Nam Định vinh dự, tự hào là một trong những địa phương nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong thời gian giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã hai lần về thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định. Những chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư cũng chính là những định hướng lớn, là "kim chỉ nam” để Đảng bộ Nam Định luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển toàn diện; trong đó, có nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thiên Trường xưa - Nam Định nay theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển" và "soi đường cho quốc dân đi".
Ngày 8/02/2017, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Nam Định là địa phương có vị trí chiến lược rất quan trọng ở đồng bằng sông Hồng; có truyền thống văn hóa, văn hiến, khoa bảng và truyền thống cách mạng kiên cường; nhân dân cần cù, sáng tạo... Đó là động lực quan trọng để Nam Định phát triển trong điều kiện mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những bước phát triển ngày càng rõ nét của Nam Định trên nhiều phương diện; nhất là những thay đổi nhanh chóng về cơ sở hạ tầng, diện mạo thành phố và nông thôn. Tổng Bí thư bày tỏ ấn tượng khi Nam Định hiện là địa phương đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nằm trong tốp dẫn đầu cả nước, đồng thời ghi nhận những kết quả xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục của tỉnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương dâng hương tại Tượng đài Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường). |
Về làm việc tại tỉnh nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu lãnh đạo địa phương xem đây là dịp để khơi dậy, phát huy nguồn lực văn hiến và tinh thần trên quê hương Nam Định. Tổng Bí thư cho rằng, động lực tinh thần, sức mạnh truyền thống cũng là một nguồn lực hết sức quan trọng, to lớn phục vụ sự nghiệp phát triển. Do đó, phải làm cho các cấp ủy, chính quyền, nhân dân nhận thức rõ những giá trị văn hiến, truyền thống; không cam chịu trước những khó khăn, tồn tại, mà phải bứt phá đi lên.
Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương đã đến dâng hương tại Tượng đài Tổng Bí thư Trường Chinh; đến thăm, dâng hương tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), bày tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh đối với đất nước, dân tộc, với Đảng và nhân dân ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (09/02/1907 - 09/02/2017). |
Nam Định tự hào là quê hương sinh ra đồng chí Trường Chinh - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam; nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Là một nhà văn hóa lớn, đồng chí Trường Chinh thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hoá, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”; ở mỗi chặng đường lịch sử, trước mỗi thử thách của cách mạng, đồng chí Trường Chinh đều đánh giá đúng tình hình, nêu lên trách nhiệm cụ thể của văn hoá. Hàng loạt tác phẩm cùng các bài viết của đồng chí về văn hóa đã góp phần tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh những quan điểm đặc sắc, đúng đắn của Đảng ta về lĩnh vực văn hóa. Tháng 2-1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội) không chỉ được xem là một văn kiện lịch sử quan trọng mà còn là một Cương lĩnh hành động đầu tiên về văn hóa, thể hiện vai trò lãnh đạo, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về văn hóa và cách mạng văn hóa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại Trường Chính trị Trường Chinh. |
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu: "Đề cương văn hoá Việt Nam", trong đó chỉ rõ "Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hoá)" và chủ trương phát triển văn hoá theo ba hướng: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng. Những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong Văn kiện quan trọng này đã tạo ra một luồng sinh khí mới để tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, tập hợp nhân dân phát huy vai trò của văn hoá, thống nhất về nhận thức, tư tưởng và tổ chức, khơi dậy khát vọng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, năm 1945.”
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn...
Nghi thức trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Chương trình hành động số 04-CTr/TU, ngày 16/02/2016 về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trong đó đề ra mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Nam Định từng bước hoàn thiện theo các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam cùng đặc trưng của Nam Định theo hướng nhân văn, trí tuệ, sáng tạo và trách nhiệm, nhằm xây dựng hình ảnh Nam Định văn minh, thân thiện. Kết luận số 75-KL/TU, ngày 14/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 09/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”.
Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện được tổ chức từ ngày 12 -15 tháng 9 âm lịch hàng năm. |
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, như: Kế hoạch số 98/KH-UBND, ngày 22/9/2017 của UBND tỉnh về triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 28/KH-UBND, ngày 28/02/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nam Định; Kế hoạch số 46/KH-BCĐ, ngày 15/6/2022 của UBND tỉnh triển khai Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2026; Kế hoạch số 96/KH-UBND, ngày 15/7/2022 triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị Di sản văn hoá Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” được đông đảo cán bộ, nhân dân hưởng ứng, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh đã có 2.160 hương ước, quy ước đã được công nhận góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh. Đến năm 2023, toàn tỉnh có 2.052/2.160 khu dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa (đạt 95%), có 581.482/620.944 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 93,64%).
Biểu diễn múa lân tại Ngày hội văn hóa - thể thao truyền thống huyện Hải Hậu. |
Công tác quản lý, tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo hướng văn minh, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; các địa phương đã xây dựng kế hoạch và quản lý chặt chẽ các hoạt động diễn ra trong lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về di tích, về nội quy bảo vệ di tích và bảo vệ môi trường cảnh quan di tích; nhiều trò chơi dân gian được khôi phục. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra cơ bản ổn định, tuân thủ pháp luật, theo đúng hiến chương, điều lệ, tôn chỉ mục đích của tổ chức tôn giáo đề ra và thực hiện theo đúng phương châm “tốt đời đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành với dân tộc; phát huy được những giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.452 lượt xứ, họ đạo đạt tiêu chí “Xứ, họ đạo tiên tiến”; 98.793 lượt gia đình Công giáo đạt danh hiệu “Gia đình Công giáo gương mẫu”.
Là quê hương - nơi phát tích của Vương triều Trần và hào khí Đông A đã tạo nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ đạt đến đỉnh cao về “võ công, văn trị”, dưới thời Trần, từng giữ vị thế như một kinh đô thứ hai sau Thăng Long, Nam Định là vùng quê giàu trầm tích di sản văn hóa. Trong quá trình xây dựng và phát triển, cộng đồng địa phương tỉnh Nam Định đã sáng tạo và lưu truyền nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giá trị. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển văn hóa, con người, xây dựng thiết chế văn hóa, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho lĩnh vực văn hóa cũng được các ngành, địa phương quan tâm. Công tác xã hội hóa hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích đã được triển khai hiệu quả, với sự tham gia đóng góp tích cực của nhân dân. Toàn tỉnh có 2 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 87 di tích xếp hạng quốc gia, 334 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 5 nhóm bảo vật quốc gia. "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; 11 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội Đền Trần (thành phố Nam Định); Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản); Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định; Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường); Lễ hội Chùa Đại Bi (Nam Trực); Lễ hội Đền - Chùa Linh Quang (Trực Ninh); Lễ hội đền thờ Đức Thánh Tổ xã Yên Xá, nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên)…
Tiết mục hát Văn tại Hội thảo “Thực hành di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại Nam Định tháng 11-2023 và Trình diễn nghệ thuật hầu đồng tại Khu di tích Phủ Dầy (Vụ Bản). |
Với mục tiêu "xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại", để hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương trong tỉnh xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, tiếp tục đẩy mạnh, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu. Từ đó thu hút được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tạo sự đồng thuận, đóng góp công sức, trí tuệ và huy động nguồn lực xã hội để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Tỉnh Nam Định luôn ưu tiên quỹ đất và đầu tư cơ sở vật chất xây dựng các thiết chế văn hóa cấp xã, thôn và dành không gian vui chơi, giải trí phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM ở địa phương. Hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống, thư viện đã phát huy hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, nâng cao dân trí. 100% xã, phường, thị trấn đều có nhà văn hóa; 2.054 sân thể thao thôn/xóm/tổ dân phố phục vụ hoạt động tập luyện TDTT của người dân. Tổng số kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa (giai đoạn 2018-2022) tại các thôn/xóm/tổ dân phố là 280 tỷ 424 triệu đồng, trong đó kinh phí từ nguồn xã hội hóa gần 202 tỷ đồng (đạt khoảng 71%). Đến nay, tỉnh Nam Định là địa phương dẫn đầu cả nước trong thực hiện xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu với 39/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 199/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao.
Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW gắn với Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khoá XII) "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Kết luận số 75-KL/TU, ngày 14/12/2021 của Tỉnh ủy Nam Định về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 09/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”.
Làng nghề chạm, khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên). |
Phát huy truyền thống văn hiến của quê hương, tiếp thu tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định quyết tâm xây dựng nền văn hóa và con người Nam Định phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đưa Nam Định sớm trở thành tỉnh khá của cả nước, xứng với niềm tin tưởng và tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nam Định.
Việt Thắng