Hướng dẫn tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XXI

21:19, 04/03/2025

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Kế hoạch số 180-KH/TU, ngày 19/2/2025 của Ban TVTU về thảo luận và tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình đại hội đảng các cấp; Văn phòng Tỉnh uỷ hướng dẫn tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI với các nội dung, phương pháp như sau:

Việc tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện nhằm tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng, đất nước và của tỉnh; thông qua đó phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân; giúp cấp ủy các cấp nắm được xu hướng tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các ý kiến đóng góp phải bám sát nội dung gợi ý thảo luận của Trung ương, của tỉnh đối với từng văn kiện và sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy; tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác các ý kiến thảo luận tại đại hội các cấp và ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân. Ý kiến thảo luận phải được phân định, sắp xếp và tổng hợp theo nhóm nội dung các vấn đề đã được hướng dẫn thảo luận và trình tự tiêu đề trong mỗi dự thảo văn kiện. Bản tổng hợp vừa phải có tính khái quát, vừa phải cụ thể, thể hiện đúng tinh thần của các ý kiến và làm rõ xu hướng của các loại ý kiến đối với vấn đề thảo luận; nêu rõ lập luận của những ý kiến cá biệt có nội dung sâu sắc, nhưng không bình luận, nhận xét theo ý kiến chủ quan của người tổng hợp. Mỗi cấp ủy lập một báo cáo tổng hợp ý kiến của đại hội đảng bộ cấp mình và ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham gia vào các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp, các dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng; trong đó mỗi văn kiện được tổng hợp thành một mục riêng. Báo cáo tổng hợp ý kiến sau khi được đại hội đảng bộ thông qua gửi lên cấp ủy cấp trên trực tiếp chậm nhất sau 10 ngày kể từ khi kết thúc đại hội.

Nội dung tổng hợp bám sát theo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh cho từng dự thảo văn kiện, cần tập trung nêu những vấn đề lớn, quan trọng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đối với những ý kiến góp ý ngoài nội dung hướng dẫn, nhưng có đề cập trong văn kiện thì tổng hợp theo trình tự bố cục của từng văn kiện. Những ý kiến góp ý vào văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp được tổng hợp riêng theo hướng dẫn của cấp ủy các cấp.

Bố cục bản tổng hợp gồm 3 phần. Trong đó, phần nhận xét chung nêu khái quát về số lượng ý kiến phát biểu, không khí thảo luận; xu hướng nhất trí, không nhất trí; nhận xét về quá trình chuẩn bị văn kiện, chất lượng văn kiện… Phần tổng hợp ý kiến góp ý về nội dung tập trung tổng hợp từng vấn đề theo trình tự bố cục của văn kiện; bám sát hướng dẫn, gợi ý một số nội dung cần tập trung thảo luận trong các dự thảo văn kiện của Trung ương và của tỉnh; tổng hợp theo nhóm vấn đề như trong hướng dẫn, gợi ý, sau đó vẫn phải tổng hợp theo từng văn kiện. Để bảo đảm chất lượng thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, đại hội các cấp phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm của đại biểu; trong thảo luận cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, nhất là đối với những vấn đề mới, vấn đề khó… Phần đề xuất, kiến nghị, tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về những vấn đề có liên quan đến nội dung các văn kiện, quá trình chuẩn bị đại hội và cách lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện...

Để việc tổng hợp chính xác, đánh giá được xu hướng của các loại ý kiến, khi tiến hành tổng hợp ý kiến thảo luận ở đại hội đảng bộ các cấp cần phản ánh được số lượng ý kiến phát biểu so với đại biểu tham dự. Cụ thể, đối với đại hội hoặc hội nghị chi bộ, nêu cụ thể số đảng viên tham dự, số lượng ý kiến phát biểu. Đối với đại hội đảng bộ cấp trên, ngoài tổng hợp số lượng ý kiến phát biểu còn phải tổng hợp số lượng ý kiến được tập hợp từ báo cáo của cấp ủy cấp dưới trực tiếp. Đối với ý kiến của các tầng lớp nhân dân phải lượng hóa được số người tham gia ý kiến qua các hội nghị lấy ý kiến của các đoàn thể và số đơn, thư của nhân dân tham gia ý kiến gửi đến cấp ủy.

Khi tổng hợp ý kiến đối với từng vấn đề cụ thể, nhất là những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau, cần cố gắng lượng hóa, thống kê để đánh giá đúng thực chất các loại ý kiến và mức độ của các ý kiến khác nhau. Đối với chi bộ và đảng bộ cơ sở, cần tổng hợp rõ số lượng các loại ý kiến đồng ý, không đồng ý... Đối với đảng bộ cấp trên cơ sở, tùy điều kiện cụ thể về số lượng đại biểu, số lượng tổ chức đảng, cơ sở đảng để tổng hợp theo số lượng ý kiến (nếu xác định rõ số lượng) hoặc đánh giá theo các mức độ. Trong đó, “Hầu hết ý kiến”, sử dụng khi có khoảng 3/4 trở lên số ý kiến có cùng chính kiến. “Đa số ý kiến”, sử dụng khi có khoảng trên 1/2 đến dưới 3/4 số ý kiến có cùng chính kiến. “Nhiều ý kiến”, sử dụng khi có khoảng trên 1/4 đến dưới 1/2 số ý kiến có cùng chính kiến. “Một số ý kiến”, sử dụng khi có dưới 1/4 số ý kiến có cùng chính kiến. “Có ý kiến”, sử dụng trong trường hợp có một vài ý kiến có sự khác biệt hoặc đáng lưu ý về một vấn đề nào đó. Những ý kiến góp ý bằng văn bản được tổng hợp như ý kiến phát biểu trực tiếp. Đối với những vấn đề cần lấy phiếu biểu quyết thì phải nêu rõ kết quả biểu quyết. Những ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi, thay đổi cấu trúc, tiêu đề hoặc một đoạn, một câu, một từ hoặc một cụm từ cần được phản ánh đầy đủ, ghi nguyên văn, đồng thời phải nêu rõ ở dòng, đoạn, trang nào trong văn kiện. Đối với những ý kiến đóng góp có lập luận sâu sắc khác với dự thảo văn kiện cần được ghi lại đầy đủ, chính xác…

Trình tự tổng hợp được thực hiện thứ tự từ đại hội, hội nghị chi bộ, đảng bộ cơ sở lên đảng bộ cấp trên và đảng bộ trực thuộc tỉnh; sau đó tập hợp gửi về BCH Đảng bộ tỉnh, Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (qua Văn phòng Tỉnh ủy). Văn phòng Tỉnh ủy chịu trách nhiệm tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội của tỉnh; các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo cao cấp lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh; sau đó gửi về Ban TVTU, Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy chịu trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp của các tầng lớp trí thức (giới báo chí, nhà khoa học, nhà giáo, văn nghệ sĩ); ý kiến góp ý của nhân dân trên báo chí của tỉnh; ý kiến góp ý của nhân dân qua ứng dụng VNelD và các ý kiến góp ý qua thư gửi đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh; sau đó gửi về Ban TVTU, Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (qua Văn phòng Tỉnh ủy). MTTQ và các đoàn thể tỉnh tổ chức lấy ý kiến theo hệ thống dọc và mỗi tổ chức có trách nhiệm tổng hợp ý kiến gửi về MTTQ tỉnh. Tiếp đó, MTTQ tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp và gửi về Ban TVTU, Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (qua Văn phòng Tỉnh ủy).

Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI chủ trì việc tổng hợp chung các ý kiến góp ý. Trong đó, giao Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp các ý kiến góp ý vào Báo cáo chính trị Đại hội XXI của Đảng bộ tỉnh và trình Ban TVTU. Giao Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tổng hợp các ý kiến góp ý vào các văn kiện Đại hội XIV của Đảng, trình Thường trực Tỉnh ủy ký gửi Văn phòng Trung ương Đảng theo quy định.

Xuân Thu

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com