Thiêng liêng nghi thức thượng cờ đầu xuân
.

Thiêng liêng nghi thức thượng cờ đầu xuân

08:12, 13/02/2024

 

Nghi thức thượng cờ là hoạt động thiêng liêng, đặc biệt không thể thiếu vào dịp Tết đến, Xuân về. Nếu Lễ thượng cờ ở Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) được tổ chức trang trọng với mong muốn một năm mới “quốc thái, dân an”, nhằm nhắc nhở các thế hệ cháu con tri ân công đức tổ tiên, thì nghi thức chào cờ đầu năm ở thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa thể hiện quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân luôn đoàn kết, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cụ Trần Huy Chiến, tổ trưởng tổ từ Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) cho biết: “Từ xa xưa, lễ hội Đền Trần thường được tổ chức vào dịp đầu Xuân và mùa thu (tháng Tám). Mỗi dịp lễ hội đều có nghi thức mở đầu là lễ thượng cờ và mở cửa đền. Trong đó, nghi thức thượng cờ là một nghi thức quan trọng vừa mang ý nghĩa cầu quốc thái, dân an, vừa là dịp để thông báo chuẩn bị khai hội với người dân bản địa và du khách thập phương”. Đã thành thông lệ từ xưa, chuẩn bị cho lễ hội Khai ấn Đền Trần dịp Xuân, đúng 7 giờ sáng ngày 25 tháng Chạp, các bậc cao niên cùng các đại biểu, nhân dân có mặt đông đủ tại đền để làm lễ thượng cờ. Mở đầu là nghi thức dâng chúc văn, 14 vị cao niên của làng mang sắc phục thực hiện nghi lễ tại các Đền Cố Trạch, Thiên Trường, Trùng Hoa. Cụ Trần Huy Chiến, tổ trưởng tổ từ đền là người đọc chúc văn nhiều năm nay. 

Các bậc cao niên và thủ từ Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) thực hiện nghi lễ xin thượng cờ.
Các bậc cao niên và thủ từ Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) thực hiện nghi lễ xin thượng cờ.

Nội dung chúc văn cung thỉnh tiên tổ Trần triều, Đức thánh Đại Vương Trần Quốc Tuấn, văn quan võ tướng, hoàng thân quốc thích vương triều Trần chứng lễ thượng cờ… Sau nghi thức đọc chúc văn, các bậc cao niên cùng các vị đại biểu tập trung tại khu vực cổng Đền Trần, trong giờ phút linh thiêng, tổ trưởng tổ từ hô vang “Giờ thượng cờ bắt đầu”, lúc này, chiêng trống 3 đền nổi lên, cờ từ từ được kéo lên đỉnh cột. Sau đó, đoàn tiếp tục lần lượt làm lễ thượng cờ ở Đền Cố Trạch và khu vực giếng Rồng. 

Cụ Trần Huy Chiến cho biết thêm: Để chuẩn bị cho lễ thượng cờ, các lễ vật là hoa, quả được tuyển chọn cẩn trọng với màu sắc, kích thước đều nhau. Các lá cờ được dâng lên các ban thờ để các vị Vua và Đức Thánh Trần chứng giám. Các cột cờ được kiểm tra kỹ lưỡng. Trước đây, cột cờ được làm bằng thân tre dài 7m được cắm vào lỗ tảng đá. Đến nay, các cột cờ đều được làm từ chất liệu kim loại chắc chắn và cao hơn. 2 cột cờ khu vực cổng đền có chiều cao lần lượt 23,7m và 23,5m; cột cờ Đền Cố Trạch cao 16m và cột ở giếng Rồng cao 5m. Tương ứng với các cột là từng loại cờ được treo. 2 lá cờ treo ở cổng đền gồm cờ Tổ quốc và cờ họ “Trần” bằng chữ Hán với diện tích 54m2; lá cờ ở Đền Cố Trạch thêu dòng chữ Hán “Trần triều hiển thánh” với diện tích 16m2; cờ tại khu vực giếng Rồng có diện tích 9m2. Một trong những luật lệ nghiêm ngặt của nghi thức thượng cờ, đó là người kéo cờ phải đảm bảo tiêu chí gia đình song toàn, trong năm không có tang chế. Trong lúc kéo cờ, phải kéo theo nhịp chiêng trống; thời điểm tiếng trống cuối cùng vang lên là lúc cờ ở trên đỉnh cột. Sau đó, ngày 30 tháng Giêng hoặc mùng 1 tháng 2 âm lịch, đền tổ chức lễ hạ cờ họ “Trần” và cờ Tổ quốc ở khu vực cổng đền. 

Tổ chức nghi thức thượng cờ tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định).
Tổ chức nghi thức thượng cờ tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định).

Lễ hội Đền Trần đã được nhân dân làng Tức Mặc - cố hương nhà Trần và cộng đồng sáng tạo, duy trì, bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ. Mặc dù, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, gián đoạn do chiến tranh, nhưng đến nay, các nghi thức cổ vẫn được duy trì và có sức lan tỏa, phát triển. Các nghi thức cổ trong lễ hội được bảo tồn đã thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân, cộng đồng đối với những người có công với dân với nước, các anh hùng dân tộc. Lễ hội truyền thống tại Đền Trần Nam Định với những giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học đặc sắc được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Lá cờ Tổ quốc và cờ thêu chữ Trần tung bay trong lễ hội Đền Trần.
Lá cờ Tổ quốc và cờ thêu chữ "Trần" tung bay trong lễ hội Đền Trần.

Cũng như ở đất liền, quân và dân trên quần đảo Trường Sa thường tổ chức lễ chào cờ vào mỗi thứ Hai đầu tuần và những ngày lễ, Tết. Trong chuyến hải trình, đi thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa năm 2023, chúng tôi vinh dự được tham dự lễ chào cờ đầu năm trên đảo Trường Sa. Đúng 6 giờ sáng, các hộ dân sinh sống ở đảo Trường Sa đã sửa soạn xong quần áo để chuẩn bị tham gia nghi thức chào cờ đầu năm. 6 giờ 30 phút, hồi còi hiệu lệnh vang lên, các hộ dân trên đảo đi về khu vực tập kết. Những nam ngư phủ trên đảo khoác trên mình trang phục dân quân tự vệ, còn chị em phụ nữ xúng xính trong bộ áo dài truyền thống; các cháu nhỏ mặc những bộ trang phục mới háo hức đón chờ thời khắc thiêng liêng.

Quang cảnh lễ chào cờ đầu năm ở Đảo Trường Sa.
Quang cảnh lễ chào cờ đầu năm ở Đảo Trường Sa.

Sau khi ra khu vực quy định, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo cùng nhau xếp hàng ngay ngắn. Đúng 7 giờ sáng, tiếng hô dõng dạc của Chỉ huy đảo vang lên: “Nghiêm! Chào cờ... Chào!”. Trong không khí thiêng liêng, lá cờ đỏ sao vàng dần được kéo lên, tung bay trong gió. Người được chọn vào vị trí để làm lễ thượng cờ là những chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong công việc và rèn luyện. Đây là một trong những cách ghi nhận thành tích cũng như ý chí vươn lên của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Át tiếng sóng biển rì rào, tất cả một lòng cùng hướng mắt về lá cờ đang tung bay, đồng thanh hát quốc ca. Tiếp đó, một đồng chí sĩ quan thay mặt cho quân và dân trên đảo bước về phía trước đọc vang 10 lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam. Mỗi lời thề vang lên mạnh mẽ, đanh thép, hùng hồn, tạo nên hào khí thiêng liêng giữa biển, đảo của Tổ quốc. Ngay sau lời thề danh dự của người sĩ quan là màn duyệt binh biểu dương lực lượng của các đội hình Lữ đoàn 146 Hải quân, dân quân tự vệ, nhân dân, học sinh... Sau nghi thức chào cờ đầu năm mới, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa đến viếng Đài liệt sĩ, Đền thờ Bác Hồ, Chùa Trường Sa.

Đội hình duyệt binh trong lễ chào cờ đầu năm ở Đảo Trường Sa.
Đội hình duyệt binh trong lễ chào cờ đầu năm ở Đảo Trường Sa.

Thượng tá Trần Văn Quyển, Phó Lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 cho biết: Lễ chào cờ Tổ quốc được các đảo tổ chức vào buổi sáng đầu tuần, dịp đầu năm mới hay những ngày lễ lớn của đất nước. Riêng lễ chào cờ đầu năm đã trở thành truyền thống, là nét đẹp văn hóa của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở hải đảo xa xôi. Truyền thống ấy được các đảo, điểm đảo của quần đảo Trường Sa duy trì nhằm góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang làm nhiệm vụ, công tác tại đảo xa tiếp tục nỗ lực cố gắng, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nhân dân trên đảo Trường Sa và các đại biểu diễu hành trong lễ chào cờ đầu năm.
Nhân dân trên đảo Trường Sa và các đại biểu diễu hành trong lễ chào cờ đầu năm.

Từ lễ thượng cờ ở Đền Trần đến lễ chào cờ đầu năm ở Trường Sa, tuy được tổ chức ở 2 không gian khác nhau nhưng đều thiêng liêng, trang trọng, mang ý nghĩa tri ân các bậc tiền nhân có công với dân với nước, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, từ đó vững chắc niềm tin, nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ quê hương, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 

 



Xem thêm bình luận