Vinh dự to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã 5 lần được đón Bác Hồ về thăm. Người đã để lại trong lòng các tầng lớp cán bộ, nhân dân nhiều thế hệ những kỷ niệm sâu sắc. Năm tháng trôi qua, nhưng dấu chân và những lời huấn thị của Người vẫn còn in đậm, vang vọng trên quê hương văn hiến, cách mạng, tiếp thêm ý chí, động lực để Nam Định vươn lên, sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Nam Định, đó là chiều ngày 10-1-1946. Sáng 11-1-1946, tại Trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh Nam Định, Bác đã gặp và nói chuyện với đại biểu các tầng lớp nhân dân; đại biểu các tôn giáo và cán bộ các ngành, các giới của tỉnh…
Lần thứ hai Bác Hồ về thăm Nam Định vào ngày 24-4-1957. Bác đã đi thăm nhiều nơi trong thành phố Nam Định. Tại Nhà máy Dệt Nam Định ngày ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các phân xưởng sản xuất, nhà thương, bếp ăn, nhà trẻ và khu tập thể công nhân…
Lần thứ ba Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định ngày 13-8-1958. Bác đã dự hội nghị sản xuất nông nghiệp của tỉnh họp tại xã Yên Tiến (Ý Yên) - nơi có phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng năng suất lúa ở địa phương…
Lần thứ tư Bác Hồ về thăm Nam Định ngày 15-3-1959. Bác đã nói chuyện với hàng nghìn cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc chống hạn để đẩy mạnh sản xuất vụ đông - xuân…
Lần thứ năm, đó cũng là lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định trong hai ngày từ 21 đến 22-5-1963. Bác đã dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V. Nói chuyện tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Bác mong rằng sau Đại hội này, toàn Đảng bộ Nam Định sẽ ra sức khắc phục khuyết điểm, phát triển ưu điểm, đoàn kết một lòng, thực hiện đầy đủ mọi Nghị quyết của Đại hội, biến Nghị quyết đó thành quyết tâm của đảng viên, đoàn viên và đồng bào cả tỉnh, để xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc…”. Sau đó, Bác đã đến thăm Nhà máy Dệt. Người đi thăm một số phân xưởng, thăm bếp ăn, nhà ăn tập thể, khu nhà ở của công nhân và thăm Bệnh viện tỉnh. Xem triển lãm một số hình ảnh về lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Nam Định, Bác đã ghi lên trang đầu cuốn sổ vàng truyền thống của tỉnh: “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng Chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Tiếp đó, ngày 22-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với trên 5 vạn nhân dân Nam Định trong buổi mít tinh chào mừng thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Cả thành phố đổ ra đường, ai cũng mong muốn được trông thấy Bác Hồ để thỏa lòng mong ước…
Năm 2023 là năm Nam Định kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Nam Định lần cuối (21-5-1963 - 21-5-2023), trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa như mở cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Nam Định - Nam Định làm theo lời Bác”; phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ lần cuối về thăm Nam Định; tổ chức lễ báo công dâng Bác; tổ chức triển lãm “Nam Định in dấu chân Người”… Đây là dịp để tỉnh Nam Định tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, nâng cao niềm tin, tạo động lực mới cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Qua đó, tăng cường khối đại đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách; tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Hoạt động này còn là dịp để Đảng bộ và nhân dân Nam Định nhìn lại chặng đường 60 năm học tập và làm theo lời Bác, khắc ghi tình cảm, sự quan tâm của Bác Hồ dành cho quê hương Nam Định.
Trong những lần về thăm Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà thực hiện toàn diện các nhiệm vụ từ công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội đến bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó chú trọng phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp và công nghiệp dệt, những lợi thế vốn có của Nam Định. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân Nam Định ngày 22-5-1963, Người lưu ý: Cán bộ và công nhân Nam Định cần làm tốt cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” để phát triển kinh tế hơn nữa.
Khắc ghi lời Bác, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đều có những chủ trương, giải pháp phù hợp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành 6 nghị quyết chuyên đề toàn khóa liên quan đến các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18-6-2021 về xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành hữu quan và các địa phương, đến hết năm 2022, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục có những bước khởi sắc mới. Công tác xây dựng NTM được quan tâm triển khai thực hiện theo các tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu. Trong năm 2022, tỉnh đã quyết định công nhận 76 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; lũy kế đến nay toàn tỉnh có 182/204 xã, thị trấn chiếm 89,2% xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; có 23 xã, thị trấn đang hoàn thiện tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025; kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có thêm 60 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 251 sản phẩm. Kết quả đạt được trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đã tiếp tục củng cố vững chắc, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo chuẩn NTM nâng cao gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững; bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo và an sinh xã hội; củng cố xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…
Cùng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang duy trì đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 14,62% so với năm 2021. Khu công nghiệp (KCN) Bảo Minh (Vụ Bản), nơi tập trung nhiều doanh nghiệp dệt, sợi, nhuộm được trao chứng nhận là KCN tiêu biểu năm 2022. Tỉnh đang tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông; KCN Mỹ Thuận; lập quy hoạch dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Hồng Tiến, KCN Trung Thành (Ý Yên); đồng thời đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thiện thủ tục đầu tư các công trình trọng điểm, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Nhà máy Dệt Nam Định trước đây, nay là Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định đang có nhiều thay đổi. Những chỉ dạy của Người về công tác tổ chức, cải tiến quản lý, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tính sáng tạo của công nhân, phát động các phong trào sôi nổi để đảm bảo định mức kế hoạch vẫn luôn là những bài học để phát triển ngành Dệt may trong bối cảnh đổi mới hội nhập hiện nay, đóng góp vào thành tích chung xây dựng tỉnh Nam Định phát triển, xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh./.
Xuân Thu
Ảnh: T.L, Trần Đại và Xuân Thu