Kỳ I: Đổi mới, sáng tạo trong sắp xếp đơn vị hành chính
Mặc dù có số lượng đơn vị hành chính (ĐVHC) sắp xếp, sáp nhập lớn nhưng tỉnh Nam Định là đơn vị đầu tiên gửi Đề án về Bộ Nội vụ. Quá trình triển khai thực hiện, toàn hệ thống chính trị của tỉnh đã “quyết liệt, quyết làm”, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp. “Trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đẩy nhanh quá trình sắp xếp, sáp nhập ĐVHC để các đơn vị mới sau sáp nhập đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc và đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan tặng hoa chúc mừng thành công của Kỳ họp lần thứ nhất, HĐND xã Xuân Phúc (Xuân Trường) khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026. |
Xác định việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã là nhiệm vụ lớn, thời gian triển khai không nhiều, tác động lớn đến đội ngũ cán bộ và người dân, tỉnh đã huy động toàn hệ thống chính trị nhanh chóng “vào cuộc”. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nên cần phải được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện với quyết tâm cao của các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giải pháp của tỉnh để tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị UBND tỉnh triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh. |
Ngay sau khi có các văn bản của Trung ương về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 26/5/2023 về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 14/8/2023 quyết định thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND, ngày 15/8/2023 về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025. Trên cơ sở phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh, UBND các huyện đã xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025.
Thành Nam vươn mình phát triển. |
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và việc khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, trong vòng 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8/2023), UBND các huyện, thành phố đã hoàn thành phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã đảm bảo thời gian theo kế hoạch và đã được HĐND các cấp thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với tỷ lệ đại biểu tán thành 100%. Theo Đề án xây dựng trình Trung ương, toàn tỉnh có 2 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định; 77 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp gồm: 55 xã, 17 phường, 5 thị trấn.
Quá trình triển khai xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC được nghiên cứu, xem xét, đánh giá toàn diện các phương án, lịch sử hình thành, phát triển của ĐVHC, đảm bảo phù hợp và tương đồng về bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, tạo sự thống nhất, đồng thuận và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương sau sắp xếp. Cùng với đó, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình thực hiện, Tỉnh tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị. Thành lập Ban Chỉ đạo các cấp do đồng chí Bí thư cấp ủy là Trưởng ban để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện. Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các nghị quyết liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030 và giám sát việc thực hiện. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc yêu cầu: lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phải phát huy vai trò nêu gương; quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; làm đến đâu chắc đến đó, xã nào thuận lợi làm trước, khó khăn làm sau, tập trung làm dứt điểm. Trong suốt quá trình triển khai thực hiện phải luôn bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì phát triển kinh tế - xã hội.
Bám sát chỉ đạo của Ban TVTU, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy triển khai nghiêm túc, quyết liệt Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Ban TVTU, xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết của cấp ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy cấp xã, các chi bộ ở thôn (xóm), tổ dân phố xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết về thực hiện các nhiệm vụ trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại địa phương…
Sau sắp xếp, xã Nam Điền (Nam Trực) mở rộng không gian với nhiều dư địa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. |
Đảng bộ, chính quyền phường Quang Trung quyết tâm, đồng thuận trong sắp xếp đơn vị hành chính. |
Hội trường phường Vị Xuyên (thành phố Nam Định) ngày đầu tháng 9 đông kín người và được trang trí rực rỡ, đẹp mắt. Trước khi vào dự Kỳ họp thứ 9 HĐND phường khoá IX, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Trần Văn Xuân phấn khởi chia sẻ: “Khi có thông tin về sắp xếp, sáp nhập xã, phường cũng như các đảng viên khác, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những lợi ích của việc sáp nhập mang lại cho các địa phương. Khi thành phố tổ chức lấy ý kiến cử tri về việc xây dựng đề án sáp nhập ĐVHC cấp xã, tôi cũng đã đọc, nghiên cứu kỹ, tham gia đóng góp ý kiến về việc đặt tên phường; tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng thuận với chủ trương sắp xếp, sáp nhập. “Dọc ngang thông suốt” nên tỷ lệ lấy ý kiến cử tri, tỷ lệ tín nhiệm bầu các chức danh chủ chốt bộ máy chính quyền của phường chúng tôi luôn đạt rất cao. Cụ thể, tỷ lệ cử tri tán thành việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã của phường đạt trên 99%. 53/53 đại đại biểu được triệu tập tại kỳ họp thứ 9, HĐND phường đã nhất trí bầu được 4 Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND; 4 Trưởng, Phó Ban Pháp chế và Kinh tế - Xã hội HĐND; 6 Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường cùng các thành viên UBND phường”.
Sắp xếp, sát nhập đơn vị hành chính tạo tiền đề quan trọng trong thực hiện Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn 2050, qua đó đưa tỉnh ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao, đặc biệt khu vực ven biển. |
Cùng có kết quả lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã đạt trên 99%, kết quả bầu các chức danh chủ chốt cho bộ máy chính quyền mới đạt 100%, đồng chí Vũ Chí Kiên, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, phấn khởi cho biết: Xác định việc sắp xếp ĐVHC cấp xã là rất cần thiết nhằm bảo đảm hoàn thiện thể chế về ĐVHC, bộ máy của hệ thống chính trị; phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của xã hội cũng như sự chuyển đổi về phương thức quản lý, điều hành trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, công dân số, xã hội số; quá trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập, phường đã triển khai đầy đủ, bài bản các bước, quy trình theo quy định, hướng dẫn của tỉnh, thành phố. Quá trình triển khai sắp xếp, sáp nhập, cấp uỷ, chính quyền phường tích cực vào cuộc để tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tư tưởng trong cán bộ và nhân dân; đồng thời kiến nghị những vấn đề phát sinh trong quá trình sáp nhập 3 phường Hạ Long, Thống Nhất, Quang Trung thành ĐVHC mới. Từ đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Xác định điểm “mấu chốt” để thực hiện thành công việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã là cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì cán bộ, đảng viên phải thông, người dân phải hiểu và đồng thuận, cấp uỷ, chính quyền các cấp làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sáp nhập. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng cho biết: “Sau khi có Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15, ngày 23/7/2024 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Nam Định, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện cho việc triển khai được thuận lợi”. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh…
Đảng viên Chi bộ Tổ dân phố số 8 phường Năng Tĩnh (TP Nam Định) tuyên truyền người dân về chủ trương sáp nhập phường. |
Theo đó, quá trình tiến hành việc sắp xếp, sáp nhập, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nhất là việc bố trí vị trí việc làm, tinh giản biên chế và việc giải quyết các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp, sáp nhập. Ông Vũ Văn Lai, “cựu” Bí thư Đảng uỷ phường Văn Miếu (thành phố Nam Định) công tác tại phường từ năm 1987. Trong suốt 37 năm gắn bó với công việc ở phường, ông Lai đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ làm kế toán, Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND rồi đến Bí thư Đảng ủy phường. Quá trình công tác, dù ở cương vị nào ông Lai cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được người dân tin yêu, cấp uỷ, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao. “Tính năm công tác, tôi còn mấy năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, khi thành phố thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập ĐVHC, với trách nhiệm là người đứng đầu phường, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và đi đến quyết định xin nghỉ. Mặc dù khi tôi xin nghỉ sớm sẽ có nhiều thiệt thòi về chế độ, lương hưu sau này. Nhưng tôi cũng nghĩ, nếu tôi nghỉ, sẽ tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận với công việc, đặc biệt ở vị trí lãnh đạo. Ngoài ra, cũng góp phần giúp công tác bố trí, sắp xếp nhân sự của thành phố thuận lợi”.
Tính đến ngày 10/10/2024, số cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã tự nguyện tinh giản biên chế do dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Nam Định là 221 người, trong đó cán bộ cấp xã là 119 người, công chức cấp xã là 47 người, người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 55 người.
Cùng với tuyên truyền, tỉnh còn xây dựng các phương án giải quyết thỏa đáng các vấn đề về tài sản công, thủ tục pháp lý liên quan, ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính, chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân... Quá trình triển khai thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nội vụ, UBND huyện, thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tổ chức lấy ý kiến cử tri theo quy định, tạo không khí dân chủ; mỗi địa phương căn cứ tình hình thực tế dân cư trên địa bàn có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri phù hợp. Kết quả lấy ý kiến cử tri về mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định đạt 99,73% tỷ lệ cử tri đồng ý và huyện Mỹ Lộc đạt 95,89%; đối với việc thành lập 3 phường: Hưng Lộc, Nam Vân, Nam Phong thuộc thành phố Nam Định, tỷ lệ cử tri đồng ý đều đạt trên 95%.
Cán bộ tổ dân phố số 6, phường Vị Xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định. |
Tại các địa phương khác thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người dân đồng thuận, ủng hộ việc thành lập ĐVHC cấp xã cũng đạt rất cao, đạt từ 85% trở lên; trong đó có 5 đơn vị tỷ lệ cử tri nhất trí 100%. HĐND các cấp đã thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; chủ trương mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định và thành lập 3 phường bảo đảm đúng quy định, tỷ lệ đại biểu tán thành là 100%. Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Nam Định có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 8 huyện và thành phố Nam Định); 175 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn); qua đó giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, 51 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 42 xã, 8 phường, 1 thị trấn).
Kết quả này đã khẳng định khi “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” thì mọi việc khó đều có thể thành công.
(Còn nữa )
Thu Thủy - Hoa Xuân - Viết Dư