm nghêu thịt hộp Lenger (Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam) và gạo sạch chất lượng cao 888 (Công ty TNHH Toản Xuân) được UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh rất đa dạng, phong phú, mang tính đặc trưng cho từng vùng miền, từ các loại thực phẩm, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ đến sản phẩm du lịch nông thôn…
Sản phẩm "Lộc bình an" được xếp hạng OCOP 3 sao của anh Đặng Tiến Lương, xã Nam Thanh (Nam Trực). |
Trong đó, nhóm sản phẩm thực phẩm chiếm nhiều nhất với 307 sản phẩm (93,31%). Hầu hết các sản phẩm có nguyên liệu từ nông nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp, do chính nông dân, ngư dân, diêm dân, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp ở địa phương làm ra. Tiêu biểu như gạo sạch Toản Xuân đã được xếp hạng OCOP 4 sao là sản phẩm liên kết sản xuất giữa nông dân nhiều địa phương trong tỉnh với Công ty TNHH Toản Xuân, theo quy trình 9 bước chặt chẽ, từ xác định vùng nguyên liệu, chọn giống, làm đất và gieo cấy, chăm sóc và phòng ngừa dịch hại, thu hoạch, sấy thóc, bảo quản, chế biến, lưu kho thành phẩm.
Công nhân Công ty cổ phần nông nghiệp VIAGRI xã Trực Chính (Trực Ninh) sơ chế nguyên liệu làm trà củ sen và tinh bột củ sen. |
Đặc biệt, tỉnh ta có 3 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn đã góp phần thiết thực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, được nhiều du khách thiện cảm khi đến trải nghiệm, đó là: Ecohost Hải Hậu, Du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân (Giao Thủy), Du lịch sinh thái Núi Ngăm, xã Minh Tân (Vụ Bản).
Công ty cổ phần nông nghiệp VIAGRI xã Trực Chính (Trực Ninh) có 2 sản phẩm được công nhận OCOP gồm trà củ sen và tinh bột củ sen. |
Các sản phẩm OCOP với chất lượng tốt, hình thức bao bì đẹp, đảm bảo quy định, đặc trưng cho từng vùng miền được thị trường, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao, có mặt trong hệ thống các siêu thị, nhiều sản phẩm được xuất khẩu… Trong đó, sản phẩm nghêu thịt hộp lenger của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam tự hào là sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Năm 2022, Công ty đã xuất khẩu 7.500 tấn, đạt 14 triệu USD và bán trong nước 1.134 tấn, đạt doanh thu trên 45 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Muối và thương mại Nam Định có 5 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản từ năm 2017, đó là muối xuất khẩu Nhật Bản NADISALT; đồng thời còn nghiên cứu và sản xuất thành công muối biển nhạt Royal, đã và đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ…
Sản phẩm OCOP "Bún phở khô PAMPA", "Gạo mầm tươi" của hội viên nông dân huyện Nghĩa Hưng. |
Trong triển khai chương trình, các huyện, thành phố đã khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương. Huyện Giao Thủy hiện là địa phương có số lượng sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP nhiều nhất. Tiêu biểu phải kể đến sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân, mật ong sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy, nước mắm thủ công truyền thống Sa Châu, nem nắm, gạo Đài thơm 8, nếp cái hoa vàng, dưa lê siêu ngọt, dưa hấu trồng theo công nghệ hữu cơ, sản phẩm muối sạch, muối tinh, muối bột canh, củ gai sấy khô, nấm linh chi, mộc nhĩ, nấm sò trắng, nấm sò nâu, tép moi sấy khô, ngũ cốc lợi sữa, ngũ cốc dinh dưỡng, ngũ cốc mẹ bầu, ruốc tôm, tôm he, tôm sú sấy, cá thu, cá vược…
Sản phẩm nước mắm Ninh Cơ của Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. |
Huyện Hải Hậu có 84 sản phẩm được UBND tỉnh xếp hạng 3-4 sao, trong đó có nhiều sản phẩm của nông dân. Điển hình là HTX dịch vụ Linh Phát, xã Hải Chính có 3 sản phẩm gồm rượu nấm linh chi Linh Phát, nấm bào ngư, nấm linh chi Linh Phát. HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc, xã Hải Lộc có sản phẩm trà dây thìa canh. HTX dược liệu Hải Hậu ACT với các sản phẩm trà dây thìa canh, cao dây thìa canh. HTX trồng và mua bán sơ chế dược liệu Hải Ninh với sản phẩm rễ đinh lăng sấy khô. HTX nuôi trồng, chế biến thủy sản Hải Điền có các sản phẩm chả cá Hải Điền, chả mực Hải Điền. HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Phong, xã Hải Phong có sản phẩm cà tím Hải Phong. HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hải Hà với sản phẩm gạo nếp Vò Gi. HTX kinh doanh dịch vụ Liên Minh với sản phẩm miến dong Trâm Gà. HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Tân với sản phẩm ổi lê. HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Trung với sản phẩm bột hoàng thanh…
Khách hàng tra cứu xuất xứ sản phẩm "Yến sào Đinh Thuận" được công nhận OCOP qua điện thoại thông minh. |
Huyện Nghĩa Hưng cũng là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng, bao gồm gạo nếp bắc Nghĩa Bình, gạo huyết rồng Nghĩa Bình, mỳ phở Minh Khang, cà chua sinh thái Nam Điền, cá kho Tuyến Loan, ruốc cá Tuyến Loan, nấm bào ngư Gia Bình, gạo nếp thơm Giáo Lạc, cá chạch kho, nước mắm Lạch Giang, mắm tôm Văn Quang. Huyện Trực Ninh đến nay có 18/21 xã, thị trấn có sản phẩm tham gia chương trình OCOP với 36 sản phẩm của 24 tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên, trong đó có 6 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Tiêu biểu là các sản phẩm nấm Linh Chi của HTX nấm Nhật Bằng, xã Trực Thái; gạo nếp đặc sản Trực Thanh của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trực Thanh, xã Trực Thanh; gạo ST25 Đăng Dung của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trực Liêm, xã Liêm Hải; mực đông lạnh Hùng Cường của HTX dịch vụ nông nghiệp môi trường và thủy sản Hùng Cường, xã Trực Cường; vải tơ tằm thủ công truyền thống Chất Silk của HTX lụa Cổ Chất, xã Phương Định…
Công đoạn thái sợi bánh đa của cơ sở Dũng Trang, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). |
Để thúc đẩy chương trình OCOP, các cấp, các ngành liên quan đã tăng cường chuyển đổi số nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả trung ương và địa phương... Năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí Chương trình OCOP cho 65 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng.
Bánh đa đã được thái sợi của cơ sở Dũng Trang, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. |
Hiện nay, tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP từ sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương còn rất lớn. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình, phát triển sản phẩm OCOP, coi đây là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất - thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Lam Hồng - Ngọc Linh