Mùa Thu hàng năm, hàng nghìn du khách thập phương lại nô nức trẩy hội Chùa Cổ Lễ. “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mười tư tháng Chín thì về hội Ông”. Chùa Cổ Lễ (Thần Quang tự) được khởi dựng từ thời Lý (thế kỷ XII) do Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không xây dựng, là một trong những danh lam nổi tiếng của Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, Hòa thượng Thích Quang Tuyên cùng với nhân dân, tín đồ xây dựng lại chùa mang phong cách “Cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp với phương Tây”.
Chùa Cổ Lễ ngoài thờ Phật còn thờ Đức Thánh Tổ Thiền sư Nguyễn Minh Không, một vị Quốc sư thời Lý có nhiều công lao đóng góp cho đất nước và nhân dân, trong đó có nhân dân vùng Giao Thủy xưa - Cổ Lễ ngày nay. Đây là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật độc đáo hiếm có tại Việt Nam, có kết cấu “Tiền Phật, hậu Thánh” nhưng lại mang dáng dấp của một thánh đường Gia-tô giáo với mái vòm, trần, tường có những bức bích họa rực rỡ vừa hiện đại, vừa cổ kính.
Lễ rước Phật. |
Chùa Cổ Lễ là một chỉnh thể gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau, trải rộng theo hướng Đông Tây như: cổng chùa, Tháp Cửu phẩm liên hoa, cầu cuốn, Tam quan, Phật giáo Hội quán, Đền thờ Trần Hưng Đạo (Linh Quang từ), Phủ Mẫu, chùa chính, nhà Tổ, nhà khách, phòng tăng, pháp đường, gác chuông “Kim Chung Bảo Các”.... Trong chùa còn có Đại Hồng Chung, quả chuông lớn nhất cả nước cao 4,2m, nặng 9 tấn.
Ngoài giá trị văn hoá, kiến trúc độc đáo, chùa Cổ Lễ còn mang nhiều giá trị lịch sử. Năm 1947, tại chùa đã làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, xung phong ra trận bảo vệ Tổ quốc. Chùa Cổ Lễ còn là nơi trụ trì của Hòa thượng Thích Thế Long, nhà hoạt động cách mạng, từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Phật giáo châu Á, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa VII, có nhiều đóng góp cho Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Đồng thời thể hiện rõ tư tưởng nhập thế “Đạo” gắn kết với “Đời” của thiền phái Trúc Lâm do Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, luôn đồng hành cùng dân tộc và đất nước.
Người dân nô nức đi xem hội. |
Lễ hội chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng Chín âm lịch hàng năm, nhằm kỷ niệm ngày sinh của Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, người có công cứu nước giúp dân, dạy dân nghề chài lưới, nông nghiệp, đúc đồng, làm thuốc…, là vị Thành hoàng, vị Phúc thần bảo an, che chở cho hạnh phúc của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Về dự hội, du khách không những được ôn lại công tích, tưởng nhớ tới Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không mà còn có dịp để lễ Phật, đắm mình trong cõi tâm linh, với nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống như: lễ rước Phật, Đức Thánh Tổ và các tiết mục diễn xướng tâm kinh, trò chơi dân gian: đấu vật, cờ người, múa lân sư rồng, hát chèo, hát văn… đặc biệt là hội thi bơi chải được tổ chức trên sông quanh chùa.
Đây là hội thi thu hút hàng trăm lực điền cho đến các thanh niên tráng kiện thuộc 5 dòng họ lớn trong thị trấn là: Nguyễn, Phan, Lê, Dương và Dương Đào Phạm (Dương nhì), chia làm 4 chải, mỗi chải 15 người bao gồm 12 tay chèo, 1 tay lái, 1 tay mõ và 1 người tát nước. Tham dự hội thi bơi chải còn giúp du khách hình dung sự gắn bó của Thánh với đồng đất, kênh rạch nơi đây. Trước khi hạ chải, các dòng họ tổ chức hạ chải, rước kiệu tổ họ lên chùa hầu Thánh. Trên đường rước kiệu có đội bát âm, đội cờ, đội kèn, trống…, dưới sông có các đội bơi chải diễn lễ “bơi chầu Thánh”.
Du khách đi chùa cầu mong mọi điều bình an. |
“Hễ mà bơi chải râm ran/ Thánh cho đôi chữ bình an đời đời” - Bài kệ chùa Cổ Lễ. Trong không khí hò reo vang dội của người tham gia và cổ vũ, các tay chải đều cố gắng bơi “nước rút” để đưa chải mình về đích và giành chiến thắng. Tại lễ hội chùa Cổ Lễ hàng năm còn có một nghi thức rất đặc biệt, thiêng liêng, là tổ chức nghi lễ dâng hương tưởng niệm các nhà sư hy sinh trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Đây là một nghi lễ rất độc đáo, riêng biệt mà không phải ngôi chùa nào cũng có được.
Bơi chải là hoạt động văn hóa dân gian được người dân và đông đảo du khách quan tâm nhất. |
Hội chùa Cổ Lễ là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định còn bảo lưu được nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn, phản ánh đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Với những giá trị tiêu biểu, năm 1988, chùa Cổ Lễ được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH, TT và DL) xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Người dân tham quan triển lãm cây cảnh tại lễ hội. |
Đặc biệt, năm 2023, Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL ký Quyết định số 472/QĐ-BVHTTDL đưa “Lễ hội chùa Cổ Lễ” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm đáp ứng nguyện vọng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của quê hương, dân tộc, hứa hẹn là điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh./.
Bài: Hoa Xuân - Văn Huỳnh
Ảnh: Hoa Xuân, Văn Huỳnh và Chu Thế Vĩnh
Ngày xuất bản: 29-10-2023