Phát huy giá trị văn hóa và nguồn lực của các tôn giáo - Gọi tên Nam Định (kỳ IV)
.

Phát huy giá trị văn hóa và nguồn lực của các tôn giáo - Gọi tên Nam Định (kỳ IV)

09:20, 30/10/2024

 

 

Kỳ I: Phật giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc

Kỳ II: Lan tỏa giá trị đạo đức, văn hóa "tốt đời, đẹp đạo"

Kỳ III: Phát triển Đảng vùng đồng bào có đạo - "Chìa khóa" mở nhiều "cánh cửa"

 

 

Là tỉnh trọng điểm về tôn giáo, Tỉnh ủy Nam Định đã tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, hệ thống chính trị ở vùng có đông đồng bào tôn giáo. Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân.

 

Tháng 11/2023, Tổng Bí thư Tô Lâm và Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc
thăm bà con thôn Đông Dương, xã Xuân Hòa (Xuân Trường) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Huyện Hải Hậu hiện có 53 giáo xứ, 91 giáo họ; có 35 chùa ở 21 xã, thị trấn, trong đó có 9 chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia và cấp tỉnh. Cùng với 2 tôn giáo, trên địa bàn huyện còn có hệ thống cơ sở tín ngưỡng thờ cúng truyền thống phong phú, bao gồm: 80 đền, đình; 16 phủ; 236 miếu, am; 2.047 từ đường các dòng họ. Đồng chí Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: Với mục tiêu tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; đảm bảo đoàn kết giữa các tôn giáo, Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu và Ban chỉ đạo Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) của huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác, với những nhiệm vụ trọng tâm. Đẩy mạnh các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng có đông đồng bào các tôn giáo, gắn với phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ Ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) huyện, Ban Trị sự Phật giáo huyện, Ban hành giáo các xứ, họ đẩy mạnh phong trào xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; “Xứ, họ đạo không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội”, “Ba an toàn về an ninh trật tự ( ANTT)”.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định nhân dịp Lễ Phật đản.

 

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh tặng hoa chúc mừng Linh mục Nguyễn Văn Hy và bà con giáo dân giáo xứ Xuân Bảng.

 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị thăm và chúc mừng Linh mục Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết Công giáo tỉnh
và toàn thể bà con giáo dân Giáo xứ Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) nhân dịp Lễ Giáng sinh năm 2023.

 

Việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các tổ chức xã hội được người Công giáo trong huyện quan tâm thực hiện. Trong kỳ bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và bầu cử Quốc hội khoá XV, bà con giáo dân địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, chân tình cho các ứng cử viên. Nhiều linh mục đã bố trí thời gian các khóa lễ phù hợp để bà con giáo dân đi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân đông đủ, đúng giờ. Có 155 người Công giáo tham gia Ban chấp hành Đảng bộ các cấp, 306 người tham gia HĐND các cấp, 302 người tham gia Uỷ ban MTTQ các cấp... Trong 5 năm qua có trên 900 con em người Công giáo lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giao quân của huyện hàng năm. 

 

Một góc Thành Nam.
Một góc Thành Nam.

 

Đồng chí Bùi Văn Hảo, Bí thư Huyện ủy Xuân Trường cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn công tác vận động đồng bào Công giáo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước thời gian vừa qua cho thấy cũng còn một số hạn chế. Số lượng đảng viên trong đồng bào các tôn giáo được phát triển hàng năm còn thấp. Bên cạnh đó, xuất hiện tôn giáo mới, cơ sở tôn giáo chưa được cấp đăng ký hoạt động hoặc chưa được công nhận hoạt động vi phạm quy định của pháp luật. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm sâu sắc về tôn giáo và công tác tôn giáo trong tình hình mới. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành về công tác tôn giáo có lúc, có việc chưa chủ động, chặt chẽ.

 

 

Nhận thức rõ những “điểm nghẽn” nêu trên, tháng 8/2023, Huyện ủy Xuân Trường ban hành Nghị quyết số 116 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nghị quyết đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; xác định rõ mục tiêu trọng tâm là: Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Phát hiện sớm, chủ động ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh chính trị trên địa bàn huyện.

 

Huyện Xuân Trường biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào theo các tôn giáo”.

 

Tại Nam Định, các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận đều xây dựng đường hướng hành đạo riêng, phù hợp đạo lý như: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống Phúc âm phục sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc” của Hội thánh Tin Lành.

 

 

Linh mục Giuse Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cho biết: Thời gian qua, Ủy ban ĐKCG tỉnh đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi người Công giáo trong tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và tỉnh phát động, tạo sự chuyển biến toàn diện trong đời sống xã hội. Ủy ban ĐKCG tỉnh phối hợp với Công an tỉnh triển khai lồng ghép việc thực hiện triển khai mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” vào trong các phong trào: Xây dựng “Xứ họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; “Giáo xứ, giáo họ không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội”; “Xứ họ bình yên”; “Bình yên làng nghề”… Hiện, có 92% giáo xứ, giáo họ đạt “An toàn về ANTT”. Bà con giáo dân ở các xứ, họ đạo thuộc tuyến biên giới biển còn tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh tuyến biển. 

 

Ngoài ra, người Công giáo tỉnh còn làm tốt công tác tham gia xây dựng lực lượng vũ trang, thường xuyên giáo dục con em về nghĩa vụ công dân, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hàng năm, 100% thanh niên Công giáo đến 17 tuổi đều đăng ký nghĩa vụ quân sự; 18 tuổi đi khám tuyển sức khoẻ, đủ tiêu chuẩn đều lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

 

Ngày hội Văn hóa, thể thao Tết độc lập 2-9 tại Hải Hậu.
Ngày hội Văn hóa, thể thao "Tết độc lập" 2-9 tại Hải Hậu.

 

Thầy Thích Thanh Toàn, chùa Vạn Điểm, đảng viên sinh hoạt tại chi bộ 7, Đảng bộ Thị trấn Lâm (Ý Yên) nêu quan điểm: Ở nước ta hiện nay, các tổ chức tôn giáo đều được bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng chính sách “Tự do tín ngưỡng”, “Tự do tôn giáo”, một số kẻ xấu đã có những hoạt động vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích của dân tộc và của nhân dân như: Lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để hoạt động chống đối, kích động tín đồ gây mất an ninh trật tự, tiếp tay cho các thế lực thù địch, chia rẽ tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. “Vì lẽ đó, phát huy truyền thống “hộ quốc an dân” trong thời kỳ mới, ngoài việc vận động tín đồ và nhân dân chống lại các tệ nạn xã hội, các loại hình tín ngưỡng không hợp pháp, các tăng, ni trong Giáo hội Phật giáo tỉnh, Giáo hội Phật giáo các huyện, thành phố đã tạo điều kiện để tín đồ Phật tử học hỏi giáo lý, giúp họ tự ý thức được đâu là mê tín, đâu là tín ngưỡng để đi đến tự tín và chính tín.” - Thầy Thích Thanh Toàn bầy tỏ.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: “Lương - giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định thắng lợi”. Theo tư tưởng của Người: “Đoàn kết lương - giáo là đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo; đoàn kết giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau trong khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

 

Biểu diễn nghệ thuật Cà kheo trong sinh hoạt tôn giáo tại Giáo xứ Quần Vinh, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).
Biểu diễn nghệ thuật Cà kheo trong sinh hoạt tôn giáo tại Giáo xứ Quần Vinh, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).

 

 

Năm 2012, dự và phát biểu tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng: "Trong giai đoạn cách mạng mới, toàn Đảng, toàn dân ta phải tăng cường đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong dân, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế".

 

 

Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Xác định vận động quần chúng là nội dung cốt lõi của công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào tôn giáo, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo như: Nghị quyết số 3, ngày 4/1/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động toàn dân xây dựng mô hình phong trào "Ba an toàn” về ANTT; Chỉ thị số 20, ngày 18/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTT trong đồng bào các tôn giáo.

 

Hồ Vị Hoàng (Thành phố Nam Định).

 

Hằng năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đều xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tính chủ động của đồng bào các tôn giáo trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Phong trào giữ gìn ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội luôn được các chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo nhiệt tình hưởng ứng tham gia với nhiều mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả tích cực. Tiêu biểu là các mô hình “Xứ, họ đạo, gia đình Công giáo gương mẫu”; “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; “Giáo xứ, họ đạo không có ma túy”... Toàn tỉnh đã xây dựng thành công 37 mô hình, trong đó tôn giáo có 9 mô hình được thực hiện tại 1.615 cơ sở tôn giáo.

 

Thầy Thích Thanh Toàn (đứng giữa), chùa Vạn Điểm (tên thật là Trần Văn Hùng) là đảng viên sinh hoạt tại chi bộ 7, Đảng bộ Thị trấn Lâm (Ý Yên).

 

Đồng bào Công giáo tích cực hưởng ứng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đều khắp ở các xứ, họ đạo trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.452 lượt xứ, họ đạo đạt tiêu chí “Xứ, họ đạo tiên tiến”; 98.793 lượt gia đình Công giáo đạt danh hiệu "Gia đình công giáo gương mẫu”. Hằng năm, Tòa Giám mục Bùi Chu đều ra thư mục vụ nhắc nhở giáo dân xa lánh, bài trừ tệ nạn xã hội như: ma túy, cờ bạc, mại dâm, rượu chè, đua xe... Tích cực giữ gìn ANTT trong xứ, họ, gia đình. Nhiều linh mục, các vị trong Hội đồng mục vụ, giáo xứ họ và giáo dân tham gia tổ hoà giải, tổ an ninh nhân dân trong thôn, xóm, tổ dân phố, đã hoà giải được nhiều vụ việc mâu thuẫn xích mích, góp phần đáng kể làm giảm tỷ lệ tội phạm là người Công giáo. 

 

Giáo dân Giáo xứ Phú Thứ, xã Tam Thanh (Vụ Bản) hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, đối với đồng bào theo Phật giáo, phong trào bảo vệ ANTQ được đưa vào tiêu chí xây dựng mô hình “Tâm sáng, hướng thiện”, “Chùa tinh tiến”, vận động sư trụ trì, Ban hộ tự các chùa và phật tử chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về ANTT và về sinh hoạt tôn giáo; giúp đỡ các gia đình chính sách, neo đơn, gặp khó khăn; bảo vệ an toàn nhà chùa, tích cực tham gia xây dựng các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đến nay, có 95% chùa đạt “An toàn về ANTT ", 571 chùa đạt tiêu chí “Chùa tinh tiến”.

 

Nhà thờ đổ, xã Hải Lý (Hải Hậu) thu hút đông đảo khách du lịch.
Nhà thờ đổ, xã Hải Lý (Hải Hậu) thu hút đông đảo khách du lịch.

 

Khơi dậy và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng - là chìa khóa để Nam Định có những khởi sắc toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những thành tựu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu hướng tới mục tiêu xây dựng “Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn văn minh, hiện đại”. Chỉ tính giai đoạn 2010-2020, đồng bào Công giáo toàn tỉnh đã hiến trên 20 nghìn m2 đất, hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm. Các tăng, ni đã kêu gọi tín đồ, phật tử hiến tặng trên 10 nghìn m2 đất, gần 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng một số trạm y tế, trường mầm non, nhà văn hóa thôn, xóm. Đóng góp của các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo góp phần thiết thực đưa Nam Định trở thành một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Năm 2024, tỉnh lại tiếp tục nằm trong top 5 tỉnh trên cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Bài và ảnhViệt Thắng, Xuân Lộc
Đồ họa: Trường Vinh

----------------

Kỳ I: Phật giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc

Kỳ II: Lan tỏa giá trị đạo đức, văn hóa "tốt đời, đẹp đạo"

Kỳ III: Phát triển Đảng vùng đồng bào có đạo - "Chìa khóa" mở nhiều "cánh cửa"

 

 

 



Xem thêm bình luận